Đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông





* Bắc Giang phấn đấu đến năm 2010, cứng hoá 50% chiều dài các tuyến đường huyện, từ 20-30% chiều dài đường xã, từ 53-54% chiều dài đường thôn bản và đảm bảo các trục đường chính đi lại thuận tiện cả trong mùa mưa; đến năm 2020, cứng hoá tất cả chiều dài các tuyến đường huyện, 80% chiều dài đường xã, 75% chiều dài đường thôn bản và đảm bảo giao thông thông suốt đến các xã, cơ bản có đường ô tô đến các thôn bản.


Thực hiện các mục tiêu này, Bắc Giang sẽ quy hoạch giao thông nông thôn, xác định tỷ lệ đầu tư giữa nhà nước và người dân cho phù hợp. Đối với các huyện miền núi, tỷ lệ hỗ trợ đầu tư của nhà nước cao hơn và huy động đóng góp của nhân dân cũng nhỏ hơn ở các huyện trung du, đồng bằng. Bên cạnh đó, tỉnh kết hợp đầu tư giữa giao thông đường bộ với giao thông đường thuỷ và kết hợp giữa đầu tư mới, nâng cấp với việc thực hiện đồng bộ công tác quản lý khai thác, duy tu, bảo trì đường giao thông nông thôn; thường xuyên kiểm tra, giám sát để đảm bảo chất lượng đường giao thông nông thôn. Trước mắt, tỉnh khẩn trương thực hiện có hiệu quả nguồn vốn kích cầu của Chính phủ có phần đầu tư cho phát triển giao thông trên địa bàn.


Theo ngành giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang, giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập và có tới gần 50% tổng chiều dài đường giao thông nông thôn là đường xấu hay rất xấu. Đến nay, tỷ lệ cứng hoá toàn hệ thống giao thông nông thôn của tỉnh đạt 41,9% tổng chiều dài các tuyến giao thông nông thôn; trong đó, đường huyện đạt 38%, đường xã đạt 15% và đường thôn bản đạt 51,6%.


* Đoạn quản lý đường sông số 11 (Cục Đường sông Việt Nam) vừa đầu tư hơn 3,4 tỉ đồng nạo vét bãi cạn cua cong Rạch Tôm trên tuyến kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) từ Km 8+124 đến km 10+300 Rạch Lá, nhằm cải thiện tình trạng bãi cạn tại khu vực này thường xuyên gây ùn tắc giao thông cho các phương tiện thủy qua lại.


Công trình nạo vét bãi cạn cua cong Rạch Tôm trên tuyến kênh Chợ Gạo có tổng chiều dài 1.989 m; chiều rộng đáy thuộc Rạch Lá là 70 m; khu vực cua cong 90 m. Công trình do Đoạn quản lý đường sông số 11 làm chủ đầu tư; Công ty Nạo vét đường thủy 2 là đơn vị trúng thầu thi công. Theo kế hoạch, công trình được đưa vào sử dụng sau hơn một tháng triển khai thi công.


Kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) dài hơn 28 km, nối liền giữa sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây. Đây là tuyến giao thông thủy huyết mạch giữa các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hồ Chí Minh. Trên tuyến kênh này, mỗi ngày có trên 1.500 phương thủy tiện các loại qua lại, trong đó có hàng trăm lượt phương tiện có trọng tải từ 700 – 1.000 tấn lưu hành. Do đó, tình hình trật tự ATGT tại đây luôn diễn biến phức tạp; luồng an toàn tàu chạy có nhiều chướng ngại; khan cạn nghiêm trọng, phương tiện có trọng tải lớn khi lưu thông vào tuyến này thường xuyên bị mắc cạn gây ùn tắc giao thông kéo dài nhiều giờ; khoang thông thuyền cầu Chợ Gạo hẹp, phương tiện qua lại rất khó khăn.


* Đồng Tháp hiện còn 5 xã chưa có đường ôtô đến trung tâm xã, 10 xã đường ôtô đi được 1 mùa khô và 13 xã cù lao đi lại bằng phà, đò; trên nhiều tuyến đường xã hiện nay vẫn còn sử dụng cầu gỗ tạm và đò ngang. Để kiện toàn mạng lưới giao thông nông thôn, tỉnh đề ra kế hoạch thực hiện đến 2010 xe cơ giới 4 bánh đến được trung tâm các xã; xe tải dưới 8 tấn đến được một số xã có trung tâm kinh tế phát triển khá; xây dựng mới các bến phà phục vụ ôtô đến trung tâm xã vùng cù lao.


UBND tỉnh cũng đã phê duyệt đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, với mục tiêu xây dựng mạng lưới đường bộ đảm bảo tính liên hoàn giữa hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ và giao thông nông thôn. Cụ thể, đến năm 2020, nâng cấp hệ thống đường hiện có đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định, xe tải nặng đến được trung tâm kinh tế lớn của các huyện, thị xã, xe tải nhẹ đến được các thị trấn (đô thị loại 5), lưu thông xuyên suốt trên đường từ trung tâm xã đến các cụm, tuyến dân cư. Tỉnh sẽ đầu tư nâng cấp tuyến Kênh Mương Khai – Đốc Phủ Hiền, tạo tuyến vận tải đường thủy liên tỉnh nối từ Sông Tiền đến Sông Hậu.


Các huyện biên giới và các huyện kinh tế khó khăn gồm: Tân Hồng, Hồng Ngự, Thanh Bình, Tam Nông, Tháp Mười, thị xã Hồng Ngự sẽ được hỗ trợ vốn đầu tư 90% từ nguồn ngân sách trung ương, tỉnh và vốn các chương trình mục tiêu; còn lại 10% chi phí sẽ do ngân sách huyện, thị xã và huy động các nguồn khác để thực hiện. Các huyện, thị xã, thành phố còn lại: Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành, Sa Đéc và thành phố Cao Lãnh vốn ngân sách trung ương, tỉnh và vốn các chương trình mục tiêu bố trí hỗ trợ 50%; ngân sách huyện, thị xã, thành phố và các nguồn huy động khác 50%./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *