Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL:12.055 hộ nghèo có nhu cầu vay vốn cải tạo nhà ở

Ngày 12/4 tại Hà Nội, Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng Cao Lại Quang đã chủ trì Hội nghị báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL. Đây là dự án nằm trong Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia (NUUp), thời gian thực hiện từ 2009 – 2015 với mục tiêu là Nâng cao điều kiện sống của người dân các đô thị vùng ĐBSCL. Dự án gồm 7 hợp phần trong đó có 6 hợp phần hỗ trợ trực tiếp cho các đô thị là nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp 3 (khu vực có điều kiện yếu kém về cơ sở hạ tầng – LIA); nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp 1, 2 kết nối với hạ tầng cấp 3; tái định cư cho dân thuộc khu vực không an toàn; quản lý nhà và đất; cho vay cải thiện điều kiện nhà ở; nâng cao năng lực. Hợp phần thứ 7 là hỗ trợ kỹ thuật cho Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng). Cụ thể hợp phần 7 bao gồm các nội dung: Tăng cường năng lực xây dựng cơ chế chính sách phát triển đô thị, xây dựng và thực hiện cơ chế chính sách thích hợp mục tiêu phát triển đô thị bền vững. Hướng dẫn triển khai các chương trình, đề án đã được Chính phủ định hướng về hệ thống đô thị Việt Nam, phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu. Xây dựng hệ thống thông tin đồng bộ về đô thị hóa trên toàn quốc, đào tạo cán bộ thực hiện và vận hành cơ sở dự liệu về phát triển đô thị. Hỗ trợ các chương trình hành động triển khai xúc tiến huy động vốn đầu tư nâng cấp đô thị Việt Nam. Hỗ trợ theo dõi, triển khai thực hiện dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL.


Rất nhiều hộ nghèo cần vay vốn cải tạo nhà ở.

Tại hội nghị lần này, đại diện 6 đô thị được lựa chọn để triển khai dự án là Cần Thơ, Mỹ Tho, Cà Mau, trà Vinh, Cao Lãnh, Rạch Giá đã báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các tiểu dự án nâng cấp đô thị của địa phương. Theo đó, các đô thị đều có những khu vực LIA bất cập, yếu kém về cơ sở hạ tầng đô thị (tổng diện tích 9.641km2 với dân số 133.456 người) và đều có nhu cầu bức thiết về nâng cấp cơ sở hạ tầng, bảo đảm tính bền vững của các đô thị. Mặc dù mỗi đô thị có những nhu cầu nâng cấp khác nhau nhưng đều thống nhất ưu tiên cho những công trình thiết yếu nhất phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người dân như đường giao thông, cấp nước sinh hoạt, thoát nước, thu gom và xử lý chất thải rắn. Đại diện các đô thị cũng thống nhất về nguyên tắc việc triển khai dự án có sự tham gia của cộng đồng tại tất cả các giai đoạn; giảm thiểu di dời, tái định cư, bảo đảm an toàn xã hội; gia tăng tối đa người được hưởng lợi và phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển chung của đô thị, phù hợp với các dự án, kế hoạch đầu tư trên địa bàn.

Cũng tại hội nghị, đại diện các đô thị đã đề xuất giải pháp tài chính cho việc triển khai dự án. Tổng vốn đầu tư nâng cấp các đô thị vào khoảng 500 triệu USD trong đó vốn vay ODA Ngân hàng Thế giới chiếm 66%, vốn đối ứng 34%. Số người được hưởng lợi trực tiếp từ dự án tại 6 đô thị vào khoảng 142 nghìn người và số người hưởng lợi gián tiếp 1,39 triệu người. Số hộ nghèo cần được vay vốn cải tạo nhà ở vào khoảng 12.055 hộ với mức vay bình quân từ 20 – 30 triệu đ/hộ.

Dự kiến, sau hội nghị báo cáo tiền khả thi, Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp nhu cầu, đề xuất nâng cấp của 6 đô thị và lên danh mục yêu cầu tài trợ ODA gửi Bộ KH&ĐT. Bộ này tiếp tục tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục vào tháng 6/2010. Sau khi danh mục được phê duyệt, dự án sẽ bước vào giai đoạn lập dự án đầu tư (báo cáo khả thi). Từ tháng 3/2011 đến 9/2011 là giai đoạn phê duyệt dự án đầu tư, đàm phán và ký hiệp định vay vốn. Đầu năm 2012, dự án mới bước vào giai đoạn thực hiện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *