Giao dịch BĐS qua sàn từ góc nhìn doanh nghiệp


Ngày 15/9, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị sơ kết đánh giá tình hình hoạt động sàn giao dịch BĐS do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân chủ trì.




Toàn cảnh Hội nghị.

Tiến sĩ Châu Thị Thu Nga – Chủ tịch HĐQt – TGĐ Housing Group: “Người dân hiểu biết về sàn còn khá mơ hồ”


Hiện nay có rất nhiều Luật, Nghị định, thông tư về Kinh doanh BĐS nhưng người dân thì rất mơ hồ, chưa hiểu thấu đáo về tính chuyên nghiệp và tác dụng về của Sàn GD. Các Bộ, Ban, ngành cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước cần tháo gỡ những khúc mắc về hình ảnh và tác dụng cũng như lợi ích để người dân tham gia giao dịch. Và cần phải cấp giấy chứng nhận khi có giao dịch tại phòng. Cũng như hướng dẫn cụ thể về điều luật một cách rõ ràng minh bạch để người dân hiểu biết hơn khi tham gia.


Ông Phạm Ngọc Thanh – Chủ tịch HĐQT sàn GD Taseco tại Hà Nộị: “Khách hàng vẫn ngại tham gia qua sàn vì “ngại” thuế”


Các sàn GD BĐS vừa mới ra đời, thời gian hoạt động chưa lâu nhưng hiện nay thuế, điều kiện giao dịch đang là một vấn đề bất cập, làm cho người dân và doanh nghiệp đều cảm thấy hoang mang. Do phải đóng thuế nên nhiều người dân và chủ đầu tư đều “ngại” tham gia giao dịch qua sàn.


Ông Lương Chí Thìn – GĐ Sàn GD BĐS Đất Xanh: “Cần có chế tài xử lý DN trốn thuế và không giao dịch qua sàn”


Sau 8 tháng chính thức đi vào hoạt động thì có những Sàn giao dịch hoạt động khá tốt, bên cạnh đó cũng có những Sàn GD chưa đủ điều kiện cơ sở để có thể coi là sàn GD vì thế cần phải có những đánh giá khen chê rõ ràng như cần tuyên dương những DN tham gia giao dịch trên sàn như có đóng góp thuế. Và có phạt và chế tài xử lý những doanh nghiệp trốn thuế và không tham gia GD qua sàn. Để tăng thêm tính minh bạch cho sàn GD, và kích thích phát triển những sàn giao dịch đủ tiêu chuẩn với chất lượng cao…


Ngoài ra cũng cần xây dựng một Sàn kiểu mẫu, đạt tiêu chuẩn đủ chất lượng, làm cơ sở đánh giá sàn có chất lượng tốt và sàn không đạt chuẩn để tránh tình trạng thành lập cấp phép sàn một cách tràn lan và không minh bạch. Đào tạo nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu cần được quan tâm để xây dựng một sàn tiêu chuẩn đủ chất lượng, có thông tin chính thống từ cơ quan nhà nước, cung cấp phục vụ đối tượng tham gia giao dịch.


Ông Phạm Xuân Điều: Giám đốc học viện Quản lý XD và đô thị: Cần rà soát, thanh, kiểm tra các đơn vị đào tạo.


Cần rà soát, thanh, kiểm tra các đơn vị đào tạo về giáo trình, giảng viên từ cơ sở một cách triệt để. Từ đó, đánh giá được đơn vị nào đào tạo có chất lượng, đơn vị nào đào tạo chưa đạt. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy đơn vi nào có quy mô, chất lượng đào tạo tốt, chuyên nghiệp rất mong được các cơ quan Bộ, ban ngành tin tưởng giao trách nhiệm. Thời gian tới, Học viện Quản lý Xây dựng Đô thị sẽ mời 03 giáo sư người Pháp sang đào tạo, hướng dẫn cách hoạt động của Sàn cho Việt Nam. Học viện rất mong nhận được sự hợp tác từ phía các DN.


Tính đến tháng 9/2009 trên phạm vi toàn quốc có 226 sàn giao dịch BĐS được thành lập và đã được đưa lên Website của Mạng các sàn giao dịch BĐS Việt Nam. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, việc thành lập và hoạt động của sàn giao dịch BĐS thời gian vừa qua đã đem lại diện mạo mới cho thị trường BĐS, tác động vào ý thức của người dân để thay đổi dần tập quán giao dịch cũ đồng thời từng bước hình thành một sân chơi minh bạch cho các nhà đầu tư BĐS, đem lại nhiều lợi ích cho người dân khi tiếp cận hàng hóa BĐS nhất là nhà ở. Ngoài ra, sàn giao dịch là kênh cung cấp thông tin thị trường quan trọng cho người dân và cho cơ quan quản lý nhà nước…


Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động của các Sàn giao dịch BĐS vẫn còn nhiều bất cập về thuế, cơ chế hoạt động, cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề, tỷ lệ giao dịch… Theo ước tính hiện nay thì tỷ lệ giao dịch BĐS (của cả tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS và giao dịch của người dân) thông qua hệ thống sàn giao dịch mới chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 15% đến 20% tổng giao dịch của thị trường.



 (Theo Báo Xây dựng)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *