Hà Nội: Quận Long Biên được chọn thí điểm mô hình quản lý nước thải





Quận Long Biên, TP Hà Nội được Đức lựa chọn thí điểm xây dựng một mô hình thoát nước phù hợp với điều kiện địa phương, để từ đó có thể triển khai nhằm quản lý bền vững nước thải tại các đô thị ở Việt Nam.




Hội thảo khởi động dự án IWAS (Liên hiệp nghiên cứu quốc tế về nước Sachsen) được Bộ Giáo dục và Nghiên cứu CHLB Đức (BMBF) tài trợ vừa diễn ra ngày 3-3, tại Hà Nội.




Ông Đỗ Mạnh Hải, Phó Chủ tịch quận Long Biên cho biết, quận vừa mới thành lập 5 năm, quy hoạch hạ tầng vừa mới được UBND TP Hà Nội phê duyệt. 5 năm qua, quận đã tập trung đầu tư cho hệ thống thoát nước hiện có, và nó đã cải thiện đáng kể so với trước đây. Tuy nhiên, điều này chỉ giải quyết được bức xúc trước mắt đối với một địa bàn đang có tốc độ đô thị hóa chóng mặt như Long Biên. Vì thế, việc nghiên cứu quản lý nước thải bền vững là rất quan trọng.




Bà Gunda Rostel (ảnh), Công ty thoát nước đô thị Dresden, ĐH Kỹ thuật Dresden, Đức cho rằng, việc chọn một quận mới như Long Biên để tiến hành quy hoạch hệ thống thoát nước từ đầu, nhằm đón đầu cho một đô thị phát triển hiện đại với nhiều khu dân cư, dân số tăng sẽ là một cơ hội tốt để dự án xây dựng một mô hình mẫu.




Trong thời gian thực hiện dự án, từ nay đến tháng 12-2010, Ban điều hành dự án sẽ tiến hành một loạt những công việc từ nghiên cứu trên cơ sở tài liệu hiện có đến khảo sát thực địa.




Mục tiêu là sẽ đề xuất mô hình thoát nước và xử lý nước thải phù hợp trên cơ sở tính toán quy hoạch tổng thể của quận; phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải bền vững, bao gồm: mạng lưới, hệ thống các trạm bơm, các cơ sở xử lý nước thải và những thiết kế áp dụng cho việc tiền xử lý các nguồn nước thải công nghiệp; những phương pháp bổ cập nguồn nước ngầm; phương pháp xử lý và tái sử dụng bùn thải thoát nước thân thiện môi trường…




Sau khi mô hình được xây dựng xong thì sẽ lựa chọn công nghệ. Bà Gunda Rostel khuyên, Việt Nam nên chọn những công nghệ tốt, có tuổi thọ dài, thì sẽ bớt tốn kém về sau. Thí dụ, nếu chỉ dùng ống thoát nước bằng xi măng thì chỉ sau 15 năm sẽ phải đào đường thay lại. Việc thu phí nước thải của dân cũng phải có lộ trình và mức giá phù hợp, bên cạnh đó tận dụng việc thẩm thấu tự nhiên, tái tạo năng lượng… để giảm mức đầu tư.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *