Hè về, lo bể bơi Hà Nội quá tải








Theo thống kê, Hà Nội có khoảng trên 60 bể bơi. Hè đến nhiều bể bơi vẫn luôn trong tình trạng quá tải. Năm nay, hầu hết các bể bơi đều tăng giá vé nhưng chất lượng phục vụ có tăng?  




Giá vé tăng



Cuối tháng 4, bể bơi Thái Hà và Tăng Bạt Hổ (Hà Nội) đã mở cửa đón khách. Với vị trí “đắc địa”, ngay từ những ngày đầu mở cửa, bể bơi Thái Hà đã thu hút gần 300 lượt khách/ngày. Bạn Nguyễn Văn Chung, sinh viên trường Cao đẳng Xây dựng số 1 cho biết: “Tắm vào lúc mới khai trương mới sướng, nước trong mà lại ít người. Chứ khoảng một tháng nữa mà đi tắm thì nước sẽ bẩn mà lại phải chen chúc”




Các bể bơi bắt đầu bước vào mùa quá tải




Năm nay, hầu hết các bể bơi đều tăng giá vé từ 20% – 50%. Bể bơi Sao Mai – nơi được đánh giá là một trong những bể bơi đẹp, chất lượng – năm nay giá vé cũng tăng khoảng 30%, từ 30.000đ (năm 2008) lên 40.000 đ/buổi. Giá vào cửa bể bơi Thái Hà là 15.000/ca bơi (60 phút), trong khi  giá cũ là 10.000 đồng. Bể bơi Thủy Lợi (ngõ 95 Chùa Bộc) mở cửa ngày 2/5, vốn hút khách bởi giá “bình dân”, hợp với túi tiền của sinh viên, năm nay cũng tăng giá vé, từ 10.000đ lên 12.000đ/ca (đối với người lớn), và tăng thêm 1.000đ đối với vé dành cho trẻ em, (từ 7.000 đồng/vé lên 8.000đ/vé).



Nhưng chất lượng có tăng?



Thời tiết mùa hè ngày càng nóng bức, nhiều người đổ xô đến bể bơi để “tránh nắng” và xả stress, vì vậy, nhiều bể bơi ở Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải. Vô hình chung, đây chính là môi trường thuận lợi để các bệnh dễ lây truyền qua đường ruột và nước như: tả, tiêu chảy, đau mắt đỏ…tung hoành. Chưa kể các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng có cơ hội lây từ người này sang người khác.




Nhiều bể bơi ở Hà Nội đã được trang bị máy lọc nước tuần hoàn và sục khí clo để diệt vi trùng. Nhưng khử trùng bằng clo luôn đòi hỏi một thời gian nhất định, còn những chiếc máy lọc nước tuần hoàn chỉ có tác dụng làm trong nước chứ không thể diệt hết vi trùng. Hầu hết các bể bơi đều có bảng quy định không cho người mắc bệnh ngoài da, bệnh dễ lây truyền qua đường nước, không khí vào tắm. Nhưng thực tế, những quy định đó chỉ mang tính chất khuyến cáo.




Rụt rè vì lo chất lượng nước ở bể bơi




Bạn Nguyễn Thành Luân (chợ Kiều Mai, Từ Liêm, Hà Nội) đắn đo “Năm ngoái, sau khi tắm tại một bể bơi ở quận Tây Hồ, về nhà mình bị mắc tiêu chảy. Mình nhớ hôm đó, thể tích bể bơi chỉ khoảng 300 m3, nhưng phải tới hơn 200 người tắm. Mấy hôm nay rất thích đi bơi nhưng đang băn khoăn đến bể nào cho an toàn”.



Các bể bơi thường hoạt động liên tục từ 5h sáng đến 9h tối. Có nghĩa là nếu tất cả mọi người trong bể bơi đều xuống tắm cách nhau một thời gian ngắn thì vi trùng mang bệnh vẫn có khả năng sống và lây truyền từ người này sang người khác. Nếu trong khi tắm, người bơi vô tình nuốt phải nước có vi trùng thì ai dám chắc sẽ không lây và phát triển mầm bệnh ở trong bụng?



Để khắc phục tình trạng bể bơi quá tải, các chủ bể bơi cho biết, nếu số lượng khách đến quá đông, họ sẽ khống chế lượng vé bán ra. Tuy nhiên, biện pháp trước mắt này xem ra không giải quyết được “căn nguyên” của vấn đề.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *