Khắc phục tình trạng một số công trình xây dựng ở Bắc Cạn chậm tiến độ





Vốn đầu tư xây dựng cơ bản hằng năm của Nhà nước là nguồn lực chủ yếu để tỉnh Bắc Cạn xây dựng kết cấu hạ tầng, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tiến độ xây dựng nhiều công trình rất chậm trễ.


Giải phóng mặt bằng chậm




Tháng 1-2007, Thủ tướng Chính phủ có quyết định  thành lập Khu công nghiệp Thanh Bình với quy mô giai đoạn 1 là 73,5 ha. Ðây là khu công nghiệp đầu tiên, cho nên Bắc Cạn xác định là công trình trọng điểm của tỉnh. Từ tháng 2-2008, tỉnh bắt đầu xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp này, nhưng đến nay tất cả các gói thầu tại đây đều chậm so với tiến độ đề ra. Nguyên nhân không phải do năng lực thi công các nhà thầu yếu, hay do thiếu vốn mà chủ yếu do việc giải phóng mặt bằng quá chậm trễ. Vì thế nhiều nhà thầu dừng thi công, công nhân phải nghỉ việc. Ðơn cử như gói thầu số 1 san nền các lô D, E, G, F có giá trị là 35 tỷ đồng, theo quy định phải hoàn thành vào tháng 8-2008, nhưng đến đầu tháng 7-2009 mới hoàn thành được 70% khối lượng và còn bốn hộ dân chưa chịu di chuyển. Gói thầu số 2 thi công đường giao thông nội bộ có tổng vốn đầu tư gần 40 tỷ đồng, lẽ ra phải hoàn thành vào tháng 5-2009, nhưng đến nay mới xây dựng được 65% khối lượng và vẫn còn gần 10 hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng. Gói thầu xây dựng khu tái định cư, bao gồm đường giao thông, cấp điện, cấp nước… từ cuối tháng 6 vừa qua buộc phải dừng thi công vì đường điện 35 kV có từ trước chưa di chuyển được. Anh Chử Văn Cảnh, chỉ huy công trường xây dựng gói thầu số 2 xây dựng đường nội bộ và khu tái định cư cho biết: Nếu địa phương giao hết mặt bằng thì cũng phải đến cuối năm nay mới hoàn thành các hạng mục đường giao thông nội bộ và khu tái định cư.




Việc giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Thanh Bình liên quan 186 hộ dân, nhưng nhiều năm qua chính quyền huyện Chợ Mới vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Ðiều đáng nói là do không có mặt bằng để tổ chức thi công liên tục, cho nên đến nay tất cả các gói thầu ở đây đều đội giá lên rất nhiều so với khi trúng thầu, có gói thầu đội giá lên hàng chục tỷ đồng. Ðặc biệt, Công ty TNHH khoáng sản và luyện kim Vạn Lợi đã phải chịu nhiều thiệt hại khi phải chờ mặt bằng để xây dựng Nhà máy liên hợp gang thép tại Khu công nghiệp Thanh Bình hai năm nay.




Một công trình trọng điểm khác của tỉnh là gói thầu số 3 thuộc dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 3 đi qua thị xã Bắc Cạn chỉ dài gần 1,5 km, nhưng sáu  năm qua chính quyền thị xã Bắc Cạn cũng chưa giải phóng xong mặt bằng làm cho nhà thầu không thể triển khai thi công được. Ban đầu, gói thầu này chỉ có giá hơn 14 tỷ đồng, nhưng hiện nay theo tính toán đã tăng gấp hơn hai lần.




Năng lực nhiều chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu kém




Một nguyên nhân khác dẫn đến nhiều công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn bị chậm tiến độ là do năng lực của nhiều chủ đầu tư yếu kém. Ðiển hình nhất là công trình Trung tâm thương mại Bắc Cạn có mặt bằng xây dựng rộng 8.000 m2 ngay tại trung tâm thị xã Bắc Cạn, từ năm 2005 đến nay, đã qua hai chủ đầu tư, đã tổ chức khởi công hai lần, nhưng hiện nay công trình vẫn chưa được xây dựng. Nguyên nhân chủ yếu là do Công ty cổ phần khoáng sản Bắc Cạn – chủ đầu tư chưa có sự thống nhất cao trong việc xây dựng công trình này, vì sợ không thu hồi được vốn. Mặt bằng xây dựng Trung tâm thương mại Bắc Cạn hiện nay trở thành một bãi đất hoang,  gây bức xúc cho nhân dân.




Nhiều đơn vị tư vấn thiết kế trên địa bàn cũng rất yếu kém, cho nên thiết kế nhiều công trình không chuẩn, dẫn đến tình trạng khi thi công công trình bộc lộ nhiều bất cập nên phải dừng lại để bổ sung, chỉnh sửa, làm ảnh hưởng tiến độ đề ra. Gói thầu kè và đê bao chống lũ bắc sông Cầu, do không được cấp đủ vốn, điều chỉnh hướng tuyến, giải phóng mặt bằng quá chậm, năng lực nhà thầu yếu kém, thi công ẩu, cho nên có nhiều hạng mục phải làm lại, phải kéo dài thời gian thi công.




Hiện nay, tỉnh Bắc Cạn có tới 52 chủ đầu tư xây dựng công trình, bên cạnh một số ban quản lý dự án thay mặt chủ đầu tư quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản có năng lực tốt như Ban quản lý dự án huyện Na Rì, Sở Giao thông vận tải… thì còn nhiều chủ đầu tư có năng lực rất yếu, cán bộ làm công tác đầu tư xây dựng cơ bản không có trình độ chuyên môn, nên hằng năm không giải ngân hết vốn theo kế hoạch.




Nhà thi đấu đa năng ở thị xã Bắc Cạn là công trình trọng điểm của tỉnh, có tổng vốn đầu tư ban đầu là 37,2 tỷ đồng, lẽ ra phải hoàn thành từ tháng 10-2007, nhưng do mỗi năm tỉnh chỉ bố trí vốn nhỏ giọt, cho nên nhà thầu thi công cầm chừng. Có thời gian dài, giàn mái trị giá gần 20 tỷ đồng mặc dù đã được dựng lên nhưng do không bố trí được vốn để lợp nên phơi mưa nắng nhiều tháng trời, làm cho chất lượng bị ảnh hưởng. Vì kéo dài thời gian thi công, đến nay công trình này đã bị trượt giá lên 54 tỷ đồng, gây nhiều thiệt hại cho Nhà nước. Hiện nay công trình đã bước vào giai đoạn hoàn thiện nhưng tỉnh vẫn chưa bố trí đủ vốn. Chủ đầu tư chưa tìm được đơn vị cung cấp thiết bị. Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Bắc Cạn Lý Thái Hải cho biết thêm: Nhiều công trình xây dựng trên địa bàn bị chậm tiến độ do việc cải cách thủ tục hành chính còn chậm, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ chưa cao, cơ chế chính sách có nhiều thay đổi.




Ðể đẩy nhanh tiến độ các dự án




Bắc Cạn còn nhiều khó khăn, vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước đầu tư cho tỉnh hằng năm là nguồn lực quan trọng để tỉnh thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Trong tình hình hiện nay, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng cơ bản còn là giải pháp quan trọng để ngăn chặn suy giảm kinh tế trên địa bàn tỉnh. Song, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Bắc Cạn, tổng nguồn vốn xây dựng cơ bản năm 2008 phải chuyển sang năm 2009 trên địa bàn tỉnh là 102 tỷ đồng, nhưng đến hết tháng 6-2009 mới chỉ giải ngân được 61,5 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh năm 2009 khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng đến nay mới giải ngân được 30%.




Ðiều đáng quan tâm là hai năm trở lại đây tỉnh rất quan tâm vấn đề đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn, nhưng thực tế sự chuyển biến của các chủ đầu tư chưa đáp ứng, có nơi còn rất trì trệ. Ðể vốn đầu tư xây dựng cơ bản thật sự là một nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, thiết nghĩ tỉnh cần có biện pháp mạnh nhằm làm chuyển biến lĩnh vực này. Ðối với lĩnh vực giải phóng mặt bằng, nếu như công tác bồi thường đã làm đúng, làm đủ, công khai, dân chủ, đúng pháp luật mà vẫn bị cản trở thì cần phải có biện pháp kiên quyết đối với những cá nhân chây ỳ bàn giao mặt bằng; ngược lại cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng nếu có sai phạm thì cũng cần phải có biện pháp xử lý nghiêm. Thời gian tới, cần rà soát lại các dự án đầu tư trên địa bàn, dự án nào chậm trễ, không có khối lượng thì kiên quyết điều chuyển vốn cho các dự án có khối lượng nhưng thiếu vốn để tránh tình trạng có nơi thừa vốn, nơi lại thiếu vốn. Rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt dự án ở các cấp, các ngành. Không giao công trình cho các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công nếu không đủ điều kiện theo quy định.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *