Kiểm soát chặt chẽ chất lượng các công trình xây dựng





Phỏng vấn Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Lê Quang Hùng: 


PV: Thưa Cục trưởng, ông có thể cho biết một vài nét đánh giá về tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng mà Hội đồng nghiệm thu Nhà nước( HĐNTNN) đã kiểm tra trong năm 2008 vừa qua?


Cục trưởng Lê Quang Hùng: Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao, năm qua HĐNTNN tổ chức nhiều đợt kiểm tra công trình( trên 120 đợt). Qua kiểm tra, đánh giá chung, tình hình chất lượng các công trình đã được kiểm soát chặt chẽ. Về cơ bản bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Công tác quản lý chất lượng của các chủ thể (bao gồm chủ đầu tư và các nhà thầu: thiết kế, thi công xây dựng, giám sát) được tiến hành thường xuyên và tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng. Tuy nhiên qua kiểm tra, Hội đồng cũng đã phát hiện được một số tồn tại trong công tác quản lý chất lượng như một số vấn đề kỹ thuật phát sinh trong quá trình thi công. Các tồn tại này đã được HĐNTNN chỉ ra sau mỗi lần kiểm tra và yêu cầu Chủ đầu tư, nhà thầu khắc phục. Trong quá trình thi công, việc phát sinh một số vấn đề kỹ thuật là khó tránh khỏi, vấn đề là chúng ta kiểm soát được chúng, khắc phục được và đảm bảo an toàn cũng như công năng của công trình khi đưa vào vận hành.


Kiểm soát chặt chẽ chất lượng các công trình xây dựng


PV: Trong mấy ngày gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng có đề cập tại thủy điện Sơn La đã xuất hiện một số vết nứt tại đập không tràn bờ trái. Với trách nhiệm của người đứng đầu Cơ quan thường trực Hội đồng, ông đánh giá thế nào về sự kiện này?


Cục trưởng Lê Quang Hùng: Đập chính thuỷ điện Sơn La được thi công bằng công nghệ bê tông đầm lăn( RCC). Trong quá trình thi công đập đã xuất hiện một số vết nứt RCC tại một số khối đổ đập không tràn bờ trái. Hiện tượng vết nứt bê tông tại các công trình, đặc biệt là các kết cấu bê tông khối lớn như đập là có thể xảy ra. Hiện chủ đầu tư cùng các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước đã và đang tổ chức xác định nguyên nhân gây nứt, đánh giá ảnh hưởng của vết nứt đến an toàn của đập, đề xuất các biện pháp khắc phục cũng như biện pháp ngăn chặn hiện tượng nứt tiếp theo. Theo báo các của tư vấn, các vết nứt hiện nay không ảnh hưởng tới an toàn đập. hiện tại Hội đồng cũng đang xem xét báo cáo của tư vấn, tổ chức phản biện độc lập và đa chiều nhằm có được sự đánh giá chính xác và tin cậy


PV: Theo ông những vết nứt như thế này đã từng xuất hiện ở các dự án thi công theo công nghệ bê tông đầm lăn hay chưa? Thuỷ điện Sơn La có phải là công trình đầu tiên thi công theo công nghệ RCC ở Việt Nam? Các chủ thể tham gia dự án này có kiểm soát được không?


Cục trưởng Lê Quang Hùng: Theo thông tin chúng tôi có được cũng như theo báo cáo của các chuyên gia nước ngoài, trên thế giới hiện tượng nứt bê tông được thi công bằng công nghệ RCC cũng có thể xảy ra. Ở nước ta, thuỷ điện Sơn La không phải là công trình đầu tiên đwocj thi công theo công nghệ này. Trước đó một số công trình thuỷ điện, thuỷ lợi đã được thi công theo công nghệ này như: thuỷ điện Pleikrong, A Vương, Sê San 4, hồ chứa nước Định Bình, thuỷ điện Bản Vẽ….Các chủ thể tham gia dự án thuỷ điện Sơn La  từ BQL đến các nhà thầu thiết kế, thi công xây dựng là những đơn vị có năng lực và kinh nghiệm, từng tham gia xây dựng nhiều công trình thuỷ điện, thuỷ lợi. Bên cạnh đó còn có Ban chỉ đạo Nhà nước về dự án thuỷ điện Sơn La, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cũng như các cơ quan chức năng khác tham gia chỉ đạo, kiểm soát công tác thi công xây dựng công trình.Do vậy, chúng ta có thể đặt niềm tin vào việc kiểm soát chất lượng công trình này.


Xin chân thành cảm ơn Cục trưởng!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *