Mùa mưa bão và nỗi lo úng ngập: Cái giá phải trả

Có một câu cách ngôn khá hay, hình như phù hợp với chuyện úng ngập tại Hà Nội, đại để là: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ nã đại bác vào anh”. Từ đó mà suy có vẻ như riêng trong câu chuyện cứ mưa xuống là người người, nhà nhà Hà Nội đều nơm nớp vì sợ ngập úng đã có nguyên do khá lâu rồi.

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra, vô số sự bức xúc được giãi bày, nhiều phương án, lắm giải pháp, cả những hiến kế đúng và chưa đúng, hay và chưa hay, táo bạo và mới mẻ..v.v mà Hà Nội vẫn chưa thể trả lời được câu hỏi: Bao giờ hết ngập úng?

Từ lo lắng của các dân biểu

trận mưa lớn trên 100mm sáng 13/7 chỉ kéo dài có 2 tiếng đồng hồ mà nước đã ngập “mênh mang” Hà Nội. trận mưa oái oăm này xảy ra vào đúng hôm khai mạc Kỳ họp HĐND Tp Hà Nội càng làm các vị dân biểu thêm lo lắng. Chẳng ai bảo ai, vị nào cũng nhớ lại trận lụt lịch sử cuối tháng 10/2008 khi Hà Nội vừa mở rộng. Chẳng lẽ sự cố hy hữu này lại một lần nữa lặp lại? Nhỡ ra Đại lễ 1.000 năm sắp tới, trời lại đổ mưa như thế thời biết tính sao? Rất nhiều vị dân biểu trong những lo lắng quá lớn ấy đã chất vấn quyết liệt các vị lãnh đạo Tp. Cơ bản sự chất vấn vẫn là tiền của rót vào cho dự án thoát nước giai đoạn 1 nhiều như thế sao hiệu quả lại gần như chẳng mấy tác dụng.

Dự án thoát nước của Cơ quan hợp tác quốc tế (JICA) mới bắt đầu giai đoạn 1 được vài năm nay và phải đến năm 2013 mới kết thúc giai đoạn 2, dẫu cho tiêu tốn đến 1,2 tỷ USD thì cũng chưa hẳn cứ thấy Hà Nội ngập lụt là đổ hết lên đầu họ. Lẽ ra sự chất vấn ấy phải bắt đầu từ cách đây 10 năm, thậm chí 20 năm khi việc thoát nước tại Hà Nội vẫn chưa phải là sự quan trọng nhất. Gần 20 năm ấy việc quy hoạch dự án thoát nước hình như không được chú ý. Gần 20 năm ấy Hà Nội đô thị hóa nhanh đến chóng mặt với dân số tăng vùn vụt cùng với việc xuất hiện ngày càng nhiều KĐTM, với kiểu mạnh ai nấy làm. Rất nhiều ý kiến cho rằng chúng ta thiếu tầm nhìn, thiếu quy hoạch tổng thể và không chỉ thiếu, chúng ta còn tùy tiện đến mức vì cái lợi trước mắt mà đã vô tình (hay hữu ý) xóa bỏ những nguyên tắc căn bản cho việc tiêu thoát nước tại Hà Nội mà việc có thể nhìn thấy ngay là trong 20 năm ấy đã “khai tử” bao nhiêu hồ ao mương ngòi (?!).

Cái giá phải trả cho việc ngập úng hôm nay bắt đầu từ nguyên nhân của rất nhiều năm trước là như vậy. Không cần đợi đến tương lai, riêng trong chuyện này, đại bác đang nã vào chúng ta!

Đến bức xúc của nhà khoa học

TS Đào Ngọc Nghiêm (nguyên Giám đốc Sở QHKT Hà Nội) trong một số bài viết đã kể lại khá tường tận việc lập dự án thoát nước của Hà Nội những năm 90. Hồi ấy dự án chỉ tính toán lượng nước mưa trên 310mm với tần suất 10 năm, song thực tế mưa đã có lúc lên tới trên 400mm, và với biến đổi khí hậu thì thời tiết còn những thay đổi bất thường hơn. Theo ông, quy hoạch ngày đó đã thiếu tầm nhìn. Dự kiến Hà Nội phát triển đô thị theo trục bắc – nam với các huyện Thanh trì, Đông Anh, Gia Lâm song thực tế lại phát triển theo trục Láng – Hòa Lạc, nơi gần như không có ao hồ lớn. Năm 1995 dự kiến dân số Hà Nội sẽ là 3,3 triệu người vào năm 2010, thì ngay thời điểm 2007 dân số đã lên tới 3,4 triệu người, và đến nay với sự mở rộng của Hà Nội, dân số đã lên đến khoảng 6,7 triệu người.

TS phạm Sĩ Liêm (phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam) hướng những bức xúc của mình vào việc cấp phép ồ ạt cho xây dựng các KĐTM thiếu quy hoạch, thiếu kiểm soát. Ông nói: Tại các KĐTM hiện nay, người ta chỉ chú ý đến làm con đường nào, đi hướng nào cho thuận tiện chứ không mấy ai chú ý đến hệ thống tiêu thoát nước. Thông thường, đúng quy hoạch thì cùng với việc xây dựng KĐT, đường giao thông, kèm theo đó là phải xây dựng hệ thống tiêu thoát nước. Hạ tầng kỹ thuật đòi hỏi như vậy song cũng lại chính điều đó lại chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Thuận theo tự nhiên?

150 năm trước, khi các cha cố vào truyền giáo, họ gọi Hà Nội là Venise của phương Đông bởi ao hồ kênh ngòi chằng chịt. Việc đi lại hồi đó chủ yếu là bằng thuyền.

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, hồ ao của Hà Nội vẫn còn nhiều và rộng lắm. Ngày ấy, tôi còn bé tẹo theo mẹ leo xe điện ra ngoại thành vẫn còn được chiêm ngưỡng cảnh ao hồ tiếp nối nhau cùng những ruộng nước trắng cánh cò. Những năm 1980 – 1990 khu vực trung Hòa – Nhân Chính vẫn bạt ngàn ruộng rau muống, cỏ dại xâm xấp nước. Chẳng cần đi đâu xa, ngay khu Thái Thịnh – Thái Hà bấy giờ vẫn cơ man ao hồ và chằng chịt kênh mương.

Tất cả hệ thống ao hồ đó không chỉ là sự lãng mạn đầy tự hào của Hà Nội mà còn là thế mạnh của việc tiêu thoát nước bao nhiêu năm trong một nguyên lý thuận theo tự nhiên. Thoắt cái những thửa ruộng nước, những ao hồ lớn rộng ấy biến đi đâu hết cả.

Khá nhiều tài liệu cho thấy sự mất mát này. Cái thì nói mất 30%, cái thì mất đến 50%. Một số liệu năm 1995 cho biết Hà Nội còn khoảng 100 hồ điều hòa với 2.100ha mặt hồ, ao, kênh rạch, ruộng nước để hỗ trợ điều hòa cho Tp và góp phần tiêu thoát nước. Đến nay con số đó đã mất khoảng trên 30% (hay 50%?) để lấy đất xây dựng nhà ở. Một số liệu nữa do GS.TS Nguyễn trường Tiến cung cấp thì trước kia Hà Nội có tới 150 hồ lớn nhỏ. Tới năm 1990 vẫn còn 40 hồ lớn có tên gọi nhưng đến nay chỉ còn 20 hồ. Báo cáo của JICA sau khi khảo sát hiện trạng hồ Hà Nội cho biết: Theo số liệu cũ Hà Nội có 40 hồ lớn, nay chỉ còn 19 hồ, 21 hồ đã… mất tích nhường chỗ cho việc xây dựng các KĐTM. Quá khứ đã bị bắn không chỉ bằng súng lục và hệ quả là chúng ta, con cháu chúng ta hôm nay nơm nớp nỗi lo sợ ngập úng mỗi khi mưa xuống.

TS Đào Ngọc Nghiêm cho biết: Theo dự án hồ Yên Sở rộng 130ha nhưng hiện vẫn không xây dựng đủ. KĐT Ciputra theo dự án có 30 hồ, nhưng nhà đầu tư không đào. Khu Yên Hòa dự kiến có 20ha mặt nước, thực tế cũng không có. Khu Mỹ Đình quy hoạch có công viên, hồ rộng 10ha, cũng không thấy làm. Hình như để bù vào số ao hồ bị “bức tử”, dự án nào cũng yêu cầu làm hồ nhân tạo, song vấn đề là chẳng ai đầu tư.

Chúng ta đang trả giá

Báo cáo của đơn vị chuyên trách việc thoát nước Hà Nội hiện nay cho biết: Nếu lượng mưa khoảng dưới 50mm trong 2 giờ thì việc tiêu nước có thể đảm bảo tốt. Nếu lượng mưa từ 50 – 100mm thì Hà Nội sẽ có từ 25 – 30 điểm úng ngập cục bộ. Còn nếu mưa kéo dài trên 100mm như trận mưa hôm 13/7 thì sẽ rất nhiều điểm úng ngập và khó có khả năng tiêu thoát nhất là khi Hà Nội hiện đã mở rộng gấp 3 – 4 lần nhưng lại chỉ có một trạm bơm duy nhất lo việc thoát nước ra sông. Theo quy hoạch thì người ta chia thành phố thành 4 khu vực thoát nước: Bắc sông Hồng, nam sông Hồng, tả Nhuệ, hữu Nhuệ. Mỗi khu vực như vậy nhất thiết phải có một trạm bơm, nay chỉ có một trạm Yên Sở với công suất mới chỉ đạt 50m3/s (trong khi công suất thiết kế là 90m3/s) thì việc ngập úng là lẽ thường tình.

Chúng ta đang trả giá, một cái giá thực sự đắt cho những tùy tiện trong sự phát triển thiếu quy hoạch, thiếu tầm nhìn, tàn phá tự nhiên một cách vô lối. Bao giờ Hà Nội hết ngập úng? Câu trả lời không chỉ trông đợi vào dự án JICA mà phải bắt đầu từ những việc làm cụ thể với những tính toán cụ thể trong một quy hoạch chung. Nếu không làm được điều đó, chưa chắc Hà Nội chưa thể giải quyết được úng ngập dù có thêm đến 2 – 3 trạm bơm nữa.

Điệp khúc bơm, bơm, và bơm sẽ theo người Hà Nội đến khi nào? Chẳng lẽ đúng như một lãnh đạo ngành thoát nước Thủ đô trước đây đã từng lên tiếng rất hùng hồn rằng: Đừng mơ một giải pháp trọn gói về thoát nước cho Hà Nội vì cốt nền của Tp thấp hơn mực nước của sông Hồng, sông Sét, sông Đáy và sông Nhuệ. Chỉ có một giải pháp duy nhất cho những ngày mưa lũ là bơm cưỡng bức ra sông…

Nếu đó là sự thật, còn nỗi buồn nào hơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *