Nghề thợ hồ, ai khổ hơn ai?

Không chỉ có đàn ông trai tráng lực lưỡng, mà còn có cả phụ nữ, đa số họ đến từ nông thôn, không học hành, bằng cấp, người có tay nghề thì làm thợ chính, kẻ tay ngang thì  làm thợ phụ cho các công trình xây dựng cỡ nhỏ do các chủ thầu thuê mướn. Không hợp đồng lao động,  không ràng buộc bằng các văn bản pháp lý, cứ sau mỗi vụ mùa, khi  chủ thầu cần là học sẵn sàng “đầu quân”. Đó  là làm thợ hồ, một nghề rất phổ biến hiện nay ở nông thôn nước ta.

XOÁ ĐÓI, GIẢM NGHÈO

“Nhà chỉ có 3 sào ruộng nên sau khi mùa màng xong là vợ chồng tui lại theo đoàn anh phước Lé đi kiếm công trình xây dựng khắp nơi. Là thợ chính, có tay nghề cao, tui được anh phước trả cho 80 ngàn đồng một ngày, còn vợ tui không xây xa được, chỉ làm thợ phụ thì được trả công 50 ngàn đồng một ngày. Góp gió thành bão, may mà có cái nghề này chúng tôi mới xây được nhà, sắm sửa được các phương tiện sinh hoạt cần thiết. Còn không thì…”. Vừa lia chiếc bay thuăn thoắt trên tay, anh Nguyễn Văn Thanh, sống ở xã Lý trạch, Bố trạch, Quảng Bình tự hào khoe về nghề thợ hồ của mình. Anh Thanh “bật mí” thêm với chúng tôi, là nghề thợ hồ không chỉ cần có sức khoẻ mà cần có thêm sự anh ý và sáng tạo. Từ tay ngang, nếu đi phụ khoảng 3 – 4 năm, một người đàn ông có thể sẽ trở thành thợ chính và đảm trách được các công đoạn khi xây dựng một công trình.

Đi phụ hồ từ năm 15 tuổi, đến nay anh Võ Thanh Thìn sông ở xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình có thâm niên 16 năm trong nghề. Từ một cậu bé nhút nhát, sợ độ cao mỗi khi bưng xô vữa lên tầng 2, thì bây giợ anh lại trở thành một trong những thợ chính có tay nghề vững nhất và được chủ thầu ở Đức Ninh trả công nhật   lên đến 120 ngàn đồng một ngày. “Năm tui 15 tuổi, khi bố  mới qua đời,  phải bỏ học sớm để đi là thợ hồ, mỗi lần bê xô vữa nặng trịch lên cao, tui cứ tưởng mình sẽ bỏ nghề vì lao động quá nặng nhọc, không phù hợi với cái tuổi của mình, nhưng rồi vì thương mẹ một mình vất vả, tui đã cố gắng bám vào nghề này và cho đến hôm nay mẹ con tôi đã không còn đói khổ nữa. Khi nào làm xong công trình này,  tui sẽ xin nghỉ một vài tháng để cưới vợ và xây nhà mới…”. Khi nghe tôi hỏi về quãng đời 16 năm gắn bó với nghề thợ hồ, anh Thìn bộc bạch tâm sự như thế và trông anh rất hạnh phúc khi nói về cái nghề mà mình đã gắn bó…

Anh trương Văn Thắng đến từ thôn Thượng, xã Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình tự hào khoe với chúng tôi là cả thôn anh có 75 hộ, nhưng  35 hộ có người đi là thợ hồ. Đất đai canh tác ít, nhưng nhờ nghề nấu rượu và thợ hồ mà hiện nay 100% số hộ có nhà xây kiên cố, trong đó có nhiều nhà cao tầng.       

Không chỉ có “thương hiệu” ở trong tỉnh, trong vùng, uy tín của nghề thợ hồ ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An còn vang sang đến tận bên Lào. Đã có rất nhiều đoàn thợ xây tay không tư cách pháp nhân được các hộ gia đình ở  Lào mời qua đảm trách xây dựng các công trình nhà cửa…“Làm thợ xây ở Lào có thu nhập cao gấp 2 lần ở nước ta. Ngoài được trả lương cao, nhờ ăn chênh lệch giá vật liệu xây dựng, bình quân mỗi thợ chính cũng kiếm được chừng 5 – 6 triệu đồng một tháng”. Anh Nguyễn Văn Thế ở thôn 7, Lý trạch, Bố trạch cho biết.

RỦI RO RÌNH RẬp

Tuy nghề này khá dễ làm, không cần học hành cao, chỉ cần có sức khoẻ dẻo dai, có chút kinh nghiệm là mọi người có thể kiếm sống được, nhưng có một thực tế là do lao động thoả thuận, không có các văn bản pháp lý giữa người sử dụng lao động và người lao động – do chủ sử dụng lao động cũng chỉ là những nhà thầu tự phát nhờ “sống lâu lên lão làng”, chứ không có tư cách pháp nhân, vốn liếng hạn chế, chỉ nhận xây dựng những công trình theo quy mô hộ gia đình không cần hồ sơ, sổ sách, cho nên việc trang bị bảo hộ lao động, phòng tránh tủi ro cho người lao động thường không được quan tâm, cho nên nguy cơ xảy ra tai nạn gây thương tích, thậm chí cả tính mạng con người là rất cao. Anh Cao Ngọc Tuân ở thị trấn Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh còn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại vụ “chết hụt” của mình khi còn tham gia đoàn thợ xây sang làm việc ở thị xã Thà Khẹt, nước Lào. “Do giàn giáo quá đơn giản, thiếu sự chồng chéo, cho nên khi tui đang tỉ mỉ kẻ mấy đường chỉ ở trên  tầng 1 thì trời gió to làm cho giàn giáo lung lay và tui bị lao đầu xuống đống cát dưới sân. May mà rơi từ tầng 1 và trúng đống cát, còn nếu mà ở cao hơn thì con như bỏ mạng như chơi…”. Anh Tuân hoàn hồn nhớ lại.

Không chỉ rủi ro do tai nạn nghề nghiệp, đi làm thợ hồ, do bưng vác nặng, cho nên khi về già có rất nhiều người bị đau cột sống và các bệnh tật về xương. Ngoài ra do hầu như ngày nào cũng được uống rượu và hút thuốc lá, cho nên tỷ lệ người bị đau dạ dày, bị bệnh phổi và gan rất cao. Ông Lê Viết Kỉnh, người có thâm niên là thợ hồ ở xã Đại trạch, Bố trạch, Quảng Bình than thở: “Tui đi làm thợ xây cả một đời, nhưng hiện nay vẫn không đủ tiền thuốc thang chữa bệnh gan do uống quá nhiều rượu…”. Ngoài ra, cũng do uống nhiều rượu sau một buổi làm việc và thường trở về nhà khi trời đã tối hẳn, cho nên nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đối với đối tượng này là rất cao. “Hôm đó, sau khi uống mấy chén ở nhà ông Sơn, có hơi men trong khi bụng đói,  tui hoa mắt nhìn không rõ đường và chạy xe máy húc vào cọc tiêu bên đường. May mà không có xe chạy qua, còn không thì…”. Anh trần Văn Ban ở Quán Hàu, huyện Quảng Ninh kể lại.

 LỜI KẾT

Đối với những người nông dân nghèo không vốn liếng, không học hành và nghề nghiệp, thì nghề thợ hồ thực sự là nghề cứu cánh giúp họ thoát nghèo và đổi đời. Tuy nhiên, đã đến lúc các cơ quan chức năng có liên quan cần quan tâm đến cái nghề nghiệp tự phát này; cần có sự quản lý đối với các chủ thầu xây dựng ở nông thôn, không nên thả lỏng hoàn toàn như hiện nay. Vì có quản lý chặt chẽ,  mới buộc được  họ trang bị các phương tiện bảo hộ lao động cần thiết để bảo đảm tính mạng và sức khoẻ cho người lao động. Việc quản lý chặt chẽ các đối tượng này cũng sẽ góp phần giúp cho Nhà nước thu được một khoản thuế không nhỏ mà lâu nay đã bị bỏ qua.

Về phía những người trực tiếp làm thợ hồ, cần nâng cao ý thức việc bảo hộ lao động cũng như  đảm bảo sự an toàn và sức khoẻ cho bản thân trong quá trình tham gia xây dựng các công trình. Có làm tốt điều đó, thì nghề thợ hồ mới thực sự là nghề xoá đói, giảm nghèo và đem đến cuộc sống hạnh phúc cho mọi nhà.  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *