Những người đi ban “màu xanh”

Giờ đây, khi cuộc sống ngày càng phát triển, nhà cửa xây dựng ngày càng nhiều thì nhu cầu trồng, chăm sóc và thưởng thức cây cảnh của mọi người cũng ngày càng tăng. Người nghèo thì chơi các loại cây cảnh rẻ tiền độ vài trăm ngàn trở lại, người lắm tiền thì chơi những loại cây cảnh cao cấp, đắt tiền…Mỗi người một vẻ, mỗi gia đình một sở thích, nhưng nhìn chung dường như gia đình nào ở Quảng Bình quê tôi cũng trồng trước sân, trong nhà, sau vườn  một vài cây làm cảnh… Có cung ắt có cầu, nên những  năm trở lại  đây đã xuất hiện một đội quân chuyên  đi bán cây cảnh dạo, mà tôi vẫn thích gọi họ là “những người đi bán màu xanh”.

TAY KHÔNG ĐỔI LẤY CÁI NGHỀ

“Làm nghề này không cần phải có nhiều vốn liếng, học thức, chỉ cần có một chút hiểu biết về nghệ thuật chơi cây cảnh và có chút sức khoẻ, cần cù, chịu khó và một  chiếc xe đạp cà tang là có thể tạm sống được…Một cây sứ Nhật Bản loại nhỏ lấy giá 100 ngàn, có khi em bán được 150 ngàn, một cây thiên tuế loại vừa, lấy giá 145 ngàn, bán được 200 ngàn, có hôm chúng em cũng có lãi được 100 ngàn”. Cậu bé độ 15- 17 tuổi tên là trịnh Lê Thành, đến từ Nam Định chuyên bán cây cảnh dạo ở khu vực thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) bộc bạch tâm sự về nghề như vậy. Cậu còn cho biết thêm, làm nghề này phải biết giữ chữ tín thì chủ các vườn cây cảnh mới cho lấy chịu hàng được.

Những người đi bán cây cảnh dạo như Thành thường đến từ các tỉnh phía Bắc như Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình và một số ít đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá… phần đa họ là người nghèo. “Một số loại cây gia đình tự trồng được thì chúng em chở từ ngoài quê vào và  đạp xe đi bán dạo, đến khi nào hết hàng thì gặp đâu lấy đó, cứ hết là lấy bán tiếp, chỉ có đến tết mới về thăm nhà được, còn quanh năm thì cứ rong ruổi trên đường…”. Anh phạm Hồng Văn đến từ Gia Viễn, Ninh Bình tâm sự.

“Ở trong đoàn em có người không có một đồng vốn, chỉ có độc nhất một chiếc xe đạp, nhảy xe đò vào Miền trung, đến vườn gửi lại chứng minh nhân dân, lấy chịu cây cảnh đem đi bán, sau đó về trả tiền vốn rồi lấy cây cảnh đi bán tiếp, từ đó mà làm nên cơ nghiệp đấy”. Anh Lê phương Nam, đến từ Thanh Hoá cho biết thêm. Anh còn khoe thêm, chỉ khởi nghiệp bằng 200 ngàn đồng mà giờ đây anh đã xây đựơc nhà cửa và còn nuôi được một đứa con theo học đại học tại Đà Lạt.

Khác với cái thứ cây cảnh được người ta chở đi bán ở trên các chiếc xe bán tải, thì cây cảnh của những người đi bán dạo thường là loại nhỏ, giá chỉ độ vài trăm  ngàn trở lại, ngoài nguyên nhân vì họ không có vốn để lấy các loại cây đắt tiền, thì đối tượng  họ thường hướng tới đó chính là những gia đình bình dân, những người nghèo, những gia đình ở nông thôn có thú chơi cây cảnh…

LÚC CƯỜI, LÚC MẾU…

Cũng như những nghề bán dạo khác, nghề bán cây cảnh dạo cũng có  lúc buồn vui lẫn lộn….”Vui nhất là gặp được các bác về hưu tốt bụng, vui tính, thích chơi cây cảnh và nói chuyện về cây cảnh. Cho nên ngoài việc đạp xe đi bán dạo, tối đến, chúng em còn phải mua thêm sách báo, tài liệu tham khảo thêm về nghệ thuật chơi bon sai để khi khách hỏi còn có đường mà trả lời”. Cậu bé trịnh Lê Thành bộc bạch niềm vui của mình. Còn anh Lê Thanh Hải, đến từ Thiệu Sơn, Thanh Hoá thì kể cho tôi nghe một câu chuyện thật vui của chính cuộc đời mình : “Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời của em chính là nhờ đi bán cây cảnh dạo mà em đã tìm được vợ em bây giờ”. Không giấu được niềm xúc động, Hải kể cho tôi nghe, ngày anh từ quê vào đây vốn liếng trong tay chỉ có chưa đầy 500 ngàn đồng cùng với mấy cây cảnh loại nhỏ do nhà trồng được. Sau khi bán từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình thì cũng vừa hết hàng. Nghe nói ở vùng Tuyên Hoá có nhiều người trồng và kinh doanh cây cảnh Hải  đánh liều đạp xe đi dò la. Vào vườn gia đình ông trần Nam Thanh (gia đình bố vợ anh bây giờ) để hỏi mua hàng đi bán. Thấy anh là người đường hoàng nên gia đình ông Thanh thường bán cho anh giá cả phải chăng, khi đã quen biết rồi  có khi còn cho anh mua chịu. Chị Lam, con gái ông Thanh cũng là một người có thú chơi cây cảnh, nên mỗi khi nói chuyện hai anh chị rất hợp nhau. Đi lại bán mua 2 năm thì anh Hải và Lam đã đem lòng yêu nhau. Giờ đây thì vợ chồng Hải đã được gia đình vợ ra riêng cho một khu vườn nhỏ gần thị trấn Đồng Lê, ngày ngày giao cho vợ chăm sóc, ở nhà buôn bán còn Hải thì lái chiếc xe tải nhỏ chở cây nhập cho khách hàng…Hải tự hào khoe với tôi anh là một người rất may mắn…

Nhưng những trường hợp may mắn như Thành và Hải thì không nhiều lắm. Anh phan Thành trung đến từ Tiền Hải, Thái Bình buồn bã kể với tôi, có lần anh đẩy xe cây cảnh đến bán ở Kiến Giang, Lệ Thuỷ thì bị mấy người đàn ông đuổi đánh vì họ cho rằng anh đang đi bán cây cảnh ăn trộm. May mà anh có hóa đơn giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hoá của mình, nếu không thì bữa đó có lẽ sẽ bị nhừ đòn. Sau này hỏi ra anh mới biết, thì ra có một nhóm lấy trộm cây cảnh bị bắt đã khai liều là ăn trộm về thường bán cho mấy người bán cây cảnh dạo…

Vâng, những người làm  nghề đi bán cây cảnh dạo nay đây, mai đó, tuy lúc buồn, lúc vui lẫn lộn, nhưng tất cả họ đều rất vất vả, cực nhọc, trời nắng cũng như trời mưa, hàng ngày họ phải đẩy xe đi bộ hàng trăm cây số để bán hàng, đến bữa gặp đâu thì ăn đó, tối đến bạ đâu, ngả lưng đó. Mỗi bát cơm, manh áo, mỗi đồng tiền họ kiếm được để gửi về nuôi vợ, nuôi con đều thấm đẩm những gịot mồ hôi mặn chát…

…VÀ NHỮNG ƯỚC MƠ.

Cậu bé Thành tội nghịêp thì có một ước mơ thật bé nhỏ là cố gắng đi bán khoảng 2 năm nữa, khi nào kiếm đủ tiền học bổ túc THpT thì về quê đi học, vì gia đình cậu rất nghèo nên  phải nghỉ học từ lớp 10. Anh phạm Hồng Văn thì cho biết, anh cầu mong sao cuối năm này kiếm đủ tiền mua cho đứa con trai đang theo học Đại học Y Thái Bình chiếc máy vi tính hiệu Thánh Gióng độ khoảng 5 triệu đồng rồi về quê chuyển nghề khác, vì hiện nay do tuổi cao, sức khoẻ có hạn anh không thể gắn bó lâu dài với nghề này được….Còn anh Lê Hoàng Tín đến từ Thanh Hoá thì chỉ có một ước mong, là kiếm đủ tiền để phẩu thuật tim cho đứa con trai 5 tuổi đang bị suy tim bẩm sinh hiện đang nằm ở Bệnh viện Đa khoa Thanh Hoá…

Mỗi người đến từ một vùng quê khác nhau mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng ở những người đi bán cây cảnh dạo đều có  chung những điều rất đáng quý, đó chính là họ đều cần cù, chịu thương, chịu khó và có những ước mơ thật bé nhỏ mà cao đẹp. Đó cũng chính là nguồn sức mạnh giúp họ vượt lên hoàn cảnh để gắn bó với nghề, để  xoá đói, giảm nghèo và  góp phần đưa màu xanh của sự sống đến với mỗi gia đình chúng ta. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *