Phát triển nguồn nhân lực ngành xây dựng đến năm 2020

Học viện Đào tạo bồi dưỡng cán bộ ngành xây dựng vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý doanh nghiệp, các trường đào tạo để xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành xây dựng  đến năm 2020. Các tham luận, ý kiến tại hội thảo đã tập trung đánh giá lại thực trạng, cơ cấu nguồn nhân lực, vai trò vị trí, những yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, từ đó đưa ra các giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành xây dựng một cách đồng bộ, hợp lý về cơ cấu, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học kỹ thuật xây dựng hiện đại, có kiến thức, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập. Thực tiễn từ công tác đào tạo tại các trường, công tác sử dụng lao động tại doanh nghiệp cũng được đưa ra để so sánh với thực tiễn.

Theo đánh giá,mặc dù trong những năm gần đây, tỷ lệ lao động trong ngành xây dựng đã tăng đáng kể, tuy nhiên nguồn nhân lực ngành xây dựng còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt là đội ngũ công nhân, những người lao động trực tiếp trên các công trình rất thiếu về số lượng cũng như chất lượng. Toàn ngành có 204.000 công nhân lao động, chỉ gấp 2,25 lần số lượng cán bộ,viên chức trong ngành, xảy ra tình trạng thừa thầy thiếu thợ. Hơn nữa tỷ lệ công nhân trong biên chế hoặc có hợp đồng dài hạn cũng chỉ chiếm 37,8%, 20% là hợp đồng ngắn hạn, còn lại phổ biến là sử dụng lao động tự do,lao động nông nhàn. Bên cạnh đó tính chuyên nghiệp của đội ngũ công nhân lao động cũng chưa cao, số lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp nghề chỉ chiếm 11,8%, số thợ bậc cao chỉ co 7%…Các ý kiến đều cho rằng cơ chế chính sách để phát triển, duy trì nguồn nhân lực còn chưa thoả đáng, chất lượng đào tạo chưa đạt yêu cầu, tình trạng chảy máu chất xám đang là vấn đề báo động…

Những ý kiến tại hội thảo sẽ được tập hợp cho việc xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành xây dựng từ nay đến năm 2020. Ông phạm Xuân Điều, Giám đốc  Học viện nhấn mạnh: Các cơ sở đào tạo, các trường sẽ phải có những chính sách, chiến lược cụ thể ở cơ sở đào tạo của mình để góp phần phát triển nguồn nhân lực ngành xây dựng đạt chất lượng cao.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *