Quy hoạch nông thôn mới: Phải lấy người dân làm hạt nhân

“Công tác quy hoạch nói riêng và xây dựng chương trình nông thôn mới nói chung phải lấy việc phục vụ đời sống dân sinh làm hạt nhân. Việc tổ chức thực hiện quy hoạch cần được triển khai quyết liệt để xây dựng được nông thôn mới hiện đại văn minh, có kinh tế phát triển, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng cao” – Đây là chỉ đạo của đ/c trương Tấn Sang – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tại lễ sơ kết công tác quy hoạch xây dựng 11 xã thí điểm thuộc Chương trình nông thôn mới do Bộ Xây dựng tổ chức.


Cần có chính sách bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa.   Ảnh: TL

triển khai quyết liệt

Theo tính toán ban đầu, tổng khái toán đầu tư của 11 xã điểm để đạt 19 tiêu chí theo Quyết định 491/QĐ-TTg là 1.704,812 tỷ đồng, trong đó đầu tư xây dựng cơ bản cho 16 danh mục công trình chiếm 70% tổng mức đầu tư, trung bình một xã có khoảng 60 dự án giao thông, 40 dự án thủy lợi.

Báo cáo kết quả bước đầu triển khai thí điểm quy hoạch chung xây dựng (QHCXD) 11 xã điểm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi phạm Khánh cho biết, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo trung ương, Bộ Xây dựng và các địa phương đã phối hợp chặt chẽ, quyết liệt triển khai chương trình. Đến nay, 11 xã đã hoàn thành và phê duyệt đồ án QHCXD, đáp ứng các yêu cầu để lập đề án xây dựng nông thôn mới và triển khai các bước tiếp theo 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Nội dung quy hoạch đất, quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường, quy hoạch khu dân cư, nhà ở và quy hoạch bảo tồn các không gian, cảnh quan có giá trị và quy hoạch hệ thống trung tâm, hệ thống hạ tầng xã hội cấp xã và thôn đã được thể hiện trong đồ án QHCXD, làm cơ sở cho việc quản lý đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật theo QH, đồng thời đồ án QH được duyệt còn là cơ sở để các địa phương lập dự án hoặc báo cáo đầu tư. Căn cứ 11 đồ án QH đã lập, các xã đã điều chỉnh định hướng QHC phát triển kinh tế – xã hội, QH sử dụng đất, nhiều xã đã đưa nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào chương trình hành động của Đảng bộ nhiệm kỳ 2010 – 2015.

Định hướng kiến trúc nông thôn

Hiện cả nước chỉ có  2.130/9.111 xã đã lập QHXD (chiếm 23,8%, chủ yếu là QHCT trung tâm xã và các điểm dân cư nông thôn tập trung), vì vậy việc thí điểm thực hiện QHCXD 11 xã điểm nhằm rút kinh nghiệm triển khai đại trà trên khắp cả nước đã nhận được sự  tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, đảm bảo tính khả thi của đồ án, đồng thời tác động làm thay đổi nhận thức của cán bộ xã và nhân dân về nông thôn mới, giúp họ hiểu được trách nhiệm, phương pháp, cách làm và chính sách để lập cũng như việc tổ chức thực hiện QHCXD.

Nông thôn Việt Nam giàu truyền thống, đậm bản sắc văn hóa dân tộc với bề dày lịch sử, bên cạnh việc thúc đẩy kinh tế – văn hóa – xã hội phát triển thì việc tạo dựng bản sắc kiến trúc nông thôn cũng cần đặc biệt chú ý, cần có chính sách bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa truyền thống. Vì vậy, đại diện 11 xã điểm đồng nhất đề xuất: Bộ Xây dựng thiết kế và ban hành mẫu nhà, nhiều mẫu khác nhau phù hợp với các vùng miền khác nhau để nhân dân lựa chọn, đồng thời giúp xã định hướng kiến trúc nông thôn cho phù hợp. Thiết kế chi tiết, vật liệu, kiến trúc, khái toán sơ bộ và những hướng dẫn cụ thể… đưa lên mạng để người dân thực hiện.

Để người dân thực sự được làm chủ nông thôn

phát biểu tại Hội nghị, đ/c trương Tấn Sang nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quy hoạch trong xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đồng thời cũng lưu ý công tác QH nói riêng và xây dựng chương trình nông thôn mới nói chung phải lấy việc phục vụ đời sống dân sinh làm hạt nhân, vai trò cũng như ý kiến đóng góp của người dân phải được thể hiện trong đồ án, để làm sao cho người dân thực sự được làm chủ nông thôn, có cuộc sống ấm no. Việc tổ chức thực hiện và xây dựng theo quy hoạch cần được triển khai quyết liệt để xây dựng được nông thôn mới hiện đại văn minh, có kinh tế phát triển, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng cao, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội hiện đại, tổ chức sản xuất hợp lý gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ và bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá. trong quy hoạch phải thể hiện và giữ gìn được bản sắc văn hóa nông thôn Việt Nam. trong quá trình thực hiện quy hoạch không nên cứng nhắc mà phải phát hiện cho được chỗ chưa hợp lý, phản ánh với cơ quan có thẩm quyền để chỉnh sửa cho phù hợp, để đồ án QH được triển khai hiệu quả trong thực tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, trên cơ sở triển khai thí điểm lập quy hoạch 11 xã, Bộ sẽ rút kinh nghiệm, từ quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch, cơ chế chính sách và sự phối hợp cho đến cách thức tổ chức thực hiện, tiến tới nhân rộng và phủ kín quy hoạch nông thôn trên phạm vi toàn quốc.

11 điểm xã bao gồm xã Thanh Chăn (Điện Biên), Tân Thịnh (Bắc Giang), Hải Đường (Nam Định), Gia phổ (Hà Tĩnh), Tam phước (Quảng Nam), Tân Hội (Lâm Đồng), Tân Lập (Bình phước), Định Hòa (Kiên Giang), Mỹ Long Nam (trà Vinh), Tân Thông Hội (Tp.HCM) và xã Thụy Hương (Hà Nội).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *