“Rồng” vươn mình trên sông nước Cửu Long

Ngày 24/4, sự kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và đại sứ Nhật Bản… cắt băng khánh thành, hàng ngàn người con ĐBSCL ngóng chờ chứng kiến giờ phút lịch sử, hàng triệu người dân cả nước cùng dõi theo niềm vui khánh thành 2 cây cầu Cần Thơ và Hàm Luông… đã nói lên tất cả. Ước mơ bao đời của người dân ĐBSCL và cả nước đã thành hiện thực. Thông cầu, QL1 từ Hữu Nghị Quan đến Mục Nam Quan đã liền 1 dải để người dân không còn phải chịu cảnh “lụy phà”.


Cầu Cần Thơ đã đưa vào sử dụng ngày
24/4/2010
.

Cầu Cần Thơ – động lực cho ĐBSCL cất cánh

phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Cầu Cần Thơ có ý nghĩa đặc biệt cho Cần Thơ, Vĩnh Long và các tỉnh cuối cùng của vùng ĐBSCL; đây là biểu tượng sinh động, công trình thiết thực trong quá trình hiện đại hóa đất nước. Tăng cường giao thương giữa ĐBSCL với Tp.HCM, Đông Nam bộ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội cả phía nam sông Hậu, với hơn 16 triệu dân đang sinh sống. Từ nay, QL1 từ Lạng Sơn đến Cà Mau không còn cách trở những chuyến phà”. Khánh thành cầu Cần Thơ còn là sự kiện biểu hiện của tình hữu nghị Việt – Nhật. Những năm qua, Chính phủ Nhật Bản đã dành cho nhân dân Việt Nam những tình cảm quý báu, sâu sắc và giúp đỡ các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế – xã hội tại Việt Nam, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải.

Để tạo đà, Chính phủ đã có kế hoạch huy động mọi nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, DN trong và ngoài nước, địa phương, nguồn vốn trong dân để đầu tư hạ tầng cơ sở cho vùng, đáp ứng nhu cầu phát triển mới cho các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL. Đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không, ưu tiên đầu tư và nâng cấp, mở rộng QL1A. Từ đây, những sản vật của ĐBSCL chạy một mạch qua cầu Cần Thơ mà không còn chờ phà, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội, du lịch của vùng. Cầu Cần Thơ có nhịp chính dài 550m, được xếp vào 10 cây cầu dây văng hiện đại nhất thế giới. Cầu Cần Thơ, cây cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á còn tạo điểm nhấn kiến trúc ấn tượng cho khu vực.

Chung niềm vui đó, Chủ tịch UBND Tp Cần Thơ trần Thành Mẫn cho rằng: “Với công trình cầu Cần Thơ, có lẽ Tp Cần Thơ đã cơ bản hội đủ các yếu tố cần thiết để trở thành Tp động lực của vùng, một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước, có khả năng liên kết, hợp tác, chủ động hội nhập kinh tế với khu vực và cả nước… Tôi tin chắc rằng, sẽ có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư và sẽ có sự bứt phá ngoạn mục cho sự phát triển của cả vùng ĐBSCL trong thời gian tới”. Còn Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nguyễn phong Quang khẳng định: Cầu Cần Thơ đã tạo luồng sinh khí mới cho sự phát triển công nghiệp. Nhà đầu tư sẽ vào Hậu Giang nhiều hơn, nhờ cơ chế chính sách ưu đãi của tỉnh, với giá thuê đất rẻ hơn các nơi, ưu đãi miễn, giảm thuế… Thương mại – dịch vụ và du lịch của tỉnh cũng phát triển song hành cùng với công nghiệp. Đồng thời, các trục đường chính từ cầu Cần Thơ như: Nam Hậu, Quản Lộ phụng Hiệp, bờ kè kinh Xáng Xà No… đến trung tâm Hậu Giang đang được triển khai xây dựng sẽ giúp mở toang cho vùng “rốn” của Hậu Giang phát triển.

Cầu Hàm Luông – niềm vui xứ Dừa

Chiều cùng ngày 24/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo Bộ GTVT và UBND tỉnh Bến tre đã cắt băng khánh thành và thông xe cầu Hàm Luông – trên QL60. Cầu Hàm Luông có chiều dài khoảng 8,216km, trong đó cầu chính dài 1.280m (nằm cách bến phà Hàm Luông 2,3km về phía thượng lưu), hai cầu mới Cái Cấm và Chợ Xếp nằm trên tuyến (phía Mỏ Cày Bắc) dài 450m và đường hai đầu cầu dài 6.486m. Tổng mức đầu tư trên 786 tỷ đồng, từ vốn trái phiếu Chính phủ. Đây là cây cầu đẹp và hiện đại bậc nhất quê hương Đồng Khởi Bến tre và là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố khánh thành và chúc mừng hơn 600 ngàn đồng bào đang làm ăn, sinh sống trên 4 huyện thuộc cù lao Minh, tỉnh Bến tre; ước mơ qua sông không phải lụy phà của bà con giờ đã thành hiện thực. Công trình cầu Hàm Luông có nhiều ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và an ninh – quốc phòng không riêng Bến tre mà còn các tỉnh lân cận trong khu vực ĐBSCL. Thủ tướng biểu dương các hộ dân trong vùng dự án đã sớm giải phóng và bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai xây dựng công trình. Bộ GTVT và các đơn vị tư vấn giám sát, thi công vượt qua khó khăn nỗ lực hoàn thành công trình trước thời hạn, bảo đảm an toàn và chất lượng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến tre Nguyễn Thái Xây cảm động nói đây là giờ phút lịch sử vì Bến tre đã được nối liền một dải, Bến tre đã rất gần Tp.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ông nói: “Đây là công trình mà 1,3 triệu dân xứ dừa chờ đợi từ rất lâu. Bến tre phát triển chậm một phần là do địa bàn trong tỉnh bị chia cắt bởi những nhánh sông Cửu Long. Từ khi có cầu Rạch Miễu kinh tế Bến tre có sự khởi sắc, nhà đầu tư đến nhiều hơn. Nay cầu Hàm Luông nối liền Bến tre thì chắc chắn tỉnh có điều kiện rất lớn để bứt phá nhanh hơn, mạnh hơn. trong thời gian không xa, tôi tin Bến tre sẽ bằng anh bằng chị trong khu vực ĐBSCL”…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *