Giải phóng mặt bằng – dù muốn hay không đều tác động sâu sắc đến cuộc sống của người dân. Tỷ lệ tái nghèo sau khi giải toả, đền bù, tái định cư (TĐC) là vấn đề đáng quan tâm hiện nay ở các TP lớn. Chưa bao giờ người dân cảm thấy nỗi bất an trong cuộc sống đô thị ngày một gia tăng như hiện nay, bất chấp đời sống kinh tế đang tăng trưởng. Nghịch lý là ở chỗ, Hà Nội và TP.HCM theo thời gian phát triển và mở rộng thì các khu TĐC lại thêm tụt hậu. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mô hình xây dựng nhà TĐC hiện nay cần được xem xét. Chỉ sau 10-15 năm nữa, các khu nhà này lại sẽ trở nên cũ nát, cần phải phá bỏ, và người dân sống trong khu TĐC sẽ trở thành những người nghèo đô thị, áp dụng theo bất cứ chuẩn nghèo nào. Theo quy định hiện hành, UBND các cấp vừa là đại diện chủ sở hữu, vừa ra quyết định thu hồi, vừa giải quyết khiếu nại về nhà đất. Cùng một lúc chính quyền giữ quá nhiều vai trò: vừa là cơ quan cấp đất, cấp giấy sử dụng nhà – đất, vừa thu hồi đất, vừa quy định giá đất, vừa làm chủ đầu tư, lại vừa bồi thường GPMB, hỗ trợ TĐC. Do phải thực hiện quá nhiều vai trò khác nhau nên dẫn đến việc quyền lực bị lạm dụng, thiếu minh bạch, nguồn lực thất thoát và lợi ích chính đáng của người dân khó được đảm bảo. Không những thế, quỹ nhà ở TĐC trong suốt nhiều năm qua vẫn trong tình trạng bị động, do TP thiếu quỹ nhà ở và nền đất TĐC. Quỹ đất đô thị của Hà Nội, cũng như của TP.HCM, ngày càng hạn hẹp vì dân số tăng nhanh, nhu cầu về nhà ở ngày càng lớn. Theo dự báo, quỹ nhà TĐC của Hà Nội còn thiếu 15 nghìn căn hộ so với nhu cầu. Quỹ nhà đất TĐC hiện và sẽ tiếp tục thiếu trầm trọng trong những năm tới. Đây không phải là vấn đề riêng của Hà Nội mà là của nhiều địa phương. Rõ ràng, đã đến lúc cần đa dạng các loại hình nhà ở, đáp ứng được nhu cầu khác nhau trong xã hội. Muốn làm được điều này, trước hết phải xây dựng giá đất đền bù sát với giá thị trường để khắc phục tình trạng chênh lệch quá lớn giữa giá đất trước và sau quy hoạch, gây bức xúc đối với người dân. Trong quá trình đó, cần thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá, giám sát chất lượng và quản lý các khu TĐC, theo phương thức lấy người dân làm trung tâm. Không thể để dân về ở theo kiểu “đem con bỏ chợ” khi các khu TĐC chưa có cơ sở hạ tầng, đường sá, cây xanh, nước sạch… Người dân không thể yên tâm định cư khi mà quyền lợi của họ bị xâm phạm. |
Để người dân tự định đoạt
1