Tâm & tầm của người lãnh đạo











Thế là nhân dân Bắc Ninh đã yên tâm với tòa thành cổ có quy mô đồ sộ lớn thứ 7 trong tổng số 30 thành của cả nước và là 1 trong 4 tòa thành đẹp nhất vùng Bắc Kỳ.



Qua nhiều bể dâu, số phận của tòa thành cổ này được định đoạt sau những ý kiến có tình có lý của ông Nguyễn Hồng Quân – Ủy viên Trung ương Đảng – Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Thế mới biết bảo vệ thành cổ trong cuộc chiến chống ngoại xâm, phòng thủ đất nước thật vất vả và bảo vệ thành cổ trong thời bình, dựng xây đất nước cũng vất vả không kém.



Ngược thời gian mấy năm về trước, nguyện vọng chính đáng của nhân dân Bắc Ninh đã được đáp ứng bởi ngày 1/8/2005 đã có sự thỏa thuận của Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Bắc Ninh về việc di chuyển cơ sở 2 của Học viện Chính trị – Quân sự tại thành cổ Bắc Ninh. Để triển khai thực hiện,  Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã có Quyết định số 847/QĐ-UBND ngày 27/6/2006 về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện việc bàn giao và tiếp nhận khu đất quốc phòng tại cơ sở 2 Học viện Chính trị-Quân sự cho tỉnh Bắc Ninh.



Có được niềm vui này là do ông Phạm Văn Trà, lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và ông Nguyễn Thế Thảo – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch và Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh. Hai ông là những nhà lãnh đạo có tâm và có tầm đã để lại một việc làm được lịch sử quê hương ghi nhận. Ông Nguyễn Thế Thảo là một kiến trúc sư giỏi được đào tạo từ nước ngoài đã để lại cho TP Bắc Ninh một quy hoạch văn minh, hiện đại với nhiều công trình đẹp đẽ, nguy nga như Cung văn hóa Kinh Bắc, Bảo tàng, Thư viện tỉnh, Nhà thi đấu thể thao, Tượng đài Lý Thái Tổ… Giữ được thành cổ là trong tổng thể quy hoạch của TP Bắc Ninh, có nay mà vẫn có xưa.



Mặc dù không phải người Bắc Ninh nhưng ông Nguyễn Hồng Quân đã có tâm với di sản văn hóa của dân tộc và có cái tầm của người đứng đầu ngành Xây dựng. Qua quá trình tìm hiểu, người dân Bắc Ninh còn được biết ông là hậu duệ của cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến – là nhà khoa bảng, nhà thơ có tài, có đức, có nhân cách cao thượng. Thật đáng trân trọng huyết thống văn hiến, nhịp đập văn chương cổ điển, “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo” vẫn chảy trong huyết quản những người con, người cháu đến tận bây giờ.



Điều đáng mừng là bên cạnh những giai thoại về sự linh ứng của ngôi thành cổ là những hình ảnh, việc làm, công đức của nhiều nhà lãnh đạo ở Bắc Ninh đã được ghi nhận. Ông Lê Hồng Dương nguyên Trưởng ty Văn hóa tỉnh Hà Bắc là người chỉ huy dân quân, tự vệ chiến đấu giữ thành Bắc Ninh và sau đó là người lãnh đạo Ban cán sự thành hoạt động bí mật cho đến ngày lập lại hòa bình trên quê hương. Bằng cuộc đời vào sinh ra tử, bằng uy tín cá nhân ông đã mời được những người cai quản thành Bắc Ninh ra làm việc. Rồi tòa thành cổ đã được xếp hạng theo Quyết định số 144/QĐ-UB ngày 15/3/1980 của UBND tỉnh Hà Bắc. Trong những ngày mà làn sóng cách mạng văn hóa tràn vào nước ta, phong trào đập đình, phá chùa trở thành phổ biến thì ông thành lập Đoàn dân ca Quan họ, thành lập Trung tâm nghiên cứu Quan họ, tổ chức nhiều Hội nghị cấp quốc gia nghiên cứu về dân ca Quan họ, khôi phục dòng tranh dân gian Đông Hồ… Ông Bùi Cẩn Công nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Bắc đã nhiều năm kiên định với việc tái lập tỉnh. Ngày tỉnh Bắc Ninh được tái lập, ông đã phát biểu “Nếu được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đồng ý, tôi xin kêu gọi mỗi người dân Bắc Ninh đóng góp một viên gạch đá ong thì chúng ta thừa sức khôi phục được ngôi thành cổ”.



Hình ảnh ngôi thành cổ in đậm xuống hồ thành, in đậm trong lòng người dân Bắc Ninh. Trải qua bao năm tháng, nắng mưa, giặc giã đã còn in bóng trong không gian của một TP Bắc Ninh đang khẩn trương xây dựng trong công cuộc đổi mới. Như nguyện vọng của người dân ngôi thành cổ sẽ được khôi phục và trở thành trung tâm lễ hội, văn hóa và du lịch. Có được thời gian và quy mô công trình là phản ánh cái tâm và cái tầm của các nhà lãnh đạo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *