Trang chủ » Tâm lý tiểu nông

Tâm lý tiểu nông

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments










Bây giờ ra các làng ngoại thành Hà Nội, chúng ta không còn gặp được những cánh đồng trù phú xanh mướt mắt. Tất cả hình ảnh ấy đã là quá vãng. Làng xưa bây giờ ầm ầm dựng xây. Bê tông cốt thép chọc trời át hết những mảng xanh quê một thời khiến ai đến cũng phải nao lòng. Làng bây giờ đã thành phố thị.



Sự này ai đó bảo mừng. Chỉ phiền một nỗi, nông thôn lao động đã thừa, giờ đây càng thừa thêm. Những ngày nông nhàn, ngoài việc chạy chợ, người ta không biết làm gì. Đất ruộng dần mất, nhường chỗ cho phố xá, nhà cửa. Người nông dân đang mất dần thị trường cổ truyền. Người làm nghề phụ cũng lay lắt ngay trên quê hương mình.



Các nhà kinh tế, nhà quy hoạch, chuyên gia phân tích sự kiện đều chỉ ra rằng: Đây đang là một tử huyệt của chúng ta. Nhưng làm thế nào, vốn đâu để đưa người dân thoát khỏi vòng xoáy đô thị hóa khắc nghiệt ấy? Tuyệt nhiên, những giải pháp đưa ra đều “hụt hẫng” khi nhắc tới điều này.



Đã vốn eo hẹp, sản xuất lại manh mún. Thế nên, mọi cuộc cạnh tranh người nông dân chỉ xếp hàng cuối, ngước mắt mà trông người ta từ đâu tới mua rẻ hàng hóa – sức lao động – của mình.



Nhìn rộng hơn, không chỉ ở nông thôn, ngó vào ngành nào cũng thấy những chông chênh. Ngay với các điền chủ Việt Nam, nếu không liên kết lại, làm sao cạnh tranh nổi với hàng nông sản nước ngoài?



Nhìn thấy nguy cơ đấy, nhưng khi đụng tới thực tiễn lại “mạnh ai người ấy chạy”. Thế là người mua được dịp bắt chẹt ép giá. Còn những người nông dân chỉ biết khóc ròng trên mảnh ruộng đang kì bội thu của mình, bởi bán như cho.



Không chỉ trong sản xuất nông nghiệp, căn bệnh làm ăn lẻ và nếp sống rời rạc “anh hùng nhất khoảnh” cũng đang tác oai tác quái hàng ngày. Nhiều con đường, anh giao thông vừa làm xong, anh điện lại ra đào lên để đặt đường điện, anh nước san lấp để đặt ống nước. Hàng hóa lúc thiếu thì mua tranh bán cướp, nhưng vừa cảm thấy thừa là đua nhau bán phá giá. Mỗi bộ mỗi ngành một luật lệ riêng, người dân vào đâu lại phải lựa đấy.



Tự xoay xở – thế nên người dân phải tự phòng vệ cho mình bằng những giải pháp tức thời có thể. Và cuối cùng, họ chỉ như miếng chanh bị người ta vắt lúc nào không hay.



Đã không còn nhiều thời gian nữa. Cần phải có những chính sách quyết liệt để giúp người dân thoát ra khỏi tâm lý “tự phòng vệ” yếu ớt. Nhưng nếu thứ tâm lý tiểu nông này vẫn tồn tại dai dẳng sẽ vẫn làm nên tình trạng “ta hại mình”, níu kéo, kìm hãm sự phát triển của toàn xã hội.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.