Trang chủ » Mong mỏi chốn quê…

Mong mỏi chốn quê…

bởi Kien Truc - Kientruc.vn








Lâu lắm rồi tôi mới có dịp về quê nhưng hình ảnh quê hương với dòng sông hiền hoà bên cánh đồng lúa xanh mướt giờ đây chỉ còn lại trong ký ức xa xôi. Sự thay đổi đến chóng mặt ấy là nhà cao tầng mọc lên nhan nhản, với các loại kiến trúc mà không biết thuộc phong cách nào, từ Nam ra Bắc đủ hết, thậm chí cả “đông – tây – kim – cổ”.



Vài năm nữa, hình ảnh làng quê như thế này chắc chỉ còn trong ký ức.
Ảnh:TL





Cái lạ ở quê tôi bây giờ là đám thanh niên xính điện thoại di động còn các bậc phụ huynh lại xính nhà tầng. Chẳng thế mà từ cậu T. suốt ngày lam lũ ruộng vườn, nuôi gà, vịt rồi chăn bò đã dồn tiền bán cua mua một chiếc di động. Mua rồi T cũng không biết làm gì ngoài chơi điện tử, ghi số của mấy đứa bạn trong làng thi thoảng nhắn tin cho đỡ quên là mình đang dùng điện thoại. Đến ông chú họ tôi mới phất lên từ vụ bán đất nông nghiệp bám mặt đường, phừng phừng khí thế, ông giới thiệu về ngôi nhà 3 tầng mới xây: “Cháu thấy không, nhà chú ngon vào bậc nhất làng này, chả ai có được”. Tôi không dám có một lời bình nào nhưng nhà chú quả là “kinh hoàng” thật. Chẳng hiểu chú nghe lời thầy bói nói gì mà sơn tường màu lá mạ non, đèn lại lắp chỗ màu hồng, chỗ thì màu xanh, nhìn mặt ai cũng xanh lét như mới từ cõi chết trở về. Phòng khách chẳng khác gì quán karaoke “đèn mờ” còn nhà bếp vừa có lò sưởi lại có cả lavabo rửa bát, tủ chạn kiểu “made in” Việt Nam điểm trang thêm mấy cái móc tường để bà thím vụng về treo lủng lẳng mớ xoong nồi nấu bếp than đang còn nguyên màu bồ hóng. Chú giải thích là “phong thuỷ nhà chú phải thế mới mát mặt mà làm ăn”.



Chẳng mấy khi có dịp về quê lâu, tranh thủ đi thăm bà con họ hàng mới thấy người quê bây giờ không còn là quê nữa. Mọi người đua nhau xây nhà, đua nhau sắm đồ mới, đua nhau để giống thành phố nhưng có lẽ chính cái sự thích ấy khiến làng quê tôi chẳng khác gì mớ hổ lốn. Đình làng trước đây được xây dựng thoáng mát, rộng rãi, có cột gỗ lim to tướng trên nền đá mát lịm, sân đình rộng đến nỗi có việc gì cả làng kéo đến ngồi vẫn thênh thang giờ đây được thay bằng nhà văn hoá bé tin hin, đất ở xung quanh được đem bán sung vào quỹ làng. Chả biết quỹ làng có được bao nhiêu nhưng đình làng thì vĩnh viễn không còn. Con sông đào từ thời nhà Lê có tác dụng tiêu nước chống ngập lụt đã bị lấn chiếm đến nỗi chỉ còn lớn hơn một con mương, chưa kể đến tất cả các loại chất thải từ làm nghề đá xẻ, mộc, đúc nhôm đồng… cứ thiên nhiên đổ hết ra sông. Nhìn thấy sự đổi thay của quê mình mà lòng tôi trào dâng lên nỗi xót xa nào đó, quê tôi thực sự giàu hơn xưa rất nhiều nhưng không còn là quê trong ký ức tuổi thơ nữa.



Có lẽ sự đổi thay nhanh chóng về vật chất cũng khiến tinh thần con người ta thay đổi. Đi đến nhà ai, tôi cũng chỉ biết cười và khen, không khen sao được khi cả một đời chắt chiu dành dụm, xây được căn nhà lại bị chê xấu. Rồi từ chuyện nhà có nhà không mà tình cảm xóm làng cũng dần thay thế bằng sự đố kỵ. Đã không biết có bao nhiêu cuộc cãi vã giữa xóm làng chỉ vì cái tội “mày chửi con mày rồi bóng gió sang nhà tao”. Cái sự lạ đời ấy lan sang cả việc “bảo tồn bản sắc văn hoá làng”. Làn điệu “dân ca Đông Anh” quê tôi với “lên chùa bẻ một cành sen, ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng…” thay vì múa hát “chay” như trước, nay được cấp một ít kinh phí để phục hồi, gìn giữ. Thế là đội múa đèn quê tôi giữa những nàng “thắt đáy lưng ong” lồ lộ một mẹ nạ dòng 2 con, người mập ú, lưng to như cái phản. Hỏi chị phụ trách mới biết “đi họp, mẹ nó chửi giữa làng, có ăn sao không có  bà. Thôi đành để xấu đội hình còn hơn nghe chửi”. Điều lạ nữa là người quê tôi cái gì cũng muốn so sánh với người Hà Nội, chí ít thì cũng là người thành phố, từ văn hoá tâm linh cho đến văn hoá giải trí. Đơn cử như người Hà Nội đi Sầm Sơn, người quê tôi cũng đi. Nếu người Hà Nội đi Sầm Sơn là để tắm biển, ăn chơi thư giãn thì nhiều lúc người quê tôi đi chỉ là để “giải quyết khâu oai”. Chẳng thế mà khi nghe vợ chồng tôi nói đi chơi biển còn phải chuẩn bị kinh phí nữa, mấy bà hàng xóm cười mỉa: “tưởng gì chứ đi Sầm Sơn ấy à, nhà tôi cứ thích là đi, tốn kém gì mà phải tính”. Đúng là chả tốn gì mấy, mỗi người 2 lượt cho 4 lần xe buýt mất 20.000 đồng, thức ăn, đồ uống mang từ nhà đi, có chăng chỉ mất tiền thuê phao, đồ tắm và tắm nước ngọt.



Về quê, tôi mong tìm lại những người nông dân chân chất quê mùa thay cho những bon chen nơi phồn hoa phố thị, mong cái ấm áp của tình làng nghĩa xóm sau những nếp nhà rêu phong mái ngói, mong tìm hương thơm từ đồng lúa đầu làng, nhưng sau chuyến về quê này tôi càng chạnh lòng hơn – quê hương ơi tôi không mong sự đổi thay như thế…

Banner

Có thể bạn cũng thích

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2006 – All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.