Tạo cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nhà ở











Xây dựng các dự án chung cư cho người thu nhập thấp tại khu đô thị Việt Hưng, Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

KTĐT – Từ năm 1986, chính sách bao cấp nhà ở chấm dứt và chuyển sang các cơ chế khác như bán nhà thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê; phát triển các khu đô thị và khu dân cư mới; hỗ trợ cho người dân nông thôn, vùng kinh tế khó khăn và vùng lũ xây dựng nhà ở…

Ngày 5/8 tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức cuộc tọa đàm về tạo cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nhà ở, với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, nhà ở, bất động sản và Chương trình UN-Habitat (Chương trình quản lý đô thị Liên hợp quốc) tại Việt Nam.
 
Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản Nguyễn Mạnh Hà cho biết, tổng quỹ nhà ở của Việt Nam tính đến thời điểm này là 1.058 triệu m2; trong đó đô thị chiếm 320 triệu m2 và nông thôn chiếm 738 triệu m2. Hiện nay, bình quân mỗi người Việt Nam được sử dụng 12,2m2 nhà ở.
 
Đáng chú ý, có tới 70% diện tích nhà ở là do dân tự xây dựng, số lượng do các doanh nghiệp đầu tư xây dựng chỉ là 30%.
 
Hầu hết các ý kiến đều thống nhất, Chính sách phát triển nhà ở qua các giai đoạn đã có sự thay đổi và tác động trực tiếp đến việc hình thành quỹ nhà. Trước khi có Luật Nhà ở (2005), chỉ có 30% cán bộ nhà nước được bao cấp nhà ở từ quỹ nhà ở quốc gia, số còn lại và dân cư nông thôn phải tự lo nhà ở.
 
Từ năm 1986, chính sách bao cấp nhà ở chấm dứt và chuyển sang các cơ chế khác như bán nhà thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê; phát triển các khu đô thị và khu dân cư mới; hỗ trợ cho người dân nông thôn, vùng kinh tế khó khăn và vùng lũ xây dựng nhà ở…
 
Đặc biệt, từ năm 2006 đến nay, nhà ở được chia thành 3 loại là thương mại, xã hội và riêng lẻ; trong đó, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đều được phép đầu tư phát triển nhà ở thương mại và dự án nhà ở khu đô thị mới để bán hoặc cho thuê.
 
Tiến sỹ Nguyễn Quang – Giám đốc UN-Habitat tại Việt Nam cho rằng, với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, nhu cầu nhà ở càng trở nên cấp bách, nhất là khu vực trung tâm.
 
Theo khảo sát của chương trình này, hiện còn 25% số nhà ở không đạt tiêu chuẩn hoặc chỉ là nhà tạm, các loại hình nhà cũng chưa đáp ứng những nhu cầu khác nhau của mọi tầng lớp xã hội. Các hộ gia đình thu nhập thấp cũng không đủ khả năng mua, thuê hoặc nâng cấp nhà ở hiện tại.
 
Vì vậy, một số chính sách phát triển nhà ở trong giai đoạn này đang được đánh giá là phù hợp như cải tạo và xây dựng lại chung cư cũ; phát triển nhà ở xã hội; phát triển nhà ở cho sinh viên, công nhân và người thu nhập thấp…
 
Để phát triển quỹ nhà với mục tiêu đạt bình quân 14,3m2/người vào năm 2010 và tăng lên 18m2/người vào năm 2020, các cơ chế phát triển nhà ở đã được đưa ra nhằm khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này như tập trung triển khai tiếp chương trình phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2010-2015; áp dụng các cơ chế, chính sách nhằm xã hội hóa việc đầu tư phát triển nhà ở tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu vực bị giải phóng mặt bằng; hỗ trợ các hộ nghèo tại khu vực đô thị cải thiện nhà ở./.



Theo TTXVN/VietNam+

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *