Hầu hết các chung cư cao cấp cũng như trung bình hiện nay trước khi tung sản phẩm ra bán đều “trưng” ra những tiện ích để phục vụ cư dân sống trong cao ốc đó như: trung tâm thương mại, phòng tập thể dục thể thao, trung tâm chăm sóc sắc đẹp… Xem ra từ quảng cáo đến hiện thực lại là một khoảng cách vì khả năng tiêu dùng trong cư dân sẽ quyết định tồn tại hay không tồn tại các dịch vụ đó.
Ế ẩm mặt bằng bán lẻ trong các chung cư cao ốc Dạo qua một vòng các chung cư từ cao cấp đến trung bình trên địa bàn TP.HCM chúng tôi thấy ngoại trừ những cao ốc tại Q.1, 3, 5, khu Phú Mỹ Hưng là kinh doanh hiệu quả còn lại các cao ốc khác tại các quận vùng ven như Q.2, 4, 7, 8, 12, Tân Phú, Bình Tân đều có chung một “thảm cảnh” mua rồi để đó bán chẳng ai mua, mà thuê cũng chẳng ai tới hỏi. Sau khi thông cầu Nguyễn Văn Cừ (đường qua trung tâm Q.1, Q.5) chung cư Khánh Hội 1 (đường Bến Vân Đồn, Q.4) giá tăng lên rất nhanh khoảng 23 triệu đ/m2 nhưng mặt bằng kinh doanh ở tầng trệt thì vẫn hẩm hiu. Trong số 20 cửa hàng kinh doanh bán lẻ ở tầng trệt, được quy hoạch làm văn phòng, shop kinh doanh nhưng hiện chỉ có khoảng 4 – 5 cửa hàng hoạt động, bán tạp hóa, bán gạo phục vụ cho hơn 400 cư dân của chung cư. Được biết, dù giá thuê chưa tới 2 triệu đồng/căn nhưng nhiều người cũng không mặn mà. Lý giải điều này, chị Ngọc Nga, một chủ shop chăm sóc sắc đẹp cho biết: “Ngay từ khâu thiết kế ban đầu của chủ đầu tư có nhiều bất cập, tận dụng diện tích tối đa, nên mặt bằng trong này vừa tối, vừa như những sạp bán hàng ngoài chợ. Do nước nằm trong công trình phụ, còn trong cửa hàng không có nước nên kinh doanh cái gì cũng thấy bất tiện, ở đây chỉ thuê làm kho là tiện nhất”. Ở chung cư Hoàng Anh 1, 2 (Q.7) cũng có số phận tương tự dù nó nằm trên 2 con đường lớn là Nguyễn Văn Lương và Trần Xuân Soạn. Tầng trệt ở đây phần lớn đều đóng cửa và treo bảng bán hoặc cho thuê. Anh Ngọc Uy, cư dân trong chung cư Hoàng Anh 2 cho biết: “Ngay từ khi đi vào sử dụng một số mặt bằng ở dưới cũng kinh doanh cà phê, quán ăn Hàn Quốc nhưng được một thời gian rồi thấy đóng cửa do không có khách. Giá thuê mặt bằng ở Hoàng Anh 1 và 2 hiện nay là 700 USD/tháng diện tích từ 93 – 115m2. Nếu chỉ phục vụ cư dân của chung cư thì đóng cửa là đương nhiên rồi”. Ngay cả như chung cư cao cấp The Manor (đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.2) việc kinh doanh cũng không sáng sủa hơn ngoại trừ Phở 24 và cà phê Hinglands. Người quản lý nhà hàng Phở 24 cho biết “Khu chung cư này khá đông người Châu Á thuê nên phở 24 kinh doanh khá thuận lợi. Tiền thuê mặt bằng ở đây 2.500 USD/tháng, trừ các chi phí doanh thu trong ngày 4,5 triệu đ/ngày. Khách vãng lai từ ngoài vào ăn rất ít vì đi qua cổng, gửi xe dưới hầm họ thấy bất tiện. Trước đây cũng có một nhà hàng kinh doanh đồ ăn kiểu Tây được khai trương nhưng làm ăn thua lỗ cầm cự trong 6 tháng nhà hàng này cũng đóng cửa”.
Mua sắm ở đâu? Giờ tan tầm, trên đường đón con, chị Ngọc Mỹ tạt vội vào chợ mua rau và đồ ăn cho bữa tối trước khi về chung cư 13C, trên đường Nguyễn Văn Linh, Q.8. Chị phân trần: “Chung cư này quá xa trung tâm, muốn mua sắm gì cũng khó. Nhiều khi cần mua không biết mua bán ở đâu. May nhờ có siêu thị nhỏ bên chung cư Conic Đình Khiêm”. Đó là hình ảnh chung của hầu hết những người đang sống trong các khu chung cư hiện nay. Dù trong quy hoạch, thiết kế có các trung tâm thương mại nhưng do tìm những đối tác cho thuê mặt bằng kinh doanh siêu thị không được các chủ đầu tư đành phân nhỏ ra bán, vì không được chuyển đổi mục đích sử dụng. Ông Lê Trường Sơn, Giám đốc Cty CP Đầu tư Phát triển Sài Gòn (thuộc Coop mart) cho biết: “Chiến lược hiện nay của Sài Gòn Coop là săn tìm mặt bằng bán lẻ ở các khu chung cư nhất là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM vì quỹ đất ở 2 thành phố này ít. Vả lại để đầu tư riêng một Trung tâm thương mại thì chi phí sẽ rất cao vì vậy phải gắn kết với các dự án để giảm chi phí đầu tư. Chúng tôi thuê phần thô của một chung cư và hoàn thiện thì chi phí sẽ giảm đi 40 – 45% so với đầu tư toàn bộ. Nhưng không phải dự án nào Sài Gòn Coop cũng chọn mà phải tính đến vị trí kết nối tổng thể với các siêu thị khác, dân cư của khu vực đó, thiết kế công trình có phù hợp với các tiêu chuẩn xây dựng siêu thị và Trung tâm thương mại hay không? Có rất nhiều chung cư tôi thấy rất tiếc vì mọi điều kiện đều hợp với chúng tôi nhưng đến phần kết cấu bên trong thì lại không phù hợp. Bên đối tác không tìm hiểu trước khi thiết kế hoặc không tìm đến chúng tôi trước, để mọi chuyện xong rồi mới tiến hành thì đã quá muộn”. Hầu hết các chung cư cao ốc hiện nay đều xây xong rồi mới đi chào mời cho thuê mặt bằng trung tâm thương mại. Một đại diện của Cty địa ốc Khang Gia cho rằng: “Chúng tôi đâu có chờ được thống nhất với những nhà thuê mặt bằng bán lẻ mới xây. Theo thiết kế có Trung tâm thương mại, cửa hàng ai muốn thuê thì thuê, ai muốn mua thì chúng tôi cũng bán. Nếu mời được những nhà kinh doanh bán lẻ thì tốt”. Như vậy, xem ra tại các khu chung cư những tiện ích “kèm” theo được các Cty quảng cáo, rao bán cho khách hàng vẫn chỉ là những lời… quảng cáo. |
Căn hộ chung cư – tiện ích: Chỉ là quảng cáo
3
Bài trước