|
KTĐT – Hơn 10 năm qua, đã có rất nhiều nghiên cứu, rà soát công phu về quỹ biệt thự xây dựng trước năm 1954 ở Hà Nội, trong đó phần lớn là những biệt thự có kiến trúc kiểu Pháp. Nhưng những trăn trở của giới chuyên môn hay các cơ quan quản lý vẫn chỉ dừng lại ở “bàn”, còn trên thực tế, cứ ngoảnh đi ngoảnh lại lại thấy một biệt thự bị san phẳng và thay vào đó là những công trình cao tầng, hiện đại. Quỹ nhà biệt thự cũ của Hà Nội đã và đang xiêu vẹo trước cơn lốc của thị trường.
Giá trị cần được công nhận
Theo ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, xu hướng phá biệt thự để xây nhà cao tầng đang ngày càng mạnh lên. Các biệt thự bị phá đi sẽ làm biến dạng, mất đi hình ảnh của Hà Nội, mất đi bản sắc văn hóa của đô thị. Giới chuyên môn đánh giá, những công trình biệt thự có giá trịkhông chỉ là biệt thự Pháp, do người Pháp xây dựng mà còn có những biệt thự do kiến trúc sư Việt
Đau xót trước thực trạng nhiều ngôi biệt thự bị “biến mất”, nhiều người nhận ra rằng, vấn đề là ở chỗ việc quản lý biệt thự cũ chưa được nhìn nhận như quản lý di sản văn hóa.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo UBND TP Hà Nội rà soát các loại biệt thự, xác định rõ loại không được bán và loại được bán theo quy định của Nghị định 61/CP của Chính phủ; trên cơ sở đó, quyết định phê duyệt đề án quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn và chỉ đạo thực hiện. Để gìn giữ, bảo tồn quỹ biệt thự giá trị cho Hà Nội nhiều ý kiến đồng quan điểm cần pháp chế hóa, chuẩn bị cho việc lập hồ sơ để công nhận biệt thự cũ là di sản văn hóa cấp thành phố. Mỗi biệt thự cần có một hồ sơ quản lý với tư cách như một tác phẩm nghệ thuật. Qua đó, phân hạng giá trị của từng ngôi biệt thự ; đưa ra giải pháp sử dụng, khai thác, quản lý.
Đã có rất nhiều nghiên cứu của các tổ chức trong nước, cơ quan quản lý, nhiều nghiên cứu có sự tham góp của các chuyên gia Pháp, Nhật Bản. Chỉ cần tập hợp đầy đủ các kết quả của những nghiên cứu này thì hồ sơ về biệt thự của Hà Nội đã rất dầy dặn và đầy đủ. Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận thực trạng, giá trị của biệt thự theo từng tuyến phố như đại lộ Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Phan Chu Trinh, Lê Hồng Phong, Phan Đình Phùng.
Cần thể chế mạnh
Đã có đánh giá cho rằng, rất nhiều biệt thự ở Hà Nội bị mua đi bán lại. Những người chủ mới bỏ ra số tiền tính bằng triệu USD chắc chắn sẽ phải tính đến phương án khai thác cho hiệu quả nhất mảnh đất vàng mà họ mua được. Còn công trình cũ kỹ trên mảnh đất đó với những giá trị kiến trúc, văn hóa đặt biệt, không được mảy may quan tâm.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn hiện đang quản lý 970 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước. Trong số 55 biệt thự có giá trị kiến trúc thuộc diện “không được phá dỡ” nhiều ngôi biệt thự đã biến mất chỉ còn lại… tên. Đan xen sở hữu; nhiều hộ ở cùng trong một biệt thự (cá biệt có trường hợp có tới 50 hộ dân cùng ở trong một biệt thự); cơ nới, lấn chiếm làm công trình xuống cấp ; thiếu kinh phí để duy trì sửa chữa, cải tạo… nhiều lý do để việc quản lý nhà biệt thự trở nên khó khăn. Khó khăn hơn cả là chính sách về quản lý nhà, đất biến động qua nhiều thời kỳ nhưng lại thiếu các quy định riêng về quản lý, sử dụng biệt thự ; thiếu các tiêu chí bảo tồn, tôn tạo, thu hồi biệt thự.
Xây dựng một thể chế đủ mạnh để quản lý, bảo tồn, tôn tạo những ngôi biệt thự thuộc diện đươc bảo tồn, có giá trị về kiến trúc là việc cần làm ngay trước khi quá muộn. Một nguyên nhân quan trọng khiến cho nhiều ngôi biệt thự có giá trị bị phá hủy chính là sự yếu kém trong công tác quản lý, các kẽ hở của pháp luật thì quá rộng, lại bị “chèn ép” bởi nhiều yếu tố mang tính tiêu cực. Vì thế, muốn giữ gìn những ngôi biệt thựxây dựng trước năm 1954 – một phần không thể thiếu của đô thị Hà Nội nghìn năm văn hiến – thể chế và cả những người thực hiện thể chế phải “thắng” được những mưu toan, cám dỗ và sức mạnh của cơ chế thị trường.
Song Hà