Trang chủ » Sàn giao dịch bất động sản: Cần vươn tới chuyên nghiệp

Sàn giao dịch bất động sản: Cần vươn tới chuyên nghiệp

by Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments










Thực tế vừa qua, đã có hiện tượng sàn giao dịch (SGD) BĐS lừa lọc, chiếm đoạt tiền của khách hàng. Cho đến khi đã xảy ra sự việc cơ quan chức năng phát hiện được thì người mua hàng mới tá hoả. Phải chăng cần phải có sự quản lý, giám sát chặt chẽ hơn đối với việc thành lập cũng như hoạt động của các SGDBĐS, tạo cơ chế hoạt động đúng pháp luật, đạt hiệu quả, góp phần làm minh bạch thị trường BĐS. Vấn đề này đã được đặt ra tại hội nghị sơ kết hoạt động của các SGDBĐS vừa được Bộ Xây dựng tổ chức tại Hà Nội..



Đã đến lúc cần đánh giá lại hoạt động của các sàn giao dịch BĐS do trước đây thủ tục thành lập còn đơn giản và cần siết chặt hơn, nâng cao tiêu chuẩn để loại bỏ những sàn nghiệp dư.







15 – 20% tổng giao dịch qua sàn



Tính đến nay, trên phạm vi toàn quốc đã có 226 SGDBĐS được thành lập, trong đó 159 sàn đã đưa lên Website của Mạng các SGDBĐS Việt Nam. Hàng trăm dự án BĐS trên cả nước, nhưng các SGDBĐS chỉ tập trung ở 8 địa phương, trong đó Hà Nội có 82 sàn, TP.HCM 123 sàn, Đà Nẵng 6 sàn, Bình Dương 9 sàn, Kiên Giang, Đồng Tháp 2 sàn, Quảng Nam, Lạng Sơn 1 sàn.



Không thể phủ nhận việc thành lập và hoạt động của các SGDBĐS trong thời gian qua đã đem lại diện mạo mới cho thị trường BĐS, tác động vào ý thức người dân để dần thay đổi tập quán giao dịch cũ. Hoạt động của các sàn đang từng bước hình thành một sân chơi minh bạch cho các nhà đầu tư BĐS, đem lại nhiều lợi ích cho người dân khi tiếp cận hàng hoá BĐS, là kênh cung cấp thông tin thị trường quan trọng cho người dân và cho cơ quan quản lý Nhà nước. Nhiều chủ đầu tư kinh doanh BĐS đã bắt đầu đưa hàng hoá của mình giao dịch tại các sàn, nhất là các dự án liên doanh với nước ngoài, dự án nhà ở cao cấp… Tuy nhiên, do lĩnh vực này còn rất mới mẻ nên việc hoạt động của các sàn còn nhiều bất cập, thiếu tính chuyên nghiệp.



Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cũng do mới nên quy định thủ tục thành lập sàn còn dễ nên để xảy ra nhiều sàn cơ sở vật chất khiêm tốn, lực lượng các nhân viên môi giới, định giá chuyên môn chưa cao, thiếu kinh nghiệm, thiếu sự chuyên nghiệp. Cũng do sự  thiếu chuyên nghiệp mà có những sàn chưa tuân thủ các quy định của pháp luật, thực hiện môi giới các dự án và BĐS chưa đủ điều kiện pháp lý để được giao dịch, vừa kinh doanh dịch vụ BĐS (môi giới, định giá), vừa kinh doanh BĐS (mua bán ăn chênh lệch giá), thậm chí là lừa đảo.



Với số lượng 226 sàn nhưng mới chỉ thực hiện được 3.352 giao dịch. Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cũng đưa ra ước tính tỷ lệ giao dịch BĐS thông qua hệ thống sàn mới chỉ chiếm khoảng 15 – 20% tổng giao dịch của thị trường.






Nâng tiêu chuẩn các SGDBĐS



Chỉ cần qua 6 buổi học là có thể thành chuyên gia tư vấn, môi giới BĐS. Với thời gian đó, không thể đủ để học về pháp luật, các nghị định, thông tư quy định trong lĩnh vực để hiểu về thủ tục, hồ sơ, đó là chưa nói tới học về kỹ năng hành nghề hay trau dồi về đạo đức kinh doanh… Nhiều ý kiến đã nêu về việc quá dễ dãi, đơn giản trong quy định điều kiện hành nghề môi giới, định giá BĐS cũng như thủ tục thành lập SGDBĐS. Điều này đã dẫn đến trình độ, kỹ năng hành nghề của đội ngũ những người hành nghề kinh doanh dịch vụ BĐS còn yếu.



Với con số 72 cơ sở đào tạo môi giới, định giá BĐS, quản lý điều hành SGDBĐS, chỉ trong vòng một năm đã cấp trên 17 nghìn giấy chứng nhận về môi giới, định giá, quản lý, điều hành SGDBĐS và gần 10.500 chứng chỉ các loại… Những con số này làm nhiều người càng băn khoăn về công tác đào tạo trong hành nghề kinh doanh dịch vụ BĐS. Ông Phạm Xuân Điều, Giám đốc Học viện Cán bộ Quản lý Xây dựng và Đô thị cho rằng, số lượng cơ sở đào tạo quá lớn như vậy cần phải xem xét có bảo đảm chất lượng đào tạo hay không. Thực tế phần lớn các cơ sở đào tạo là các Cty, rất ít cơ sở đào tạo là các trường ĐH, hoặc các viện nghiên cứu liên quan tới BĐS, xây dựng. Thậm chí có những cơ sở chỉ có 3 – 4 nhân viên cũng xin được đào tạo. Trong khi đó hiện nay vẫn đang thiếu một chuẩn mực hành nghề kinh doanh dịch vụ BĐS để áp dụng thống nhất. Khi việc hành nghề chưa tuân thủ theo một chuẩn mực chung mỗi nơi làm một kiểu, người dân chưa tin tưởng vào hoạt động của các SGDBĐS với vai trò là tổ chức tư vấn, trung gian môi giới trong giao dịch.



Chính vì vậy, các ý kiến đều thống nhất rằng cần phải kiểm tra, rà soát, nâng cấp các cơ sở đào tạo cũng như siết chặt việc cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh dịch vụ BĐS, bởi như hiện nay là rất thoáng, thậm chí đang có sự tràn lan. Việc quy định thủ tục thành lập SGDBĐS cũng được đề nghị cần phải xem xét lại. Sở Xây dựng Hà Nội và đại diện nhiều SGDBĐS còn cho rằng, nên chăng thực hiện việc cấp giấy chứng nhận có thời hạn đối với các sàn, như vậy để khách hàng phân biệt được đây là sàn chuyên nghiệp hay không, giấy chứng nhận cũng để phân biệt với các phòng môi giới tư nhân.



Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng, đã đến lúc cần đánh giá lại hoạt động của các sàn do trước đây thủ tục thành lập còn đơn giản, cần siết chặt hơn, nâng cao tiêu chuẩn để loại bỏ những sàn nghiệp dư. Bộ Xây dựng cũng sẽ xem xét tới việc cấp giấy chứng nhận cho các sàn, giấy đó là bắt buộc hay tự nguyện… Cùng với việc Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu để bổ sung, sửa đổi các quy định chưa phù hợp thì các SGDBĐS phải chủ động bảo đảm đúng quy định của pháp luật, hướng tới tính chuyên nghiệp.







Tạo ra thị trường minh bạch, công khai


 


Một thực tế đang diễn ra hiện nay đó là các chủ đầu tư luôn tìm cách né tránh việc giao dịch qua SGDBĐS, mà họ lách luật bằng các hợp đồng vay vốn, góp vốn, phát hành trái phiếu công trình kèm quyền mua BĐS. Theo phản ánh của các chủ đầu tư này, các quy định liên quan đến thời điểm và hình thức huy động vốn, thu tiền từ khách hàng chưa tạo ra cơ chế thuận lợi, đang gây khó cho các chủ đầu tư trong huy động vốn hiệu quả cho dự án. Các dự án BĐS cần rất nhiều vốn, rất khó khăn nếu trông chờ vào ngân hàng, trong khi đó có rất nhiều người muốn được góp vốn để được ưu tiên mua hàng, điều đó là chính đáng. Trong khi luật lại không cho phép. Và để tháo gỡ khó khăn, tìm vốn cho dự án họ đã tìm cách lách luật. Đại diện một sàn tại Hà Nội cho biết, giao dịch qua sàn của họ chỉ chiếm 3% các giao dịch trên thị trường của sàn, còn lại đều là các hợp đồng góp vốn. Nếu theo đúng quy định thì không có hàng hoá để mang lên sàn giao dịch, các sàn sẽ phải ngưng hoạt động. Giám đốc SGDBĐS Tascoland Phạm Ngọc Thanh và đại diện nhiều SGDBĐS khác cho rằng: Thực tế đang diễn ra như vậy, nếu chúng ta công nhận nó thì sẽ đưa ra những cơ chế để quản lý được, còn nếu không sẽ vẫn là lách luật mà không quản lý được!


 


Trước kiến nghị của các DN về cho tồn tại hình thức huy động vốn, vấn đề đặt ra là có cơ chế như thế nào để đồng thời bảo vệ nguồn vốn, lợi ích của người mua, lợi ích của nhà đầu tư cũng như của Nhà nước. Đại diện Quỹ đầu tư BĐS Ngân hàng ngoài quốc doanh VP Bank cho rằng, việc góp vốn cũng có thể qua SGDBĐS, như vậy Nhà nước cũng kiểm soát được. Nếu tất cả các hợp đồng qua sàn thì thông tin về các dự án cũng được cập nhật hơn, người dân có thể biết đâu là dự án “ma”. Sở Xây dựng Hà Nội thì cho rằng, việc qua sàn có lợi cho nhà đầu tư, cho người mua nhưng cần phải mở thời điểm bao giờ thì sản phẩm được qua sàn… Theo Thứ trưởng Nam, nếu như vậy phải có sự thay đổi cơ bản trong luật nếu thấy chính đáng, bảo vệ quyền lợi kinh doanh cũng như của người dân, Bộ Xây dựng sẽ có những đề xuất.


 


Trước tất cả những vấn đề liên quan tới hiệu quả hoạt động của các SGDBĐS cũng như mục tiêu làm minh bạch, công khai thị trường BĐS, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cũng cho rằng do tính chuyên nghiệp chưa cao, các sàn chưa nhiều dịch vụ, vẫn chỉ dừng ở môi giới nên chưa mang lại hiệu quả cho chính mình cũng như cho xã hội. Mục tiêu đặt ra là phải có hiệu quả, trước hết cho các sàn, tạo thị trường minh bạch, công khai, chứ không đơn giản chỉ là bao nhiêu giao dịch. Như vậy cần phải đặt ra nguyên tắc hoạt động, bao gồm cả vấn đề nâng cao năng lực, tiêu chuẩn các SGDBĐS… Sau khi tiếp thu các ý kiến, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất hoàn thiện cơ chế, pháp luật cho lĩnh vực này.

You may also like

Leave a Comment

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Chúng tôi thực hiện sứ mệnh kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, cùng nhau xây dựng một nền kiến trúc bản địa vững mạnh, hòa nhập với dòng chảy quốc tế. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành cùng giới kiến trúc, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.