Cải cách hành chính đang là vấn đề nóng bỏng không chỉ đối với người dân hiện tại mà cả đối với tương lai phát triển của đất nước. Quyết tâm trong chủ trương của Đảng và nhiều biện pháp quyết liệt từ Chính phủ dường như vẫn còn xa mới đạt hiệu quả như mong muốn, mà có người đã ví như hình tượng “nước đổ lá khoai”. Những câu chuyện để ví dụ cho một bộ máy “hành là chính” nhiều như lá cây rừng, khiến cuộc sống của người dân vốn đã vất vả lại càng thêm ngột ngạt. Trong một cuộc tọa đàm mới đây trên Vietnamnet về vấn đề này gồm khá nhiều nhân vật có tên tuổi, vấn đề cải cách hành chính lại càng hiện ra như một mối tơ vò. Để hỗ trợ công cuộc cải cách hành chính thành công, có hai yếu tố quan trọng được nêu ra trong cuộc tọa đàm vẫn còn đang bỏ ngỏ. Một là động lực phục vụ dân, được ví như nguồn nặng lượng để chạy các động cơ. Tác giả ý kiến này cho rằng việc thiết kế ấy như lắp pin cho ô tô chạy. Thiết kế trên máy xong rồi, động cơ, phần kỹ thuật có rồi, vấn đề còn lại là thiết kế phần lắp pin cho xe chạy. Đó là sự khuyến khích phục vụ dân. Càng phục vụ tốt, anh càng có lợi. Hai là cải cách hành chính bao giờ cũng gắn liền với vấn đề quyền lực. Để phân định được quyền của ai và như thế nào là vấn đề cực kỳ khó khăn. Nếu không có sự nỗ lực chung để xác lập quyền lực cho đúng thì việc sử dụng quyền của dân rất khó. Thoạt nghe thì thấy hai yếu tố được nêu ra chẳng có gì là khó khăn, nhưng soi vào thực tiễn của cuộc sống thì sẽ thấy đây là một bài toán nan giải. Xin nêu một ví dụ xảy ra mới đây ở Q.Đống Đa (Hà Nội). Cô kế toán trưởng Cty nọ kể rằng sau khi thành lập ít lâu, Cty của cô có được một hợp đồng đầu tiên và bắt buộc phải có hóa đơn GTGT, và hành trình đi “xin” mua hóa đơn bắt đầu. Sau khi làm các thủ tục hồ sơ giấy tờ xong, một trong những khâu quyết định là phải có sự thị sát của cán bộ thuế. Sau 5 lần thị sát và 5 lần làm lại thủ tục, mỗi lần chờ đợi một tuần, và mỗi lần bị “hành”một lỗi khác nhau. Thí dụ: Phải ghi rõ là Văn phòng tại tầng 1 và tầng 4 chứ không thể chỉ kê khai số nhà; Giám đốc được ủy quyền không thể ký thay Chủ tịch HĐQT; chưa có xác nhận của tổ trưởng dân phố… Một câu hỏi đặt ra: Tại sao họ lại không thể phát hiện 5 lỗi (cứ tạm coi tất cả vấn đề nêu trên đều là lỗi đi) một lần mà phải 5 lần khác nhau? Phải chăng là do “pin” yếu nên phải đi lại nhiều lần để hy vọng được nạp “pin”, do trình độ am hiểu pháp luật của họ kém, do sự xuống cấp của đạo đức công chức hay có sự nhầm lẫn về quyền lực…? Chung quy lại là vấn đề chất lượng công chức, mà điều này muốn thay đổi ở cả một bộ máy khổng lồ, quả không hề dễ dàng. |
Cải cách hành chính hay chất lượng công chức?
108
Bài trước