Trang chủ » Gói kích cầu thứ 2: Nên hay không nên ?

Gói kích cầu thứ 2: Nên hay không nên ?










Việc nên hay không nên sử dụng gói kích cầu thứ 2 để kích thích kinh tế phải đợi đến cuối tháng 10 Quốc hội mới đưa ra quyết định chính thức. Nhưng ngay từ thời điểm này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng gói kích cầu thứ 2 được tung ra sẽ tạo sự bất bình đẳng trong nền kinh tế…






TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, điều quan trọng nhất trước khi đi đến quyết định có nên tiếp tục kích cầu hay không là phải trả lời được các câu hỏi: Kích cầu để giải quyết vấn đề gì và mục tiêu của nó là gì? Theo ông Thiên, nếu không quản lý chặt, dòng tiền sẽ đổ vào những kênh đầu tư ngắn hạn như chứng khoán, nhà đất…Tuy không có con số cụ thể là bao nhiêu nhưng theo TS Trần Đình Thiên, ngay cả một nước như Trung Quốc, có đến 20% vốn kích cầu của nước này chảy vào chứng khoán và 30% chảy vào thị trường địa ốc. Như vậy, 50% dòng tiền từ kích cầu của Trung Quốc đã chảy vào 2 thị trường rất nhạy cảm là chứng khoán và địa ốc.






Đồng quan điểm này,  ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, Việt Nam nên chuẩn bị rút dần hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, cần thiết kế các nội dung giảm dần hỗ trợ để đảm bảo cho DN thích nghi dần. Nội dung gói kích cầu thứ hai (mà nhiều người đang trông ngóng được trả tiền với liều lượng, mức độ, thời gian như gói kích cầu thứ nhất) là không được. Sự hỗ trợ tiếp của Chính phủ (nếu có) chỉ là hỗ trợ thêm các nhân tố tích cực để bứt phá hẳn lên và bổ sung những gì cần thiết.






Trong khi đó, không ít DN lại có quan điểm trái ngược, ông Phạm Ngọc Hưng, đại diện Hiệp hội DN TP.HCM cho rằng: “Sự hồi phục của các DN như người đau mới mạnh, cần phải hỗ trợ khẩn trương thì người bệnh mới mau khoẻ. Các ngân hàng nên có chính sách dài thời gian hỗ trợ lãi suất cho DN, đặc biệt là ưu đãi lãi suất vay cho đầu tư trung và dài hạn. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi hơn, các thủ tục đơn giản hơn nhằm giúp các DN có điều kiện tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn”. Ông Thái Tuấn Chí, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Tuấn thì cho rằng, để phát huy sự tăng trưởng kinh tế có tính vững chắc hơn ở giai đoạn sau khủng hoảng, Chính phủ cần có gói kích cầu thứ hai với lãi suất hỗ trợ thấp hơn (khoảng 2%) và đối tượng tập trung hơn, phù hợp với mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế, có kiểm soát chặt chẽ, tránh chuyển sang đầu cơ chứng khoán và đầu tư địa ốc.






Nhìn lại gói kích cầu thứ nhất cho thấy, việc được cấp cứu bằng nguồn vốn rẻ vô hình chung đã làm trì hoãn việc tái cấu trúc DN và ngân hàng, một nhiệm vụ khó khăn, đau đớn nhưng cần thiết. Như vậy, chính sách hỗ trợ lãi suất đã làm lỡ một cơ hội tăng cường năng lực cạnh tranh của các DN để chuẩn bị cho sự phục hồi của kinh tế thế giới. Để đi đến quyết định có hay không có gói kích cầu thứ hai thì chắc chắn Chính phủ còn phải xem xét diễn biến của nền kinh tế trong nước và thế giới trong những tháng cuối năm, tiếp tục nghe nhiều ý kiến từ các bên.






Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa dư luận của đa số chuyên gia là Chính phủ nên giảm bớt chính sách can thiệp của Nhà nước (nếu áp dụng trong điều kiện khi kinh tế trở lại bình thường có thể làm méo mó thị trường), nên quay trở lại các biện pháp kinh tế thị trường để buộc các DN trong nước có ý chí tự thân vận động, nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập được kinh tế quốc tế.

Banner

Bài viết cùng chuyên mục

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.