Phát triển VLXD nhẹ là xu thế ở Việt Nam

Như pV Báo Xây dựng đã nhiều lần đề cập, trong Quy hoạch phát triển VLXD đến năm 2020, thì các loại gạch không nung, bê tông nhẹ, có vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng và phát triển đô thị. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Quang Cung, Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) kiêm Tổng Thư ký Hội VLXD Việt Nam. Ông Cung cho hay:
 

TS Nguyễn Quang Cung

– Gạch xây đóng vai trò hết sức quan trọng trong mỗi công trình xây dựng. Tuy nhiên, từ trước đến nay ở nước ta đang sử dụng gạch đất sét nung cho hầu hết các công trình xây dựng, đây là điều không còn phù hợp với xu thế phát triển VLXD của thế giới.

 
Xin ông cho biết những loại gạch thường được sử dụng hiện nay và xu thế của việc dùng gạch trong xây dựng sẽ như thế nào ?
 
– Như chúng ta đã biết, vật liệu xây ở nước ta từ xưa đến nay chủ yếu là gạch đất sét nung. Hầu hết từ Bắc đến Nam đều sử dụng loại gạch này. Nhưng đến nay việc sử dụng gạch xây đang đi theo một xu thế mới. Người ta đang chuyển mạnh sang sử dụng vật liệu không nung thay vì sử dụng vật liệu đất sét nung. VLXD không nung có thể là gạch bê tông, có thể là bê tông nhẹ sản xuất theo phương pháp sử dụng các chất tạo bọt và cũng có loại bê tông nhẹ nhưng là loại cao cấp sử dụng chất tạo khí và được chưng hấp ở nhiệt độ và áp suất cao. 
 
Ví dụ như các bạn có thể thấy ở một số khu vực như: Tp.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Dương, Hà Nội… có sử dụng gạch bê-tông nhẹ cao cấp mang nhãn hiệu Q-CON. Đây là sản phẩm mới ra đời, mới được nhập khẩu từ Thái Lan nhưng nó đã bắt đầu có được vị trí trên thị trường xây dựng. 
 
Loại gạch bê tông hấp nhẹ này vừa xuất hiện trên thị trường nhưng đã có uy tín và được thị trường chấp nhận, vì sao vậy thưa ông. Nhà nước đã có chủ trương để khuyến khích sử dụng loại VLXD này hay chưa?
 
– Có thể nói, mong muốn của Nhà nước, Chính phủ và Bộ Xây dựng về việc sử dụng loại vật liệu không nung để thay thế các loại vật liệu nung trong nước đã có từ rất lâu. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên việc đó chưa thành hiện thực. Mới đây nhất, trong Quyết định 121/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt tổng thể quy hoạch ngành VLXD, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng chương trình phát triển VLXD không nung đến năm 2020 trong đó có lộ trình thay thế từng bước loại vật liệu truyền thống bằng VLXD mới. Bộ Xây dựng đã thành lập một tổ chuyên gia để xây dựng lộ trình phát triển VLXD không nung đến 2020. Như vậy, có thể nói, VLXD không nung có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển VLXD trong những năm tới. Vì, thứ nhất, VLXD không nung là xu thế phát triển của toàn thế giới. Không có một nước nào lại sử dụng gạch đất sét nung nhiều như Việt Nam. Thứ hai, khi sử dụng VLXD không nung nó mang lại lợi ích cho xã hội, cho người xây dựng và cho người sử dụng các công trình xây dựng đó.
 
Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những hạn chế của gạch nung và lợi ích của gạch không nung trong thực tế?
 
– trước hết, khi sử dụng gạch đất sét, chúng ta đang khai thác đất ruộng, đất sét… tức là nguồn tài nguyên rất quý hiếm của đất nước bây giờ đang cạn kiệt và chắc chắn sẽ không còn nhiều trong tương lai. Lượng đất sét còn lại đó, chúng ta nên dùng vào việc sản xuất các sản phẩm cao cấp hơn, thẩm mỹ hơn, mang lại giá trị kinh tế hơn. Thứ hai, khi chúng ta nung gạch đỏ sẽ gây ô nhiễm môi trường. Khắp nơi trên đất nước ta, đi đâu chúng ta cũng nhìn thấy các lò gạch xả khói bụi, ô nhiễm môi trường, thiệt hại đến mùa màng… những lò gạch thủ công đó sẽ phải hạn chế, dần đến xóa bỏ. Thứ ba, khi người công nhân sử dụng VLXD không nung, tốc độ xây dựng nhanh hơn nhiều lần, tường xây xong rất phẳng, tốn ít công trát… nên nếu chúng ta sử dụng các VLXD nhẹ, kích thước lớn thì sẽ hạn chế rất nhiều thời gian xây dựng cũng như tiết kiệm nguyên vật liệu.   
 
Còn những lợi ích xã hội nếu chúng ta sử dụng loại VLXD nhẹ?
 
– Khi dùng VLXD nhẹ sẽ được những lợi ích: tường mỏng đi, diện tích sử dụng tăng lên nhưng vẫn đảm bảo tính cách âm, cách nhiệt, tiết kiệm năng lượng. Cái lợi mà rất ít người thấy, đó là nếu các công trình xây dựng sử dụng nhiều bằng VLXD nhẹ thì tải trọng của cả thành phố sẽ giảm xuống – Đây là điều rất quan trọng đối với các tỉnh thành phía Nam, nơi có nền đất yếu so với cả nước. Nói chung dùng VLXD nhẹ là xu thế chắc chắn sẽ phát triển ở Việt Nam và sẽ mang lại lợi ích cho cả cộng đồng, cho người sử dụng và cả người xây dựng.
 
Xin ông cho biết quan điểm của Bộ Xây dựng về phát triển loại VLXD này trong tương lai như thế nào?
 
– Bộ Xây dựng rất ủng hộ vấn đề này và theo chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta đã thành lập một đơn vị chuyên trách để điều hành việc này. Ngoài các hướng dẫn cho xã hội để phát triển loại VLXD này như: hướng dẫn về công nghệ, quy trình sản xuất rồi xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các định mức… Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách nhằm giúp VLXD không nung sớm chiếm lĩnh thị trường trong nước để thay thế dần VLXD nung trong tương lai.
 
Xin cám ơn ông!
 

Gạch không nung Q-Con đã có mặt tại Việt Nam
 
Đây là loại gạch block có màu sáng trắng, sản xuất từ các vật liệu xi măng, cát, sợi nhôm, thạch cao đã được lựa chọn và được kiểm nghiệm xử lý trước khi đưa vào lò hấp hơi nước với áp suất cao cho đến khi chắc, nhẹ và qua công nghệ khử trùng nguyên tố bê tông.
 
So với các loại gạch nung đất sét, bê tông thông thường, Q-Con có trọng lượng nhẹ hơn từ 4-5 lần, cách âm tốt, khả năng duy trì chóng cháy trong 4 giờ ở nhiệt độ 1.1000C, tiết kiệm 30% điện năng khi sử dụng máy lạnh, tiết kiệm chi phí điện khoảng 25%…Từ những tính năng đặc biệt, Q-Con dễ vận chuyển, lắp ráp nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, thời gian…Theo tính toán của giới chuyên môn, nếu sử dụng gạch Block Q-Con ngoài hiệu quả kinh tế, thời gian hoàn thành công trình nhanh hơn từ 2-5 lần so với sử dụng các vật liệu thông thường khác còn có thể lọai bỏ được những chi phí nhân công không cần thiết. Q-Con sản xuất tại Thái Lan và do Cty AZ-AMAZING nhập khẩu, phân phối độc quyền tại VN.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *