Hàng trăm bến sông với những chiếc đò không an toàn vẫn ngày ngày chở khách qua sông, tài sản, tính mạng nhiều người dân luôn có nguy cơ bị “hà bá nuốt” bất cứ lúc nào. Đây chính là thực trạng khá phổ biến tại các bến đò trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay. Những cái chết được báo trước
Cách đây 3 năm người dân cả nước hết sức đau xót khi chứng kiến cái chết thảm của 19 học sinh từ vụ đắm đò ở Chôm Lôm, huyện Con Cuông. Nhưng nay, chiếc Cầu ở Chôm Lôm đã xây xong, thì người dân xứ Nghệ lại bàng hoàng khi nghe tin dữ từ vụ đắm đò ở Bình Sơn, huyện Kỳ Sơn, cướp đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội. Gần đây nhất là vào lúc 7h sáng 21/10 tại bến đò Kẻ Ninh xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu con đò chở 15 học sinh trường THCS Châu Hạnh do chở quá tải nên khi ra giữa sông Hiếu đã lật úp. Cả 15 em học sinh đều rơi xuống sông, tuy không có phao nhưng may mà nhiều em biết bơi nên tự cứu đưa nhau vào bờ an toàn.
Nghệ An có hệ thống đường thuỷ nội địa đa dạng và phức tạp, với 13 con sông lớn nhỏ, tổng chiều dài trên 1.000km. Ngoài ra, còn có 92km bờ biển, 6 cửa lạch biển và một số luồng tuyến thuỷ nội địa từ bờ ra đảo Mắt, đảo Ngư… Các tuyến sông nhiều đoạn có độ dốc lớn, do sự phân lưu và hợp lưu của các nhánh sông, về mùa mưa nước chảy xiết tạo thành nhiều dòng xoáy. Thực tế là vậy, thế nhưng hầu hết các bến đò ở Nghệ An lại chưa được chính quyền quan tâm đúng mức. Đường xuống bến đều có độ dốc lớn, lại không được đầu tư nâng cấp nên rất nguy hiểm, đã có những trường hợp khách đi đò lao thẳng cả xe máy, xe đạp xuống sông. Cơ sở hạ tầng tại các bến đò đã kém, phương tiện chở khách qua sông cũng không khá hơn, hầu hết đều nằm trong tình trạng quá đát, xuống cấp, nhiều phương tiện chưa qua đăng kiểm vẫn cứ hoạt động bình thường. Ở một số địa phương, đặc biệt là khu vực miền núi nhiều bến đò người dân vẫn sử dụng các phương tiện tự chế không đảm bảo an toàn để chở khách. Điển hình như tại bến đò Môn Sơn – Lục Dạ ở Con Cuông người dân tự chế phương tiện chở khách và hàng là thuyền tam bản lắp động cơ 16 – 26 mã lực, chưa qua đăng kiểm, không đảm bảo an toàn.
Báo động hơn là tình trạng buông lỏng trong quản lý ở một số địa phương, nhiều vi phạm ở các bến đò ngang không được nhắc nhở, kiểm tra xử lý kịp thời. Nhiều bến đò người điều khiển phương tiện chở khách chưa hề được đào tạo về chuyên môn. Nhiều đò quy định chỉ được chở tối đa 12 người, nhưng vào giờ cao điểm một chuyến đò có thể chở từ 30 – 40 người. Còn chuyện người dân không mặc áo phao cho dù trên đò có áo phao là tình trạng khá phổ biến trên những chuyến đò ngang. Khi được hỏi vì sao không mặc áo phao, một người dân đi đò qua sông Lam hồn nhiên cho biết: “Áo phao bẩn, mặc vào người nóng rất khó chịu, ngày nào cũng đi qua sông không mặc áo phao nhưng có thấy ai nhắc nhở gì đâu, ở đây mọi người đi đò đều như vậy cả”.
Cần siết chặt quản lý
Tỉnh Nghệ An đã thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế thấp nhất những tai nạn do các chuyến đò ngang gây ra. Cụ thể là từ năm 2003 song song với việc đầu tư nâng cấp các phương tiện cũng như hạ tầng tại các bến đò tỉnh mở các lớp tập huấn và cấp chứng chỉ chuyên môn cho những người điều khiển phương tiện. Ông trần trọng Thắng, phó Chánh thanh tra Sở GTVT Nghệ An cho biết: Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc từ các chuyến đò ngang hàng năm đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đều có các đợt kiểm tra theo định kỳ, đột xuất hoạt động của các bến đò ngang trên địa bàn tỉnh. Đình chỉ hoạt động các bến đò, các phương tiện chở khách không đảm bảo an toàn”.
Những vụ đắm đò, những cái chết thương tâm của người dân Nghệ An liên tục xảy ra trong thời gian gần đây đang dóng lên một hồi chuông báo động về sự mất an toàn từ những chuyến đò ngang. |
Hiểm họa tiềm ẩn từ những chuyến đò ngang
2