Festival lúa gạo được tổ chức tại ĐBSCL đã thành công rực rỡ. Hạt gạo đã được tôn vinh đúng như nó đáng được hưởng. Nhà nông được tôn vinh. Nhà khoa học được tôn vinh. Nhà DN được tôn vinh. Nhà nước được tôn vinh. Nhưng có một “nhà” có công vô cùng lớn cho việc đưa hạt gạo Việt Nam đến đỉnh điểm vinh quang trên thị trường lúa gạo thế giới dường như đang bị hắt hủi, thậm chí còn bị kỳ thị. May thay, không phải ai cũng nghĩ như vậy và không phải ai cũng ứng xử như vậy. Nhân dịp này, nhà báo trần trọng Thức đã có một bài báo có tựa đề “Cảm ơn người hàng xáo” đăng trên Vietnamnet nói về họ. Cái tên “hàng xáo” nghe có vẻ lạ lẫm với nhiều người. Họ là những thương nhân nhỏ lẻ, len lỏi đến nững nơi xa xôi nhất, những hộ nông dân nghèo nhất để khơi luồng cho dòng chảy của thị trường lúa gạo, kể cả những kênh thị trường nhỏ bé li ti như những vi mạch trong huyết quản con người. Họ đến từng nhà nông dân mua từng giạ lúa rồi gom góp lại bán cho các chủ vựa, những thương lái. Hàng xáo là những người luôn bám sát ruộng đồng, thậm chí họ còn ứng vốn cho nông dân làm vụ mùa… những việc mà không phải nhà DN nào cũng làm được. Theo GS Võ Tòng Xuân thì đội ngũ “hàng xáo” này đã giúp cho trên 90% lượng lúa gạo của bà con nông dân ĐBSCL đến với thị trường.
Là một nhà báo kinh tế đã thành danh từ hàng chục năm nay, chính vì thế trần trọng Thức mới có thể đủ thông tin, kiến thức và bản lĩnh mà viết: “Thế mà hàng xáo đang chịu nhiều ức chế tâm lý vì cách nhìn phiến diện rằng họ chỉ là người trung gian kiếm lời, ăn chặn của nông dân. Có đúng như vậy không khi kinh doanh lương thực hiện nay khởi đầu bằng việc các “ông lớn” trong ngành lúa gạo tính toán lợi nhuận kỹ càng để “ra giá” mua cho thương lái, rồi thương lái “ra giá” lại để hàng xáo làm chân rết vào tận ruộng đồng trực tiếp mua lúa của nông dân. Có thể nói, người hàng xáo ở nông thôn chẳng khác gì người buôn thúng bán bưng ở các chợ, đa số không giàu, thì làm gì đủ khả năng để ép giá nông dân phải bán rẻ lúa gạo cho mình. Muốn biết hàng xáo có o ép nông dân hay không thì chỉ cần làm một bài toán chi tiết đi từ giá gốc của người sản xuất, khi ấy biết đâu sẽ lộ ra một sự thật phũ phàng rằng ép giá nông dân lại chính là các “ông lớn”. Khổ cho người thấp cổ bé miệng – là anh nông dân, chị hàng xáo – thì không thể hoặc không có điều kiện nói lên nỗi ức chế, cứ như là số phận đã an bài”. Lời cảm ơn tuy có phần muộn mằn ấy nhưng sẽ là niềm hạnh phúc lớn lao của hàng nghìn, hàng chục nghìn “người hàng xáo” đang từng ngày từng giờ kiếm sống và đem lại vinh quang cho đất nước. |
Lời cảm ơn muộn mằn
4