Cổ phần hóa DNNN và áp lực chuyển đổi

Sẽ đúng lộ trình

Tiến trình CpH DNNN sẽ được triển khai đúng lộ trình, ông phạm Viết Muôn, phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN khẳng định như vậy. Ông Muôn cho biết, trong những năm tiếp theo sẽ tiếp tục sắp xếp lại 1.000 DN, chủ yếu là CpH. Mục tiêu là đến cuối năm 2015 sẽ còn khoảng 400 DN 100% vốn Nhà nước, trong đó chủ yếu là các DN quy mô lớn, các tập đoàn, TCty Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, ngành nghề trọng yếu của nền kinh tế.


Xây dựng là một trong những ngành dẫn đầu về tốc độ CpH DNNN.    Ảnh: TB

Hai năm qua, đặc biệt là năm 2009, do ảnh hưởng của sự suy giảm trên thị trường chứng khoán, việc CpH DNNN đã chậm lại đáng kể, nên thời gian tới đây việc CpH sẽ được đẩy nhanh. “Việc CpH sẽ được đẩy mạnh theo nguyên tắc thị trường, tăng cường tính công khai, minh bạch trong xác định giá trị DN, bán đấu giá và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Việc sửa đổi các quy định về xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị lợi thế vị trí địa lý vào giá trị DN cho phù hợp cũng sẽ được tính tới, không để tiêu cực, thất thoát tài sản Nhà nước xảy ra”, ông Muôn nói.

Đây là một trong những nội dung căn bản nhất cần sửa đổi, bởi theo báo cáo của Cục phát triển DN (Bộ KH&ĐT), một trong những nguyên nhân khá căn bản khiến quá trình CpH chậm lại đó là do những khó khăn trong quá trình xác định giá trị DN, xác định giá trị lợi thế địa lý, đặc biệt là những TCty lớn, được Nhà nước giao quản lý và sử dụng nhiều đất đai và tài sản lớn.

Giải pháp tình thế

Tuy nhiên, thời điểm tất cả các DNNN phải chuyển đổi sang hoạt động theo Luật DN đang đến gần (1/7/2010). Chỉ còn 6 tháng để khoảng 1.500 DNNN sắp xếp lại, hoặc CpH, hoặc chuyển đổi thành Cty TNHH Nhà nước một thành viên. Áp lực rõ ràng là rất lớn, bởi dù chưa tính toán tới khía cạnh chất lượng, chỉ tính về số lượng, để thực hiện đúng lộ trình này, cũng không phải đơn giản. Thậm chí, cũng đã có ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về tính bất khả thi của nhiệm vụ quan trọng này.

trong khi việc CpH DNNN còn quá chậm chạp, đặc biệt trong 3 năm 2007 – 2009 thậm chí gần như giậm chân tại chỗ, với số DN được CpH trong năm 2007 là 150 DN, năm 2008 là 98 DN và năm 2009 chỉ là 40 DN (trong khi nhiệm vụ đặt ra cho giai đoạn 2007 – 2010 là 1.000 DN) và rất khó có thể đẩy nhanh trong 6 tháng tới, thì dường như gánh nặng chuyển đổi đang được dồn sang mô hình Cty TNHH MTV.

Ngay cả những DN trong diện CpH, như chỉ thị cách đây gần nửa năm của Thủ tướng, đến thời điểm 1/7/2010 mà chưa thể thực hiện CpH được thì trước mắt cũng sẽ được chuyển thành Cty TNHH MTV do Bộ, UBND cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu và sẽ CpH sau năm 2010. Các nông, lâm trường quốc doanh và các Cty lâm nghiệp cũng phải chuyển đổi thành Cty TNHH MTV.

Có lẽ cũng chính vì mốc thời gian mang tính tình thế này mà Bộ KH&ĐT đang soạn thảo Dự thảo Nghị định về chuyển đổi Cty Nhà nước thành Cty TNHH MTV và tổ chức quản lý Cty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, nhằm thay thế Nghị định 95/2006/NĐ-Cp liên quan vấn đề này. Áp lực thời gian không chỉ thể hiện rõ trong việc mở rộng đối tượng DN được chuyển thành Cty TNHH MTV, mà còn ở các quy định liên quan tới các điều kiện, cũng như trình tự chuyển đổi.

Nếu như ở Nghị định 95/2006/NĐ-Cp, yêu cầu đặt ra là DNNN độc lập tối thiểu phải có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, thì ở Dự thảo Nghị định mới không có các quy định về điều kiện liên quan đến vốn điều lệ. Tương tự, các quy định về trình tự, thủ tục, nguyên tắc xử lý vốn, tài sản, tài chính và lao động khi chuyển đổi cũng được đặt ra theo chiều hướng tạo thuận lợi hơn cho DN. Đặc biệt, đối với các Cty tạm thời chuyển đổi thành Cty TNHH MTV trước khi chuyển thành Cty Cp, không yêu cầu phải thực hiện xử lý tài chính, lao động, đất đai, nhằm giảm bớt công sức, thời gian, chi phí cho việc xử lý khi chuyển đổi và phù hợp với nguyên tắc mỗi DN chuyển đổi, CpH chỉ được xử lý lao động dôi dư một lần.

Tuy nhiên, liên quan tới các dự thảo quy định này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, sẽ khiến việc chuyển đổi phần nào chỉ mang tính hình thức, nhằm thực hiện đúng tiến độ, do vậy không thật sự có ý nghĩa. Bởi điều quan trọng nhất trong chuyển đổi, sắp xếp lại một DNNN không chỉ là “thay tên, đổi họ”, mà phải tạo bước chuyển trong quản lý, điều hành, cơ cấu lại DN nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh. Hơn thế, việc chuyển đổi lòng vòng đối với một DNNN thuộc diện CpH sẽ gây tốn kém về tiền bạc của Nhà nước, thời gian và nhân lực. Chính vì vậy, cần phải nhắc tới trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc để tình trạng sắp xếp, đổi mới DNNN chậm tiến độ. Các cơ quan này phải chịu trách nhiệm rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể và giải trình xin Quốc hội gia hạn thời hạn chuyển đổi các DNNN.

Áp lực là không hề nhỏ, không chỉ trong thời gian từ nay tới 1/7/2010, mà là làm sao hoàn thành lộ trình CpH DNNN, để tới năm 2015 chỉ còn khoảng 400 DN còn 100% vốn Nhà nước. Những kết luận thanh tra về việc CpH Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông, cũng như những bài học kinh nghiệm tương tự như việc CpH Cty Kem tràng Tiền… đã một lần nữa cho thấy, còn khá nhiều kẽ hở pháp lý trong các quy định về CpH đang cần được lấp đầy. Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân cơ bản nhất khiến việc CpH chậm lại chính là ở việc thiếu một hành lang pháp lý đủ mạnh và đồng bộ.

Áp lực trong 6 tháng tới có thể cho phép chúng ta tạm chấp nhận những giải pháp tình thế, chấp nhận việc sắp xếp, đổi mới DNNN chỉ mang tính hình thức. Song, yêu cầu cơ bản nhất trong thời gian tới vẫn là làm sao phải nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác quan trọng này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *