Trang chủ » Gặp những người “làm ra ánh sáng” trên dòng Sê San

Gặp những người “làm ra ánh sáng” trên dòng Sê San

by Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Một ngày giáp tết Canh Dần, chúng tôi tìm đến với cái nắng cái gió Tây Nguyên, với “dòng sông năng lượng” Sê San – nơi có 6 thủy điện lớn nhỏ ngày đêm mang nguồn điện góp phần vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Thủy điện Sê San 4 nằm ở xã La O, huyện Ta Grai (Gia Lai) và xã Yaly, huyện Sa Thầy (Kon Tum), khi chúng tôi đến là những ngày anh em công nhân đang hoàn thiện để đưa tổ máy số 3 vào hoạt động, ngày 5/1/2010.

Để đến Sê San 4, từ pleiku chúng tôi lần lượt qua những buôn làng, những khu tái định cư của hàng vạn hộ dân nhường đất “vì dòng điện ngày mai của tổ quốc”. Con đường dài 70km ấy được trải nhựa láng bóng và rộng rãi. Chưa đầy 1 giờ sau chúng tôi có mặt tại Ban điều hành thủy điện Sê San 4. Cuối năm cũng là lúc mọi công việc đang gấp rút để đưa tổ máy số 3 vào hoạt động nên ai cũng tất bật. Ấy vậy nhưng thấy phóng viên “báo Xây dựng nhà mình” từ Sài Gòn lên, Ban điều hành vui vẻ “tình nguyện” hướng dẫn chúng tôi đi tham quan công trình.

Có mặt trên đỉnh đập với độ cao 211,9m so với lòng hồ và xung quanh mênh mang là nước của hồ thủy điện có diện tích 58,4km2, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự hoành tráng của Sê San 4. Là công trình lớn thứ hai trên sông Sê San sau thủy điện Yaly, Sê San 4 công suất 360MW khởi công ngày 26/12/2004, có vốn đầu tư 5.545 tỷ đồng. Các nhà thầu thi công và lắp máy là những đơn vị có kinh nghiệm làm thủy điện hàng đầu Việt Nam, đó là Sông Đà và LILAMA. Khi hoàn thành, Sê San 4 sẽ góp phần cung cấp 720 nghìn KWh cho lưới điện quốc gia.

trên đỉnh đập tràn nắng chiều lộng gió, kỹ sư Bùi Văn Quỹnh chỉ cho chúng tôi những hạng mục công trình. trong lúc ông say mê nói, đôi mắt trên khuôn mặt rám nắng bừng sáng, bàn tay gân guốc chỉ về các vị trí trên công trường, ở ông toát lên niềm đam mê làm thủy điện, lúc này chúng tôi như học trò còn ông như người thầy gần gũi. Gắn bó với thủy điện hàng chục năm nay, với ông, những khó khăn trong thi công đều là “chuyện nhỏ”, nhưng đối mặt với những cơn lũ lại là chuyện không hề nhỏ chút nào. Ông nói khi thi công và kể cả nhà máy đã đi vào hoạt động thì việc “thắng” lũ là làm hao tâm tổn sức những người làm thủy điện nhất. Giây phút chạy không tải của các tổ máy cũng là giây phút hồi hộp xen chút lo âu, cho dù ai đã qua nhiều lần như vậy cũng không tránh khỏi được cảm giác này. Nhưng rồi sự thành công sẽ khiến sự lo lắng vỡ òa trong sung sướng, vui và hạnh phúc với nghề lắm.

Men theo sườn núi chúng tôi xuống từng buồng chứa các khoang máy, những chiếc tuốc-bin, máy bơm “khổng lồ”. Chợt có tiếng nói nhỏ bên tai tôi, đó là anh công nhân của Lilama 10 Nguyễn Văn Tăng, người Hà Nội, theo công trình từ những ngày đầu lắp máy cho Sê San 4, kể: “Những người thợ lắp máy không chỉ cần có sức khỏe mà còn cả sự khéo léo để đạt độ chính xác cao trong công việc. Cùng đó khi thi công, Cty áp dụng những công nghệ hiện đại không tốn sức lao động mà đạt hiệu quả cao”. Anh Tăng có nhiều kỷ niệm trên công trình Sê San 4, là người thợ lắp máy, chấp nhận xa quê đi đây đi đó nhưng anh lại không muốn xa người vợ trẻ, vậy là anh đưa vợ vào Tây Nguyên làm cùng, gửi cô con gái nhỏ lại quê nhà cho ông bà chăm nom. Tết này, công trình gần xong lại có thêm khoản thưởng của BĐH dự án, anh chị được cùng nhau về sum họp với gia đình và chuẩn bị tới công trình mới. Vui, nhưng nghe sao giọng anh có chút bâng khuâng khi nói về ngày chia tay Sê San 4. Lilama10 hiện đang có gần 20 công trình trên cả nước. Vợ chồng anh Tăng là một trong hàng chục nghìn lao động của Cty, hết công trình này lại tới công trình khác. Anh tâm sự: “Sau tết, vợ chồng tôi tiếp tục gửi con cho bố mẹ để vào Đắk Lắk, nơi ấy có thủy điện Sêrêpôk3. Xa con nhỏ nhớ lắm nhưng vì cuộc sống nên cả nhà chấp nhận hy sinh một chút. Ngoài Bắc Cty cũng có nhiều công trình nhưng do yêu cầu tiến độ của công trình nên chúng tôi được bổ sung về Sêrêpôk3. Làm nghề này, khi công trình hoàn thiện thì mình lại lên đường tới những công trình mới. Mỗi nơi chỉ ở trong một khoảng thời gian ngắn nên anh em công nhân đa số về quê lấy vợ, chứ con gái ở địa phương có công trình hiếm ai dám có tình cảm với người thợ nay đây mai đó lắm. Và vợ có thể theo chồng đi công trường chứ con nhỏ thì không thể, cho nên có thể chỉ tới khi hết tuổi lao động thì người thợ như tôi mới được sum vầy với gia đình hàng ngày được”.

Từ phòng điều hành của nhà máy, chúng tôi bao quát được toàn bộ nhà máy bằng hệ thống camera. Tại đây chúng tôi làm quen với trưởng ca vận hành nhà máy, người nắm trái tim thủy điện mỗi ca trực – anh Đoàn Văn Bảy. trò chuyện với chúng tôi nhưng mắt anh không rời những màn hình trước mặt. Anh được chuyển từ thủy điện Yaly sang đây, kể từ đó đã 4 năm anh chưa về đón tết cùng gia đình, năm nay cũng vậy, làm việc trong nước mà việc về đón tết với gia đình còn khó hơn người đi xuất khẩu lao động.

Chiều buông, thật tiếc chúng tôi không có nhiều thời gian để được trò chuyện với những người công nhân vui tính và tình cảm. Chia tay Sê San 4, chia tay những người thợ yêu nghề nhưng trong tôi lại chợt nghĩ: chúng ta không xa nhau đâu vì từng ngày từng giờ cả nước đang sử dụng hàng triệu ki-lô-oát điện, trong đó có dòng điện từ Sê San 4.

You may also like

Leave a Comment

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Chúng tôi thực hiện sứ mệnh kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, cùng nhau xây dựng một nền kiến trúc bản địa vững mạnh, hòa nhập với dòng chảy quốc tế. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành cùng giới kiến trúc, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.