Đêm giao thừa năm mới Dương lịch 2010, trên công trường xây dựng Nhà máy thuỷ điện Nậm Ly 1 tại xã Quảng Uyên, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, chúng tôi nâng cốc cùng vui chung với cán bộ công nhân Cty Cp Công nghiệp xây dựng Toàn phát. trời như chiều lòng người, mấy hôm trước còn rét lạnh hôm nay ấm hơn và gió xuân hây hây thổi về. Bên kia dòng Nậm Ly, mấy đốm đèn của nhà dân thôn Nậm Choong đã tắt, chỉ còn bóng núi đen thẫm. Những tàn than cuối cùng trong đống củi mà anh em đốt mừng năm mới chốc chốc lại sáng đỏ. Những chàng trai mới chập tối cuồng nhiệt nhảy múa quanh ngọn lửa hồng, giờ cũng đã say ngủ. Ngày mai, 1/1, họ còn phải ra quân đầu năm cho mục tiêu tháng 10 phát điện Nhà máy.
Chúng tôi quay sang với ông Nguyễn Ngọc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Toàn phát: “Nhìn anh em nhảy múa, thấy mình như sống lại lứa tuổi hai mươi. Rừng xanh núi đỏ, nếu không có sức trẻ, ta chẳng làm được gì Vinh ạ”. Cuối buổi chiều ở công trường, tôi gặp Nguyễn Văn Hai, thợ sắt. Năm nay 21 tuổi, Hai quê ở xã Hà Kỳ, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương). Biết chúng tôi là khách, Hai hồ hởi mời: “Tối nay mời các chú uống rượu, liên hoan văn nghệ cùng chúng cháu”. Lên Nậm Ly 1 từ mùng 4 tết Kỷ Sửu, cho đến nay Hai chưa một lần về thăm nhà. “Tết này về chứ” – tôi hỏi. “Vâng, Tết này cháu về”. “Thế đã có vợ chưa?”, “Cháu mới có người yêu ở quê. Chắc độ cuối năm thì cưới”. Cũng trong cuộc vui ở Nậm Ly, tôi gặp Lường Văn Tiêng, người Thái quê ở xã Nậm păn, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Biết chúng tôi hay lên Mường La, vào đại công trình thủy điện, Tiêng cứ xuýt xoa hỏi thăm quê nhà đã đổi thay ra sao và tâm sự: “Cháu nhớ nhà quá. Đã hai năm nay không về”. Tôi nắm bàn tay chai sạn của Tiêng thật chặt, nhắn rằng Mường La thay đổi nhanh lắm, cuối năm nay tổ máy số 1 thủy điện Sơn La phát điện. Tiêng cười thật vui, nói: “Thì cuối năm nay nhà máy của chúng cháu cũng phát điện nữa mà”. Tiếp lời công nhân của mình, TGĐ Nguyễn Ngọc Vinh khẳng định chắc nịch: “Điều đó sẽ là hiện thực” và cho biết thêm: sau Nậm Ly 1, Toàn phát sẽ làm Nậm Ly 2. Và trong năm nay, cùng với việc tham gia xây dựng thủy điện Bắc Giang ở huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, Toàn phát sẽ tổng thầu xây dựng thủy điện Tà Co công suất 32MW tại huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. “Cơ duyên nào mà các anh chọn thủy điện chứ không phải các dự án xây chung cư dưới phố?”. trả lời câu hỏi của tôi, Vinh kể đó là nghiệp của mình. Đang là một trưởng phòng loại cứng của TCty Sông Đà, mấy năm trước, Vinh cùng một số bạn bè cùng chí hướng đứng ra thành lập Cty xây dựng. Đầu tiên chỉ là xây cất dân dụng, làm một số công trình phụ trợ ở thủy điện Sơn La. Qua mấy năm vất vả, đến nay Toàn phát đã có đội ngũ khoảng 500 cán bộ, kỹ sư và công nhân, với hơn 20 đầu xe tải, hàng chục cần cẩu, máy xúc, máy ủi các loại, trạm trộn bê tông, tham gia xây dựng nhiều dự án thủy điện. Thật sự có ấn tượng về Nguyễn Ngọc Vinh vào sớm mồng 4 Tết Kỷ Sửu, khi chúng tôi gặp Vinh trực tiếp chỉ đạo đổ bê tông đập thủy điện Nậm Chiến 2 ở huyện Mường La. Lúc đó, Toàn phát đang là một nhà thầu chủ lực xây dựng Nhà máy thủy điện Nậm Chiến 2 (công suất 32MW), mà chủ đầu tư là Cty Cp xây dựng và phát triển điện Tây Bắc. Sức trẻ cộng với kinh nghiệm và bản lĩnh của người đi trước chính là yếu tố quyết định thành công của nhiều DN hiện nay, mà Điện Tây Bắc là một ví dụ. trong mấy năm qua, chúng tôi đã nhiều lần rong ruổi trên nẻo đường Mường La – Sông Mã với các kỹ sư trẻ của Cty này. Một lần cùng đi sông Mã đầu xuân Kỷ Sửu, kỹ sư Lương Ngọc Lượng, phó tổng giám đốc Cty ước ao với tôi rằng mong có được một khoảng thời gian để dẫn cậu con trai còn bé thả diều trên đồng đất Thái Bình. Lượng xuýt xoa: “Làng cháu ai cũng chơi diều. Ông cháu, bố cháu làm diều rất giỏi… đến cháu chắc không ai chơi diều nữa, vì bận quá”. Lương Ngọc Lượng cũng là người của Sông Đà, từng tham gia nhiều công trình xây dựng thủy điện. Ở Lượng và nhiều anh em khác trên công trường, khẩu hiệu “Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc” là động lực phấn đấu, vươn lên. Chúng tôi đã từng chứng kiến lần Lượng tranh thủ về thăm nhà: đi xe Cty về đến Hà Nội đã 4 – 5 giờ chiều, ra ngay Giáp Bát nhảy xe về thăm vợ con. 5 giờ sáng hôm sau lại nhảy xe lên Hà Nội làm việc. Đầu xuân Kỷ Sửu đó, Lượng cứ ao ước có được phút thảnh thơi, nằm trên sân gạch, ngắm nhìn trời sao. Chúng tôi hỏi Lượng: “Này, bạn có biết sao Thần Nông không?”. “Có chứ, có điều con cháu bây giờ chỉ toàn thấy đèn điện thôi. Nhìn sao Thần Nông khó quá”. “Vậy ở Tây Bắc có thấy không?”. “Thấy chứ ạ”. Chúng tôi hẹn cùng nhau vào đầu tháng 7 cùng lên Nậm Chiến ngắm sao. Vậy mà cuối cùng cũng không thành. Lượng cũng bận và chúng tôi cũng bận. Còn bây giờ đã lại sắp tới xuân Canh Dần. trong đêm giao thừa của năm mới 2010, từ Xín Mần tôi gọi điện thoại cho Lương Ngọc Lượng. Lượng đang ở Nậm Công và khoe với tôi: “Chiều nay chúng cháu vừa tổ chức trồng cây đón năm mới và cũng là chuẩn bị mừng phát điện hai nhà máy”. Tôi nhắc lại lời hứa cùng nhau ngắm sao Thần Nông và hẹn nhau mùa hè năm nay cố gắng thực hiện. Nhưng năm nay ngắm sao Thần Nông ở đâu hả Lượng? Ở Bắc Yên (Sơn La) hay Tuần Giáo (Điện Biên), nơi Lượng sẽ đến? Còn lúc này Xín Mần đã về khuya. Chúng tôi nhìn lên bầu trời ấm áp, ngửa mặt đón những ngọn gió xuân nồng nàn và tin chắc một điều rằng ở trên trời cao, đêm đêm ông Thần Nông vẫn nhìn xuống mặt đất. Chúng tôi hy vọng ông biết rằng có những người trẻ tuổi đất Việt, dù đang phải vất vả với những công trình xây dựng nơi rừng xa, núi cao, vẫn nhớ tới ông và luôn ước ao có những giờ phút thư thái, để nhìn dải Ngân hà, nhìn con vịt đang lội sông và nhìn vị thần phù hộ cho người dân Việt Nam một năm mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa. Ông Thần Nông vẫn đang nhìn chúng ta và nhìn các công trình kinh tế – xã hội mà các bạn đang khát khao cống hiến cho đất nước. |
Ông Thần Nông vẫn nhìn xuống mặt đất
0
previous post