1 Đang lụi cụi ở hiện trường thi công thủy điện Bản Chát (Lai Châu) để tìm góc chụp đẹp về người LICOGI đang hối hả thi công bê tông đầm lăn (RCC) khối R1, R2 hạng mục đập, bất chợt chúng tôi bắt gặp cầu vồng. Đó chẳng phải là cầu vồng lớn mọc trên trời cao sau cơn mưa mà là cầu vồng nho nhỏ, là là mặt đất, giữa trời nắng chang chang. Sắc màu cầu vồng hơi nhạt nhòa, lọt thỏm giữa không gian rộng lớn của hiện trường, lẫn vào thiết bị, máy móc. Nhưng bằng đó cũng đủ để chúng tôi bật lên những lời cảm thán: “Ối ối, cầu vồng!”.
Người công trường nãy giờ vốn chẳng mấy để mắt đến sự xuất hiện của những người khách lạ – chúng tôi – bấy giờ cũng mủm mỉm cười. Với họ, sự xuất hiện của cầu vồng chẳng có gì ghê gớm, ngày nào chẳng có. Đơn giản đó chỉ là hiện tượng tán sắc của ánh sáng từ mặt trời khi khúc xạ và phản xạ qua các giọt nước mưa. Công trường những ngày này không mưa, nhưng theo yêu cầu kỹ thuật của công tác thi công RCC, hiện trường được tăng cường độ ẩm bằng hệ thống giàn phun sương hiện đại. Vậy nên, công trường trắng bồng bềnh hơi sương và chẳng hiếm khi xuất hiện cầu vồng.
2 Thực ra công trường thủy điện Bản Chát do TCty LICOGI làm tổng thầu xây lắp đâu chỉ có hạng mục đập. Người LICOGI lúc này đồng thời đảm nhiệm triển khai nhiều hạng mục khác như thi công hố móng bờ phải và bờ trái, xử lý hố móng lòng sông, hố móng nhà máy, gia cố mái hố móng… Song đúng là hiện trường thi công RCC đã cuốn hút chúng tôi một cách đặc biệt. Ngay từ xa, chúng tôi dễ dàng nhận thấy vóc dáng hoành tráng của dây chuyền thi công RCC công suất 500m3/h. Từ hệ thống trạm lạnh và trạm trộn trên đỉnh núi, bê tông được dẫn theo băng chuyền qua ống áp suất âm dài đến 80m, dốc hơn 400, xuống đến khối trộn lại (giúp bê tông không bị phân tầng) rồi tiếp tục theo băng chuyền hoặc xuống máy rải hoặc xuống ôtô chờ sẵn ở dưới hiện trường và đưa đến khối đổ. Dây chuyền càng bắt mắt hơn bởi màu đỏ cam mới tinh khôi rực rỡ khoe trong nắng. Các thiết bị “phụ trợ” khác như ôtô, xe ủi, xe lu cũng vậy. Tất cả đều tươi tắn màu sơn mới. Khi lại gần hiện trường, bước lên lớp bê tông có lẽ mới được thi công chưa lâu, chúng tôi cảm nhận dưới đế giày, bê tông mềm mềm, êm êm, âm ấm, cứ như thể đang bước trên một lớp thảm công nghiệp. Hấp dẫn chúng tôi hơn cả vẫn là không khí làm việc khẩn trương, hối hả của những người khoác áo LICOGI. Người tập trung điều khiển thiết bị cơ giới. Một số khác bộn rộn tay xẻng, hỗ trợ thiết bị san gạt bê tông vừa được ôtô xả xuống vẫn còn nghi ngút hơi. Chẳng biết có phải vì thấy chúng tôi lăm lăm máy ảnh không mà hai người thợ trẻ có nhiệm vụ phun hơi nước tăng cường cho hiện trường lại vác máy phun một cách đầy kiêu hãnh, thao tác một cách điệu nghệ. trong khi đó, một nhóm đồng nghiệp của hai người thợ trẻ này thì lặng lẽ, cần mẫn thấm từng lượng nước đọng trên bề mặt bê tông. Mỗi người mỗi việc nhưng tất cả đều phối hợp nhịp nhàng, ăn ý.
3 Chúng tôi rất khó bắt chuyện với người trên công trường bởi đang trong ca làm việc, kỷ luật công trường yêu cầu họ tập trung cao độ. Sau này, trò chuyện với anh Nguyễn Việt Hùng – Giám đốc Ban điều hành dự án thủy điện Bản Chát LICOGI 16.6 – chúng tôi được biết công trường thi công RCC 3 ca liên tục, giao ca sống, tức là thiết bị máy móc vẫn nổ máy ngay cả trong quá trình giao ca, nhằm tận dụng tối đa hiệu quả làm việc của con người và thiết bị. Anh Hùng bả Ở các hạng mục khác, công trường khác, việc chủ đầu tư hò hét nhà thầu làm ca ba rát bỏng cổ. Nhưng ở công trường này, dù có bảo người lao động không làm ba ca thì họ cũng chẳng chịu. Bởi khác với bê tông thông thường, thi công RCC cho phép rải thảm liên tục các lớp bê tông dày 30cm chồng lên nhau, càng nhanh càng tốt. Thành ra không khí thi công trên công trường lúc nào cũng khẩn trương, vội vã. Nếu chẳng may có sự cố nào đó xảy ra, việc thi công bị ngắt quãng quá 20 giờ, bê tông đông kết khi đó buộc phải dừng rải thảm lớp mới để xử lý nhám như bề mặt bê tông đã cứng. Việc khắc phục đó vừa mất nhiều thời gian, vừa gây tốn kém, vừa giảm năng suất lao động, ảnh hưởng trực tiếp tiến độ chung của công trường, đến thu nhập của người lao động. Nghe anh Hùng phân tích, chúng tôi chợt hiểu, tết Canh Dần này và cả tết năm sau nữa, một bộ phận người LICOGI chắc chắn sẽ ăn tết tại Bản Chát. Theo dự kiến, người LICOGI sẽ hoàn thành thi công RCC toàn bộ đập của công trình với khối lượng 1,7 triệu m3 trong thời gian 25 tháng. Mà việc thi công RCC mới được khởi động từ cuối tháng 10/2009.
4 Nếu hiện trường thi công RCC đập của công trường thủy điện Bản Chát hấp dẫn chúng tôi bởi vẻ hiện đại, mới cáu của thiết bị, sự kỷ luật, hăm hở, say mê công việc của người lao động thì câu chuyện với ông Bùi Dương Hùng – Chủ tịch HĐQT LICOGI 16, đơn vị đã mạnh tay đầu tư hơn 300 tỷ đồng cho dây chuyền RCC để thi công đập thủy điện lớn thứ 2 Việt Nam, sau thủy điện Sơn La – cũng cuốn hút không kém. Ông Hùng kể, LICOGI 16 từng tham gia nhiều công trình thủy điện và đã có kinh nghiệm thi công ở nhiều hạng mục như đào đắp vai đập, cống dẫn dòng, nhà máy… Song đây là lần đầu tiên LICOGI 16 nói riêng, TCty LICOGI nói chung đảm nhiệm thi công đập với công nghệ RCC. Để chuẩn bị tốt cho công tác này, những năm trước Cty đã đưa người đi học tập kinh nghiệm ở nhiều công trường thi công RCC trong và ngoài nước. Cty sớm nhận ra việc huy động vốn đầu tư không quá khó, bởi trên thị trường LICOGI 16 là một thương hiệu mạnh có uy tín. Cái khó chính là lựa chọn dây chuyền công nghệ nào để bài toán đầu tư hợp lý và hiệu quả. Sau rất nhiều cân nhắc, cuối cùng LICOGI quyết định lựa chọn Viện Máy và dụng cụ công nghiệp (IMI, Bộ Công nghiệp) chế tạo trạm trộn nội địa hóa có sử dụng hệ điều hành và khối trộn tốt nhất thế giới. Hãng KTI của Đức thì cung cấp trạm lạnh và hãng Rotec của Mỹ cung cấp hệ thống băng tải. Ông Hùng tự hà Có thể nói, dây chuyền RCC của Bản Chát hiện đại hàng đầu Việt Nam. Dây chuyền này sở hữu ống áp suất âm dài nhất thế giới, sở hữu hệ thống băng tải duy nhất ở Việt Nam có trạm trộn lại sau ống áp suất âm nhằm tránh cho bê tông bị phân tầng trước khi được đưa xuống máy rải. Và đây cũng là máy rải RCC duy nhất ở Việt Nam. Với tầm với 28m, quay 3600, máy rải có thể đứng một chỗ mà vẫn thi công được ở nhiều góc khác nhau. Hơn thế, máy rải cho phép giảm thiểu tải trọng động trên mặt đập do không cần ôtô vận chuyển bê tông trên mặt đập nữa.
5 Câu chuyện với ông Bùi Dương Hùng càng thêm hấp dẫn khi ông tiết lộ: Dẫu làm chủ dây chuyền công nghệ đồng bộ, tiên tiến song LICOGI 16 vẫn rất thận trọng và cầu thị nên đã mời hãng Conincon Thụy Sỹ làm tư vấn giám sát toàn bộ quá trình đầu tư, lắp đặt, vận hành thi công. “Họ thẩm định đến từng tấm cốp-pha” ngay cả khi những tấm cốp-pha tấm lớn ấy do chính Cty con của LICOGI 16 là Cty Cp Cơ khí LICOGI 16 sản xuất. Và cốp-pha không phải là sản phẩm “cây nhà lá vườn” duy nhất được LICOGI 16 đưa vào sử dụng ở Bản Chát. trong thành phần cốt liệu của bê tông RCC có sử dụng một lượng lớn phụ gia khoáng tro bay của Nhà máy sản xuất tro bay phả Lại. Mà nhà máy này có phần vốn đầu tư của Cty LICOGI 16.
Với những gì được chứng kiến, chúng tôi hiểu: Chẳng phải ngẫu nhiên, cầu vồng xuất hiện mỗi ngày trên công trường thủy điện Bản Chát! |
Cầu vồng ở Bản Chát
1