Singapore là đất nước nổi tiếng ở Châu Á về việc phát triển và giải quyết tốt vấn đề nhà ở xã hội cho người dân. Để có được kết quả này, từ những năm 1960, Singapore đã thiết lập những định chế rất quan trọng trong việc quy hoạch và phát triển nhà ở giá thấp. trong đó đáng chú ý là phương châm “lấy lợi nhuận để tái đầu tư”. Theo phương châm này, Chính phủ buộc chủ đầu tư phải dành một khoản tiền hoặc một phần lợi nhuận để xây dựng nhà cho dân khi tiến hành xây dựng khu công nghiệp hay khu thương mại. Hiện nay, số lượng nhà xây cho dân ở Singapore bằng ngân sách nhà nước chiếm hơn 85%, còn doanh nghiệp tư nhân chỉ khoảng 15%. Tiền để xây nhà bán cho dân (tất nhiên không theo giá kinh doanh) chủ yếu lấy từ khoản thu các công trình xây dựng trên vùng đất bị giải toả. Khi xây dựng khu dân cư mới, hạ tầng (kỹ thuật và xã hội) phải được kết nối với các vùng xung quanh và chu đáo tạo cho người dân yên tâm khi về nơi ở mới. Ngược lại, các tổ chức tư nhân tham gia vào xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước và các thủ tục hành chính rõ ràng và được thực hiện nhanh chóng.
Từ năm 1960, Singapore đã thành lập Cơ quan phát triển nhà ở chuyên phụ trách về quy hoạch quỹ đất, xây dựng và trợ cấp cho vay đối với người mua nhà giá thấp và Quỹ Tiết kiệm trung ương phụ trách chỉ đạo các tổ chức tuyển dụng lao động đóng 13% và người lao động đóng góp lương hàng tháng 20% vào quỹ như một khoản tiết kiệm theo lãi suất ngân hàng để sử dụng mua nhà. Để giải quyết tận gốc các căn bệnh đô thị như tắc đường, ngập nước, ô nhiễm môi trường…, Chính phủ Singapore đã thực hiện việc quy hoạch rất nghiêm ngặt. Vào những năm xây dựng đất nước, mặc dù rất cần nhà đầu tư nước ngoài nhưng chính phủ vẫn mạnh dạn tuyên bố “không thu hút nhà đầu tư bằng mọi giá, phải kiểm soát được môi trường”. Theo thống kê mới nhất, hiện 91% người dân Singapore sở hữu nhà, trong đó có tới 83% người dân được sở hữu nhà ở giá thấp.
|
Lấy lợi nhuận tái đầu tư
4