Để xây dựng một KĐT hoàn chỉnh, ít nhất cũng phải mất 10 năm. trước hết là xây dựng hạ tầng, sau đó là xây dựng nhà ở. Có nghĩa là khi mua nhà rất nhiều người đã kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp mà ngay từ khi lập dự án, nhà đầu tư đã vẽ ra. Thế nhưng, kết quả kiểm tra mới đây trên địa bàn Hà Nội đã khiến cư dân tại những KĐTM thất vọng. Hàng loạt KĐTM đã thực hiện sai với quy hoạch ban đầu, thiếu nhiều hạng mục hạ tầng quan trọng như: trường học, khu vui chơi giải trí, nơi để xe (giao thông tĩnh)… Đơn cử, KĐTM Cổ Nhuế – Xuân Đỉnh, đông nam trần Duy Hưng… đã điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, làm hạn chế mục tiêu ban đầu của dự án, làm chậm tiến độ và thiếu đồng bộ trong đầu tư… Không chỉ riêng chủ đầu tư mà ngay cả người sử dụng công trình nhà ở thấp tầng như nhà vườn, biệt thự, liền kề cũng tự ý thay đổi thiết kế, quy mô công trình, dẫn đến sai khác so với quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt… Nguy hại hơn, việc phát triển nhanh các KĐTM, nhà ở nhưng thiếu quy hoạch chung đồng bộ dẫn đến việc giữa các dự án chưa có sự khớp nối về tổ chức không gian, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật gây ra hiện tượng ngập úng do đấu nối giao thông thoát nước chưa hoàn chỉnh. trên mặt đất thì như vậy, còn việc nghiên cứu khai thác phần ngầm càng không được chú ý. Khắp nơi người ta đang dựng lên những khối nhà bề thế mà chưa cần tính đến giải quyết các vấn đề giao thông cho tương lai. Nếu cứ như hiện nay, chỉ trong vòng 10 – 20 năm nữa, các KĐTM sẽ lặp lại tình trạng tắc nghẽn giao thông như Hà Nội cũ hiện nay. Mà rõ nhất, tình trạng tắc đường đã xuất hiện trên các trục đường “vàng” như phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Nguyễn trãi… Xây dựng những KĐTM là để cuộc sống của người dân được tốt hơn, để tương lai sau này các đô thị đẹp và hiện đại hơn. Thế nhưng, do buông lỏng quản lý, do lòng tham lợi nhuận mà người ta đã xây chồng lên phần đất “tương lai” của các khu ở mới này. Ở các nước phát triển, việc khai thác không gian ngầm là vô cùng quan trọng, nó đã giải quyết được từ 30 – 40% (có nơi còn chiếm đến 60%) nhu cầu đi lại của người dân. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khai thác phần ngầm đô thị không những tăng hệ số sử dụng đất, giảm tải giao thông trên mặt đất cho đô thị, mà còn góp phần không nhỏ nâng giá trị BĐS khu vực đó. Nhưng với tốc độ xây dựng như hiện nay (hàng trăm khối nhà đã và đang được xây dựng), mai này chắc chắn chẳng thể xây dựng được những hệ thống giao thông ngầm như mong muốn bởi sẽ vấp phải hàng vạn chiếc cọc bê tông đã luồn sâu trong lòng đất. |
Đóng cọc vào tương lai
1