Trang chủ » Mang nợ từ xứ Bạch Dương

Mang nợ từ xứ Bạch Dương

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Với hy vọng đi xuất khẩu lao động sang nước ngoài làm ăn và hy vọng thoát nghèo, một đoàn lao động ở huyện Quỳnh Lưu – Nghệ An cũng mơ mộng đổi đời. Ai ngờ đổi đời chẳng thấy đâu lại thêm nợ nần chồng chất. Còn doanh nghiệp đưa người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) cũng ậm ờ, đùn đẩy trách nhiệm…


Người  lao động từ Nghệ An kéo đến trụ sở Cty trường Sơn đòi nợ.  

Nước mắt người làm thuê

Tình cờ gặp chúng tôi tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội), 8 nông dân khuôn mặt đen nhẻm, thất thần và đầy mệt mỏi ngồi bệt xuống thềm ở nhà chờ bến xe khách. Anh Lê Khắc Nghệ (SN 1965) trú tại xóm 4, xã Quỳnh Xuân, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết: Suốt cả đêm hôm trước cả nhóm tranh thủ bắt xe ra Hà Nội đòi nợ. Nhà cửa đã thế chấp vào ngân hàng để vay tiền đóng thế chân và mua vé máy bay, làm các thủ tục đi nước ngoài đã quá hạn từ lâu. Ngân hàng luôn đòi xiết nợ, cứ lúc nào gay go quá, các anh lại xách túi ra Hà Nội, một là để “né” cán bộ ngân hàng, hai là đòi bằng được khoản nợ mà phía Cty Dịch vụ thương mại và xuất khẩu lao động trường Sơn (COOpIMEX CO.,Ltd) còn đang nợ. Ra Hà Nội, lúc đầu còn đến nhà người quen ở nhờ. Sau vào nhiều, ngại nên các anh cứ gặp đâu ngủ đấy. Chầu chực không đòi được nợ, các anh lại đi làm bốc vác, phu hồ dăm bữa rồi lại bắt xe về quê chờ. Thấm thoát đã gần một năm nay nhưng vẫn công cốc.   

Ông Vũ Văn Nhi (55 tuổi), bố của anh Vũ Văn Thức (26 tuổi) kể: Thấy cả làng cả nước đi XKLĐ, người đi Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật… Gia đình tôi cũng muốn cho cháu đi để hy vọng đổi đời. Nào ngờ, chuyến đi mang lại hậu quả cay đắng. Vào khoảng tháng 1/2008, anh Vũ Văn Thức cùng 7 người anh em hàng xóm đều trú tại xã Quỳnh Xuân thông qua môi giới là “cò” Nguyễn Thị Nga. “Cò” Nga đã thu của mỗi người 2.500 USD để đưa họ qua Nga làm việc. Sang được xứ sở Bạch Dương, nghỉ ngơi được vài ngày các anh đã phải làm việc như “trâu húc mả”. Tiếng là sang Tây nhưng các anh cũng vẫn chỉ làm việc cho mấy tay cai thầu người Việt làm ăn bên đó. Tất cả giấy tờ đều bị “thầu” Nguyễn Xuân Chiến giữ lại. Không giấy tờ tùy thân, các anh chỉ biết quanh quẩn bên khu nhà 17 tầng đang xây dở, ăn ngủ luôn tại đây. Thỏa thuận lao động là 8 tiếng/ngày nhưng thực tế các anh phải làm đến 12 tiếng/ngày. Vất vả suốt 8 tháng trời, nhưng các anh không biết đến một xu tiền lương. Ông Nhi đau đớn cho biết, để con “bay”, gia đình đã vay của Ngân hàng NN&pTNT huyện Quỳnh Lưu 20 triệu đồng, 15 chỉ vàng của người làng, phụ phí 5 triệu nữa. Vậy mà khi đi nước ngoài làm ăn không có lương, chủ lao động lấy cớ “suy thoái kinh tế” để trốn tránh trách nhiệm đùn đẩy người lao động. Chưa kể, một đằng làm việc bên Tây, người lao động lại đi từ bên ta, nên việc quy trách nhiệm là rất khó. Và cuối cùng, phải chịu “ăn qủa đắng. Nói đến đây, những giọt nước mắt của người cha già cứ lăn dài trên má…

trong 8 người nông dân mà chúng tôi gặp, ai ai cũng bức xúc. Việc nợ nần là hoàn toàn có thật. Nhưng ai giải quyết khoản nợ này, nhất là khoản tiền lương 8 tháng, tiền bồi hoàn, phá vỡ hợp đồng, tiền dịch vụ… ai sẽ trả? Cũng chính vì “thấp cổ, bé họng” , tin tưởng vào COOpIMEX CO.,Ltd mà hậu quả là cả gia đình mang nợ.

Đem con bỏ chợ

Qua điều tra, chúng tôi được biết, hiện nay COOpIMEX CO.,Ltd có Chi nhánh tại tổ 32, thôn Giáp Tứ, p.Thịnh Liệt, Q.Hoàng Mai, Tp Hà Nội do ông Nguyễn Văn Hòa làm Giám đốc. Theo nhiều người dân xung quanh cho biết, trong hơn một năm nay, tình trạng người lao động tìm đến khiếu nại có, chửi bới, mạt sát đòi nợ ngay tại Chi nhánh này là có thật. Hết đoàn này đến đoàn khác tìm đến yêu cầu ông Hòa phải trả tiền cho họ. Nhiều tai tiếng là vậy, song không hiểu sao, các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương không có động thái gì.

Làm việc với ông Nguyễn Văn Hòa –  Giám đốc chi nhánh Cty trường Sơn, ông Hòa thừa nhận việc 8 lao động ở Nghệ An đã nhiều lần ra đây đòi nợ là có thật. Có lần ông thấy “thương” nên cho họ ăn, uống, ngủ nghỉ. Nhưng khi nói về khoản tiền gần 3.000 USD mà ông thu của người lao động đi đâu thì ông Hòa cho biết, tiếng là thu được khoản tiền lớn, nhưng ông phải cắt lại phần trăm hoa hồng cho “cò” Nga. Còn lại dùng cả vào các việc khác như vé máy bay, tiền phần trăm của Cty… Nay số tiền đã hết rồi (!).

Khi được hỏi, việc người lao động phản ánh việc khi ký hợp đồng, phía Cty trường Sơn đợi người lao động ra sân bay Nội Bài rồi mới bảo họ ký vội vàng và điểm chỉ vào hợp đồng. Điều đó, vô hình trung làm cho người lao động không có thời gian suy nghĩ về các điều khoản và đương nhiên, bất lợi thuộc về họ. Ông Hòa khẳng định không có chuyện đó. phóng viên báo Xây dựng đã chỉ thẳng ra những “sơ hở” của Cty trường Sơn như: Nếu Cty và người lao động làm việc nghiêm túc, đàng hoàng thì không có lý do gì mà một hợp đồng quan trọng như vậy lại quên ghi ngày tháng năm ký kết; giấy tờ chủ yếu được đánh máy sẵn, người lao động  chỉ điền tên tuổi, địa chỉ vào, chữ viết hết sức nguệch ngoạc; về quyền lợi và nghĩa vụ… thì phần thiệt thòi chủ yếu là “gán” vào người lao động. Như vậy không thể nói có chuyện “thỏa thuận” hợp đồng (?).

Lý giải việc tại sao Cty trường Sơn vẫn chây ỳ, không chịu trả tiền cho người lao động, ông Hòa lại đổ lỗi cho… Bộ LĐTB&XH chưa có văn bản hướng dẫn.

Việc COOpIMEX CO.,Ltd có chức năng đưa người đi XKLĐ không hay chỉ biết thu tiền rồi đem con bỏ chợ cần được các cơ quan chức năng làm rõ. Nếu phát hiện sai phạm, phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật. tránh tình trạng như một số Cty chuyên “đi lừa” người nghèo, rồi đẩy họ vào con đường “đã khổ càng thêm khổ”.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.