Trang chủ » Rào cản thu hút dòng ngoại tệ vào thị trường BĐS

Rào cản thu hút dòng ngoại tệ vào thị trường BĐS

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Con số 140 Việt kiều mua được nhà tính đến cuối năm 2009 ở nước ta là quá khiêm tốn so với 4 triệu kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài. Giá cả và thủ tục vẫn là hai rào cản lớn để thu hút dòng ngoại tệ đổ vào thị trường BĐS.


Dù mong muốn về định cư tại Việt Nam nhưng Việt kiều vẫn chưa có cơ hội mua nhà (trong ảnh Việt kiều tham quan khu căn hộ cao cấp Sunrice City (Q.7, Tp.HCM).

Ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế

Đón đầu chính sách cho phép Việt kiều mua nhà, nhiều năm qua hàng loạt các dự án nhà đất thuộc dòng cao cấp tại Tp.HCM đã ra đời. Nhiều chuyên gia kỳ vọng rằng đây sẽ là một thị trường đầy tiềm năng, góp phần làm sôi động thị trường nhà đất. Thế nhưng thị trường này cho đến nay vẫn không như mong đợi. Đặc biệt là thị trường căn hộ cao cấp đang trong giai đoạn hết sức khó khăn, không ít các dự án đã hạ giá đến 40 – 50% nhưng vẫn ế ẩm.

Tại các trung tâm môi giới địa ốc, nhiều kiều bào đến nhờ tư vấn về thủ tục mua nhà đất. Tuy nhiên sau khi thăm dò thị trường và nghe ngóng tình hình nhiều Việt kiều đã chùn bước trước bức tường giá quá cao đến mức phi lý. Bà Nguyễn trần Lý – Việt kiều Australia tỏ ra ngạc nhiên khi được giới thiệu một căn hộ cao cấp tại Q.7 với giá gần 300.000 USD diện tích chỉ 150m2. Bà cho biết, giá như vậy là quá cao và không thể chấp nhận được, trong khi điều kiện sống, sinh hoạt và hạ tầng giao thông tại Tp.HCM kém rất xa Australia.

Giá nhà đất tại Tp.HCM dù đã sụt giảm mạnh so với thời điểm 2007 nhưng vẫn được đánh giá là rất cao so với các nước Australia, Mỹ, Canada, pháp. Bà Nguyễn Thị Lan, Việt kiều Mỹ nhận xét, dù rất muốn trở về Việt Nam sinh sống nhưng giá nhà đất đang là vấn đề mà bà phải cân nhắc. Bà Lan cho biết, với 200 ngàn USD tôi có thể mua một căn biệt thự tại Mỹ, nhưng ở Tp.HCM thì chỉ mua được một căn hộ cao cấp diện tích 150m2. Với giá nhà đất đắt đỏ như hiện nay nếu không điều chỉnh hợp lý thì sẽ là thách thức rất lớn cho những kiều bào muốn trở về định cư lâu dài tại Việt Nam.

Ngoài ra, khủng hoảng kinh tế cũng làm cho dòng tiền kiều hối sụt giảm ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch mua nhà của kiều bào. Năm 2009 lượng kiều hối về Việt Nam ước đạt 6,283 tỷ USD, giảm 12,8% so với năm 2008. Riêng tại Tp.HCM, kiều hối năm 2009 chỉ đạt 3,2 tỷ USD, so với con số gần 5 tỷ USD năm 2008. Nhiều người hy vọng sự hồi phục của kinh tế toàn cầu trong những năm tới sẽ góp phần hồi phục thị trường bất động sản thế giới nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng. Thế nhưng, đó cũng chưa phải là nguyên nhân chính. Chính sách chưa rõ ràng và phải chờ luật hướng dẫn thêm là rào cản lớn cho những Việt kiều thật sự có nhu cầu mua nhà tại Việt Nam.

Chính sách chưa “thông”

Theo Văn phòng Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài Tp.HCM, từ năm 2006 đến nay cả nước chỉ có khoảng 140 Việt kiều mua nhà, đất. trong đó tại Tp.HCM có khoảng 100 trường hợp. Riêng năm 2009, cả nước có 10 Việt kiều mua nhà, chủ yếu là ở Tp.HCM.

pháp lý quy định việc mua nhà của kiều bào đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2009, song chưa có hướng dẫn cụ thể. Nhiều vướng mắc của kiều bào khi mua nhà đất, ngay cả cơ quan hành chính cũng chưa biết phải hướng dẫn, giải quyết như thế nào và còn phải chờ Chính phủ quy định và hướng dẫn chi tiết. Do Chính phủ chưa có nghị định hướng dẫn cụ thể nên không chỉ kiều bào lúng túng mà các cơ quan chuyên môn cũng chưa biết căn cứ vào đâu để hướng dẫn. Bà Lương Bạch Vân – Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài Tp.HCM nhận xét, rắc rối nhất là việc xác nhận nguồn gốc Việt Nam. Người còn giấy khai sinh hoặc hộ khẩu tại địa phương cũ thì thời hạn nhanh nhất cũng phải mất 3 tháng. Những Việt kiều không còn giấy tờ hay bà con thân thích gì tại Việt Nam thì rất khó. Việt kiều Ngô Dương Hoàng Thao băn khoăn, ngay cả điều khoản Luật quy định Việt kiều có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất, có thể được hiểu là Việt kiều chỉ được mua nhà ở chứ không được mua đất. Như vậy đối với đất dự án, Việt kiều có được mua rồi sau đó tự xây nhà? Vấn đề này vẫn phải chờ.

Liên quan đến những vướng mắc trong các khâu thủ tục này, ông Nguyễn Mạnh Hà – Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS – Bộ Xây dựng cho rằng, Luật nào ra đời cũng không tránh khỏi những hạn chế, trong quá trình đó chúng tôi đã kiến nghị sửa đổi để phù hợp hơn. Hiện Bộ Xây dựng đang soạn thảo quy định, trong đó thủ tục sẽ tiếp tục được cải tiến để những Việt kiều cư trú tại Việt Nam chỉ từ 3 tháng cũng được mua căn nhà. Bộ Xây dựng cũng đang kiến nghị Chính phủ bổ sung thêm hai đối tượng được mua nhiều nhà tại Việt Nam là người có vợ có chồng đang sống ở Việt Nam và người có kỹ năng đặc biệt mà Nhà nước cần sẽ được mua nhiều nhà tại Việt Nam.

Từ năm 1991 – 2009 trên địa bàn Tp có gần 3.000 DN kiều bào thành lập hoặc góp vốn với tổng vốn đăng ký 32.000 tỷ đồng và hơn 50 tỷ USD. Lượng kiều hối gửi qua Tp.HCM hàng năm chiếm trên 50% so với cả nước. Tình hình kinh tế trong nước phát triển, uy tín của Việt Nam trên thế giới ngày càng được nâng cao nhất là từ khi Việt Nam hòa nhập nền kinh tế thị trường, số lượng kiều bào trẻ, thế hệ hai, ba tìm về quê hương ngày càng nhiều, mong muốn tìm cơ hội đầu tư, làm việc cho Tp. Do đó, nhu cầu có một căn nhà ngay trên quê cha, đất tổ của bà con kiều bào là rất lớn và nguyện vọng của kiều bào không chỉ là muốn quay về định cư tại nước ta mà còn muốn đóng góp rất nhiều vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.