Thuỷ điện Lai Châu: “Trước một ngày, được một năm”

Đến cuối tháng 4, các đơn vị thi công thuộc Tập đoàn Sông Đà đã đào thông và tiến hành mở rộng đường vào vị trí đào kênh dẫn dòng và hai bãi thải thượng và hạ lưu. Nhìn khối lượng xe máy thi công ở công trường thấy hết được nỗ lực của Ban Điều hành tổng thầu dự án thuỷ điện Lai Châu. Dừng chân ở công trường ngày 12 tháng Giêng Canh Dần (25/2/2010), tới nay một khối lượng lớn công việc chuẩn bị cho ngày khởi công đào kênh dẫn dòng đã được hoàn thành.


Công trình được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng nhiều cơ chế đặc thù.

Sáng sớm, từ công-ten-nơ dùng làm văn phòng Ban điều hành dự án nhìn ra, thấy ngổn ngang xe máy và người. Đáng chú ý nhất là những nhà vệ sinh lưu động đặt cạnh các lán trại. Giám đốc Ban điều hành dự án, ThS. KS Nguyễn Văn Tiến cho biết: Công trình thì lớn, tổng công suất 3 tổ máy là 1.200MW, sản lượng điện trung bình hàng năm là 4,7 tỷ KW/giờ, đứng thứ 3 sau Sơn La và Hoà Bình, nhưng mặt bằng thi công cũng như khu phụ trợ rất hẹp. Nước thiếu, điện yếu, cho nên ngay từ đầu phải xây dựng được nếp sống văn minh và tiết kiệm.

Nhà máy thuỷ điện Lai Châu xây dựng ở đoạn sông Đà chảy qua xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Vị trí đập thuỷ điện cách huyện lỵ Mường Tè 55km theo đường bộ. Chân ướt chân ráo đến công trường, các lực lượng thi công của Tập đoàn Sông Đà vừa xây dựng nơi ăn chốn ở vừa khẩn trương tiến hành làm đường vào công trường đào kênh dẫn dòng. Vũ Văn Hoàn, công nhân lái xúc Cty Sông Đà 7 nói với chúng tôi: “Đã là thợ xây dựng thuỷ điện thì phải chấp nhận khó khăn thử thách buổi đầu tiên. Chúng tôi phải chạy đua với mùa mưa đang đến gần”. Chiếc máy xúc Volvo EC 360B của Hoàn đang mở rộng đường vào nơi đào kênh dẫn dòng. Chúng tôi không kịp hỏi anh nhiều chuyện, chỉ chụp tặng Hoàn một tấm ảnh kỷ niệm rồi chia tay.

Mùa khô ở Mường Tè có hai tháng rưỡi. Những trận mưa đã lác đác rơi. Thời gian có thời tiết tốt không còn nhiều. Kỹ sư phan Thế truyền – phó giám đốc phụ trách kỹ thuật Ban Điều hành dự án nêu rõ: Để chuẩn bị thi công trong mùa mưa, Ban Điều hành sẽ chuyển toàn bộ xe máy, thiết bị thi công sang bên bờ phải và phải hoàn thành công việc xây dựng cầu tạm qua sông Đà trước mùa mưa lũ. Tháng 5 này, thuỷ điện Sơn La tích nước hồ chứa. Công trường phải đối phó với mực nước dâng sâu tới 30m. Vì vậy, cần khẩn trương đắp đê quai thượng lưu và hạ lưu, tiến hành đổ bê tông tường đê thượng lưu, đảm bảo cho việc đào kênh và cống dẫn dòng trong mùa mưa.

Nếu mọi việc đúng như dự tính thì vào cuối tháng 12 năm nay, cùng thời gian phát điện tổ máy số 1 thuỷ điện Sơn La, sẽ chính thức khởi công xây dựng Nhà máy thuỷ điện Lai Châu. trải qua đoạn đường gian nan từ ngã ba Mường Tè – Mường Lay trên QL12 vào công trường, chúng tôi cầu mong con đường vào công trường sớm hoàn thành để xe máy thi công, vật tư, nhu yếu phẩm phục vụ công trường lưu thông dễ dàng hơn. Chứ lúc này, đây quả là “con đường khổ ải” với một bên là vách đá cao dựng đứng, một bên là dòng sông Đà sâu thăm thẳm. Ôtô, xe máy ngày nào cũng phải chờ hàng giờ để đơn vị thi công trên cao dọn sạch chỗ đất đá vừa trút xuống.

“Công trường” vẫn là “công trường” dù đây là một công trình được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng nhiều cơ chế đặc thù, từ việc chỉ định thầu, về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dân vùng lòng hồ… Giám đốc Ban Điều hành Nguyễn Văn Tiến cho chúng tôi biết như vậy. Đã từng là phó giám đốc Ban Điều hành Dự án Thuỷ điện Lai Châu, được TCty Sông Đà cử đi học thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Anh, lên với Thuỷ điện Lai Châu, Nguyễn Văn Tiến được lãnh đạo Tập đoàn Sông Đà giao nhiệm vụ: Rút kinh nghiệm cơ chế điều hành ở Thuỷ điện Sơn La, tại công trường Lai Châu phải có cơ chế điều hành hợp lý hơn.

Thuận lợi là rất lớn vì hầu hết các đơn vị thi công Thuỷ điện Sơn La (trừ TCty trường Sơn) lật cánh lên Lai Châu nay đều thuộc Tập đoàn Sông Đà. Kinh nghiệm thi công đập bê tông đầm lăn đã có. Thiết kế kỹ thuật Thủy điện Lai Châu, kết cấu các tổ máy phát điện giống với Thuỷ điện Sơn La. Nếu điều hành tốt, thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công, vật tư, thiết bị được cung cấp đầy đủ, kịp thời, thời gian xây dựng thuỷ điện Lai Châu có thể rút ngắn được từ 1 – 2 năm.

Nhưng đấy là chuyện của ngày mai. trước mắt, các đơn vị thi công trên công trường đang dồn sức vào mục tiêu hoàn thành các hạng mục dẫn dòng trước tháng 4/2011.

“trước một ngày, được một năm” là khẩu hiệu mà công trường thi công nhà máy Thuỷ điện Lai Châu đặt ra. Sức trẻ Sông Đà đang được tăng cường cho công trường. Đa phần cán bộ, kỹ sư thuộc Ban Điều hành dự án tuổi đời đều dưới 30. Tuy ít tuổi, nhưng hầu hết mọi người đều đã trải qua các công trường xây dựng thuỷ điện lớn ở Tây Nguyên – Sơn La. Cử nhân kinh tế Đinh Đức Thọ, người Mường, phù Yên (Sơn La) tâm sự: Thuỷ điện Lai Châu là công trình trọng điểm quốc gia. Chúng tôi rất tự hào được tham gia xây dựng công trình này.

trong công-ten-nơ đựng làm văn phòng Ban Điều hành, chúng tôi trải chiếu ngủ ngay trên sàn nhà mà lòng nghĩ đến một ngày nào đấy trong năm 2016, tổ máy số 1 thuỷ điện Lai Châu phát điện.

Càng vui khi biết nhà máy có thể phát điện sớm hơn dự kiến, với quyết tâm cao của sức trẻ Sông Đà, cộng với kinh nghiệm hơn 40 năm qua của những người đi trước để lại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *