Mấy ngày nay dư luận, nhất là trong giới kiến trúc, không ngớt xôn xao, bàn luận về mấy cái cổng chào mà UBND Tp Hà Nội quyết tâm xây dựng trên các trục giao thông lớn của Thủ đô như QL1A; Láng – Hòa Lạc; Hà Nội – Lạng Sơn; Thăng Long – Nội Bài. Sự bàn ra tán vào ở nhiều lẽ. Như việc xây cổng chào vào thời điểm đã cận kề ngày Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội (nói chính xác là còn chưa đầy 100 ngày) nghe ra quá muộn. Bởi vì, xem hình ảnh 4 cái cổng mang hình tượng trống đồng, chim lạc, rồng chầu đều rất to cao hoành tráng như những tòa nhà nhiều tầng thì với thời gian thi công như vậy khó có thể đảm bảo cho công trình an toàn, bền vững?! Hình thức các cổng chào cóp nhặt, ít tính nghệ thuật, sáo rỗng và khiên cưỡng. Nhiều KTS Hà Nội nhận xét: Biểu tượng trống đồng bị xẻ đôi, nửa chôn nửa nổi trông như hai cái triện cũ bỏ đi. Hay hình ảnh 8 con rồng tượng trưng cho 8 đời vua nhà Lý, nằm chầu hai bên đường để… chào khách là rất phản cảm! Có người đặt câu hỏi: cổng chào đặt ở hai bên các xa lộ rộng hàng trăm mét, xe chạy vù vù… thì chào ai? v.v và v.v… trong công văn trả lời UBND Tp Hà Nội về việc xây dựng cổng chào của Hội KTS Việt Nam gửi ngày 30/6, cũng thể hiện quan điểm không ủng hộ 5 phương án thiết kế cổng chào mà Hà Nội sẽ xây dựng. Công văn nêu rõ: “Các phương án đề xuất có quy mô lớn, đòi hỏi phải có kết cấu ổn định, bền vững, không thể là công trình tạm. Công trình không có chức năng sử dụng, địa điểm quá xa, độc lập với các hoạt động của cộng đồng trong những ngày lễ hội. Việc sử dụng hình tượng chưa chọn lọc dễ gây phản cảm…”. Hội KTS Việt Nam cho rằng, để kịp đón chào Đại lễ, Hà Nội chỉ nên xây dựng một số cổng chào mang tính chào mừng với kiến trúc đơn giản, dễ làm, quy mô vừa phải, ít tốn kém, gần khu vực trung tâm và các điểm hoạt động chính của cộng đồng trong những ngày lễ hội… Hội cũng khuyến cáo, việc xây dựng các cổng chào có quy mô lớn, mang tính bền vững, biểu tượng cho các giá trị văn hóa lịch sử của Thủ đô chỉ thực hiện khi có đủ điều kiện về thời gian với những nghiên cứu bài bản và kỹ lưỡng. Chuyện về cái cổng chào thực ra không có gì là ghê gớm lắm mà dư luận phải mất nhiều thời gian và giấy mực để tranh luận, nếu như lãnh đạo Tp Hà Nội có cái nhìn xa hơn và thiết thực hơn. Từ xưa đến nay, ở quê, các cụ nhà ta vẫn hay làm cổng chào mỗi khi làng có hội để thể hiện lòng quý khách đến thăm. Cổng chào làm đơn giản bằng tre pheo hay thân cây chuối, mấy tầu lá dừa, mấy tấm cót… rồi trang hoàng thêm cờ phướn, hoa lá. Xong mấy ngày hội là tháo bỏ đi. Bây giờ thời hiện đại, chúng ta có nhiều điều kiện để làm cổng chào to và đẹp bằng nhiều chất liệu khác nhau như bơm hơi, bóng bay, khinh khí cầu… nhưng cũng chỉ với tính chất là cái cổng để… chào khách. Vậy thì, hãy nên làm mấy cái cổng thật giản dị mà trang trọng có treo đèn kết hoa ở nơi mà người dân và du khách có thể dễ dàng thưởng lãm. Bỏ ra 50 tỷ đồng với mười mấy ngàn mét vuông đất để làm cổng chào như chủ trương của lãnh đạo Hà Nội nghe ra rất không ổn. Đó là sự lãng phí tiền bạc của nhân dân, sự thiếu trách nhiệm với cộng đồng, và nếu không nói còn là sự xúc phạm đến tiền nhân! Mong sao mọi việc không diễn ra như thế! |