Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng tại Tp.HCM đã xảy ra 167 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm chết 42 người, bị thương 134 người. Một lần nữa vấn đề an toàn lao động (ATLĐ) lại gióng lên hồi chuông cảnh báo. Nhưng thực tế tại nhiều công trình xây dựng, công tác đảm bảo an toàn trong lao động đang bị người sử dụng lao động và chính người lao động (NLĐ) xem nhẹ. Hiện Tp.HCM có trên 40 nghìn DN đang hoạt động sản xuất và kinh doanh thu hút trên 1,6 triệu lao động, trong đó có hơn 3.300 DN có vốn đầu tư nước ngoài thu hút trên 540 nghìn lao động, ngoài ra còn có 135 nghìn cơ sở SXKD sử dụng khoảng hơn 1 triệu lao động. Thế nhưng thời gian gần đây liên tiếp để xảy ra nhiều vụ TNLĐ gây chết người và tập trung chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng. Theo số liệu thống kê cho thấy, nguyên nhân dẫn đến chết người ở các vụ TNLĐ trong xây dựng chính là ngã, sập giàn giáo, điện giật do máy trộn bê tông, điện giật trong sử dụng tời thủ công, sập giàn chống bê tông… Qua tìm hiểu cho thấy, những vụ TNLĐ gây chết người gần đây đều do người sử dụng lao động vi phạm trong vấn đề trang bị bảo hộ cho NLĐ. Mặt khác, NLĐ vẫn chưa ý thức và còn xem nhẹ vấn đề ATLĐ do không tuân thủ nguyên tắc, quy trình trong sản xuất. Thực tế hiện nay do nhiều nhà thầu muốn tiết kiệm chi phí nên cắt giảm các khâu mua sắm trang thiết bị bảo hộ cho NLĐ, không đảm bảo an toàn cho NLĐ khi làm việc trên cao như không có lưới bảo hiểm, hoặc có chỉ để đối phó. Tiếp đó là vi phạm sử dụng điện trong sản xuất như đấu nối, sử dụng các thiết bị máy móc, điện không đúng kỹ thuật do thiếu cán bộ chuyên môn về điện. Bên cạnh đó, NLĐ vẫn còn xem nhẹ vấn đề ATLĐ do thiếu hiểu biết hoặc chưa được hướng dẫn. Ngoài ra NLĐ còn thiếu ý thức trong vấn đề bảo vệ ATLĐ chung, như không thắt dây an toàn, mũ bảo hộ… khi làm việc. Thực tế hiện nay, số lao động đang làm việc tại nhiều công trình xây dựng chủ yếu là lao động nông nhàn, lao động thời vụ. phần lớn trong số họ đều không có kiến thức và ý thức về ATLĐ nên không biết hoặc không đòi hỏi các thiết bị an toàn khi làm việc tại các công trình xây dựng. Anh Lê Văn Tâm, quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa, làm thợ hồ tại một công trình xây dựng ở Q.7 cho biết: Do ở quê có biết về xây dựng nên vào Nam xin làm việc ở công trình xây dựng này qua một cai thầu tư nhân. Làm ngày nào trả công ngày đó, không được hướng dẫn gì về ATLĐ. Còn anh Nguyễn Văn Xuân, quê Quảng Nam làm thợ điện cho một công trình xây dựng ở Gò Vấp cho biết: Khi ký hợp đồng với cai thầu bọn em chỉ xem chủ yếu là phần công việc được giao, mức lương… chứ không chú ý đến các điều khoản về ATLĐ, mà cũng không biết vì không thấy cai thầu nói gì. Thêm nhiều trường hợp NLĐ khác mà chúng tôi hỏi đều không biết, hoặc biết rất mù mờ về ATLĐ trong làm việc. Để hạn chế thấp nhất về TNLĐ cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng lao động và NLĐ về vấn đề ATLĐ. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ về ATLĐ với các DN sản xuất trên địa bàn, trong đó tập trung chủ yếu là các DN xây dựng. Ngoài ra hàng tháng còn tổ chức các lớp về ATLĐ cho các cán bộ DN có công trình xây dựng… Có như vậy mới mong giảm thiểu được phần nào số vụ TNLĐ trong những tháng cuối năm và thời gian tới. |
Đừng xem nhẹ an toàn lao động!
3