Xe quá nhiều, tai nạn, rào chắn, ngập nước… là những nguyên nhân gây nên tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên các tuyến đường huyết mạch của Tp.HCM là: QL13, xa lộ Hà Nội và Liên tỉnh lộ 25B. Nhiều tài xế ngao ngán gọi tình trạng này là “siêu ùn tắc”.
Việc lưu thông ra vào các cửa ngõ Tp vào giờ cao điểm trên các tuyến đường như QL13, xa lộ Hà Nội trong thời gian gần đây hết sức kinh khủng. Ùn tắc liên tục xảy ra do rất nhiều nguyên nhân. Ngoài nguyên nhân chính là do cầu Bình triệu đang được sửa chữa, lượng phương tiện giao thông đổ dồn về xa lộ Hà Nội, còn có các nguyên nhân khác mà phổ biến nhất là do rào chắn thi công chiếm dụng mặt đường, do xảy ra tai nạn giao thông hoặc do xe tải hư hỏng, chết máy trên đường… Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông Tp.HCM tại hội nghị về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Tp mới đây, còn có nguyên nhân do cảng quá tải và mật độ xe lưu thông ra vào cảng quá nhiều; do tàu hỏa không vào được ga Bình triệu đã chắn ngang QL13 và do trời mưa đường ngập nước. Đầu năm nay, một vụ ùn tắc đã xảy ra khoảng 4 tiếng đồng hồ trên xa lộ Hà Nội do trời mưa gây ngập nặng tại khu vực ngã ba Cát Lái. Cách đây không lâu, vào sáng 21.7 cũng đã xảy ra một vụ tương tự trên QL13 khu vực trạm thu phí cầu Bình triệu, làm kẹt xe nghiêm trọng mấy giờ liền. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã cho lắp đặt cống thoát nước ngay tại vị trí ngập. Tuy nhiên, ngay tại ngã tư Bình triệu vào sáng 14.8 vẫn còn một đoạn bị ngập. trên đường Kha Vạn Cân, theo hướng về cầu Bình Lợi và trên QL13 đoạn từ ngã tư Bình triệu đến cầu Bình triệu 2 vẫn thường xuyên có những vũng nước đọng do mặt đường không bằng phẳng. Xe gắn máy lưu thông qua đoạn đường này phải chạy thật chậm và tránh những vũng nước, cũng làm cho dòng lưu thông bị chậm lại, gây ùn. Những “điểm nóng” trên QL13 Công ty Cp đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tp.HCM (CII) sắp sửa hoàn thành công trình mở rộng và nâng cấp cầu Bình triệu 1. Nhiều người kỳ vọng khi công trình hoàn thành sẽ góp phần giảm bớt ùn tắc giao thông cho khu vực này. Nói giảm bớt là bởi cầu Bình triệu chỉ là một trong chuỗi các “điểm nóng” ùn tắc giao thông trên trục QL13. Một “điểm nóng” cạnh cầu Bình triệu là ngã tư Bình triệu, nơi có đường sắt đi ngang qua, vào giờ cao điểm nếu không có lực lượng cảnh sát giao thông và thanh niên xung phong điều khiển giao thông thì rất dễ xảy ra ùn tắc do lưu lượng xe quá đông và nhiều người, ngang nhiên lấn trái (đường Kha Vạn Cân). Hay như “điểm nóng” ở khu vực trước Bến xe Miền Đông trên đường Đinh Bộ Lĩnh, vào buổi sáng thường có rất nhiều xe khách từ các nơi đổ về, gây ùn. Hơn nữa, một số xe không vào Bến xe Miền Đông mà rẽ phải để vào bãi đậu xe bên ngoài bến, cắt ngang dòng xe gắn máy trên đường. Mỗi lần xe cắt ngang như vậy, nhanh nhất cũng mất 1 phút và lượng xe máy phải dừng lại chờ kéo dài cũng giống như chờ đèn đỏ tại các giao lộ. Nếu có 2-3 xe cùng cắt ngang một lúc, thời gian chờ kéo dài hơn, xảy ra ùn tắc là đương nhiên. trên QL13 còn có 2 vị trí cũng thường xảy ra ùn tắc giao thông nữa là cầu Ông Dầu và cầu Đúc nhỏ, nguyên nhân là do mặt cầu hẹp hơn mặt đường, tạo thành các nút cổ chai, khi lượng xe đổ về quá đông, dễ bị ùn. Chỉ cần một trong các vị trí nêu trên xảy ra ùn tắc, sẽ lan tỏa ra nhiều khu vực khác lân cận. Chẳng hạn như khi bị ùn tắc ở khu vực Bến xe Miền Đông, sẽ kéo theo ùn trên cầu Bình triệu 2, nếu không sớm được giải tỏa sẽ lan sang cầu Bình triệu 1, rồi lan đến ngã tư Bình triệu, ngã năm Đài liệt sĩ và có thể kéo dài đến ngã tư Hàng Xanh và ngã tư Bình phước và cầu Bình phước (Q.Thủ Đức). Nút thắt cổ chai trên Xa lộ Hà Nội trên xa lộ Hà Nội và Liên tỉnh lộ 25B, tình trạng ùn xe từ giữa tháng 7, nguyên nhân do lượng xe container gia tăng đột biến sau khi Chính phủ gia hạn việc kiểm tra xử phạt tài xế xe container không có bằng FC. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do triển khai thi công lắp đặt đường ống cấp nước trên đường Nguyễn Văn Bá gần ngã tư Bình Thái làm thu hẹp mặt đường, do lượng xe bị cấm lưu thông qua cầu Bình triệu đã đổ dồn về xa lộ Hà Nội… Nhiều tài xế cho biết, do xe ô tô tập trung vào xa lộ Hà Nội quá đông, nên vận tốc lưu thông rất chậm, phải mất khoảng 45 phút mới qua được đoạn đường này. Buổi sáng, xe ô tô bị cấm lưu thông từ QL13 và đường Kha Vạn Cân vào cầu Bình triệu 2. Do đó, tất cả các loại xe ô tô (trừ xe buýt) phải đi đường vòng ra xa lộ Hà Nội để vào trung tâm Tp. Ông Dương Quang Châu, phó giám đốc đầu tư của CII, chủ đầu tư dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, cho biết tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường này xảy ra vào khoảng giữa tháng 7, sau đó UBND Tp.HCM đã có cuộc họp giải quyết, nhà thầu thi công đã thu hẹp diện tích chiếm dụng rào chắn trên đường và tình hình lưu thông đã khá lên từ sau ngày 27.7. trên xa lộ Hà Nội hiện nay chỉ còn có 1 điểm thắt cổ chai tại ngã tư Bình Thái, theo ông Châu là do đang thi công cống ngang đường. Để thi công, nhà thầu phải di dời hàng loạt ống cấp nước, toàn là những ống được lắp đặt trước năm 1975, hiện nay tại thị trường VN không còn có kích cỡ tương tự, nên phải chờ nhập từ nước ngoài về. Dự kiến đến tháng 10 tới, nút thắt cổ chai này mới được giải tỏa. Còn trên trục đường Liên tỉnh lộ 25B, nguyên nhân ùn tắc là do đường hẹp, chỉ có 2 làn xe. Khi cầu Giồng Ông Tố 2 được thông xe (ngày 26.6.2010), đồng thời xe được phép lưu thông vào đại lộ Đông Tây (từ ngã rẽ vào cầu Giồng Ông Tố đến xa lộ Hà Nội), tình trạng ùn xe của đoạn này không còn xảy ra. Tuy nhiên, gần đây đoạn đại lộ Đông Tây này đã bị đóng lại, cho nên xe phải chạy theo đường cũ (Liên tỉnh lộ 25B), dẫn đến tình trạng ùn xe như trước kia. Tuy nhiên, ông Dương Quang Châu thông báo một tin vui rằng, vào ngày hôm nay (15.8), đại lộ Đông Tây sẽ được mở ra cho xe lưu thông trở lại. Còn để giải quyết lưu thông thuận lợi cho xe tải trên toàn bộ tuyến Liên tỉnh lộ 25B, phải chờ hoàn thành dự án mở rộng tuyến đường này. Tuy nhiên, do chưa được bàn giao mặt bằng, nên nhà thầu chưa thể thi công được. Thiệt đơn thiệt kép Các chủ xe tải than trời vì ùn tắc giao thông không chỉ làm giảm doanh thu do xe quay vòng chậm, mà còn làm tăng chi phí. Ông Nguyễn Ngọc Lự, một chủ xe tải cho biết: Xe chạy đường dài tốn khoảng 35 lít dầu/100 km, trong khi chạy trong Tp tốn đến 55 lít/100 km, tăng 60-70%. Một cung đường từ các cảng ở Tp.HCM đến các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai nếu đường thông thoáng chỉ mất 1 tiếng đồng hồ, nhưng khi đường bị ùn tắc có thể mất 2 tiếng và hơn thế nữa. Thời gian xe lưu thông kéo dài, khói xe thải ra càng nhiều, càng gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều cuộc hội thảo đề cập đến những thiệt hại do ùn tắc giao thông gây ra. TS Văn Hồng Tấn (Đại học Bách khoa Tp.HCM) trong tham luận của mình đã phân tích khá kỹ về những thiếu sót và lối ra cho giao thông đô thị trình bày tại hội thảo về hạn chế ùn tắc giao thông tổ chức vào tháng 10 năm ngoái. Theo TS Văn Hồng Tấn, giải quyết nạn kẹt xe không khác giải quyết bài toán cung cầu cơ bản trong kinh tế. Đó là tăng cung, tức xây dựng cầu đường giao thông và kiểm soát nhu cầu. Từ bài toán cung cầu đó với thực tế tại Tp.HCM, trong những năm qua, Tp đã làm được điều này ở hướng nam, với hàng loạt những cây cầu đã được xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp như: Khánh Hội, Calmette, Ông Lãnh, Nguyễn Văn Cừ, Chữ Y, Nguyễn tri phương, Chà Và, Kinh Tẻ, Tân Thuận 2… Nhờ đó mà nhiều khu đô thị mới ở phía nam Tp đã phát triển mạnh mẽ, trong đó nòng cốt là khu đô thị phú Mỹ Hưng. trong khi đó, hướng đông và đông bắc của Tp hiện tại lại đang quá tải vì lượng xe tăng cao mà hệ thống giao thông lại không phát triển kịp. Chỉ tính riêng hệ thống những cây cầu bắc qua sông Sài Gòn, từ thượng nguồn ở Q.12 đến hạ nguồn ở Q.7 và Q.2 có 6 cây cầu là: Bình phước (1 và 2), Bình Lợi (cầu đường sắt Bắc – Nam); Bình triệu (1 và 2); Sài Gòn; Thủ Thiêm và phú Mỹ, trong nhiều năm qua chỉ có cầu Thủ Thiêm và phú Mỹ là 2 cây cầu mới. Còn 3 công trình vượt sông Sài Gòn khác đang được xây dựng là cầu phú Long (nối Q.12 với H.Thuận An, tỉnh Bình Dương); cầu Bình Lợi (nối Q.Bình Thạnh với Q.Thủ Đức) và hầm Thủ Thiêm (nối Q.1 với Q.2). Cần có tầm nhìn Là hướng có những trục đường huyết mạch từ Tp.HCM đi các tỉnh miền Đông, Tây Nguyên, miền trung, miền Bắc, hướng đông và đông bắc Tp đang cần có thêm nhiều cây cầu nữa. Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Tp.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22.1.2007, khu vực này còn có cầu Bình Quới (nối bán đảo Thanh Đa với đường trục dự kiến) và theo Quy hoạch chung xây dựng Tp.HCM đến năm 2025, có bổ sung thêm 1 cây cầu nối từ p.Hiệp Bình Chánh – Q.Thủ Đức qua bán đảo Thanh Đa – Q.Bình Thạnh. Khu vực này còn có 1 cây cầu vượt sông Sài Gòn thuộc dự án Đường trên cao số 4, là một trong số 4 tuyến đường trên cao được quy hoạch trên địa bàn Tp.HCM. Dự án này do Tổng công ty xây dựng số 1 là nhà đầu tư BT (xây dựng – chuyển giao) kết hợp BOT (xây dựng – khai thác – chuyển giao). Cũng theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Tp.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, ngoài cầu Thủ Thiêm I (đã được đầu tư và khai thác) và hầm đường bộ Thủ Thiêm (đang xây dựng, thuộc dự án đại lộ Đông Tây), còn có cầu Thủ Thiêm II (tại khu vực Ba Son, đường Tôn Đức Thắng), Thủ Thiêm III (nối Q.4 – Q.2), Thủ Thiêm IV (nối Q.7 – Q.2), đồng thời xây dựng mới hầm cho tàu điện ngầm từ Q.1 sang Q.2. Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Tp.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, trên đường cao tốc liên vùng phía nam sẽ xây dựng mới cầu Bình Khánh (bắc qua sông Nhà Bè), cầu phước Khánh (sông Lòng Tàu) và cầu phước An (sông Thị Vải). trên sông Đồng Nai sẽ xây dựng mới các cầu từ thượng lưu đến hạ lưu gồm: Thủ Biên (đường vành đai 4), Hóa An II (QL1K), Long Thành (đường cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây), Nhơn trạch (đường vành đai 3) và cầu Nhơn trạch (đường sắt Thủ Thiêm – Nhơn trạch – Cảng hàng không quốc tế Long Thành). Tốc độ phát triển của Tp.HCM sẽ phụ thuộc rất lớn vào tầm nhìn tương lai của các nhà quy hoạch giao thông nói riêng và quy hoạch hạ tầng đô thị nói chung.
|
Những cửa ngõ “siêu ùn tắc”
3
Bài trước