Hà Nội mỗi ngày có tới khoảng 500.000m3 nước thải, trong đó 400.000m3 là nước thải sinh hoạt. Dù Hà Nội đã lắp đặt 3 trạm xử lý nước thải, nhưng mới tham gia xử lý được 5-7% lượng nước thải.
600 tỉ đồng xây trạm xử lý nước hồ Tây Theo công bố hồi cuối tháng 7, UBND Tp Hà Nội mới phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải hồ Tây có công suất 15.000m3/ngày đêm trên ô đất có diện tích 16.088,56m2. Dự án có tổng mức đầu tư trên 600 tỉ đồng, được thực hiện từ năm 2010 đến 2012, sử dụng công nghệ xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học hiếu khí bùn hoạt tính tuần hoàn. Đây là một trong những nỗ lực của Hà Nội nhằm xử lý tình trạng ô nhiễm nước thải đã lên đến mức báo động hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Keisuke Okazaki – chuyên gia tư vấn Nhật Bản tại Cty thoát nước và xử lý nước thải Hà Nội – không thể nóng vội muốn xây dựng một quy trình xử lý nước thải hoàn thiện trong 5 hay 10 năm. “Riêng Nhật Bản cũng đã phải mất đến 50 năm mới hoàn tất được quy trình xử lý này”, ông Okazaki cho hay. Tổng lượng nước thải của thành phố Hà Nội, theo báo cáo của Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, lên tới 300.000-400.000m3/ngày. Vì vậy chỉ số BOD, oxy hoà tan, các chất NH4, NO2 ở các sông, hồ, kênh, mương nơi đây đều vượt quá quy định cho phép gấp nhiều lần. Các điều tra ban đầu cho thấy, tại Hà Nội 69% mẫu nước tầng trên và 48% mẫu nước tầng dưới được kiểm nghiệm có nồng độ asen cao hơn tiêu chuẩn. Tỉ lệ thạch tín trong nước sông Hồng và các hồ khu vực ngoại thành cũng không đủ tiêu chuẩn để làm nước ăn uống và sinh hoạt. Chuyên gia Okazaki đã tham vấn cho Hà Nội xây dựng hai nhà máy xử lý nước thải mới tại phú Đô và Yên Xá, nhằm giảm thiểu ô nhiễm nước mặt cho hệ thống sông, hồ của thành phố. Tổng mức đầu tư của 2 nhà máy này vào khoảng 10.276,48 tỉ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của VN. Tuy nhiên, theo ông Okazaki, ngay cả khi hai nhà máy xử lý trên đi vào sử dụng cũng không thể xử lý được hết nước thải cho Hà Nội. Bài toán cho Hà Nội là phải thiết kế và lắp đặt được hệ thống đường ống nhánh và đường ống chính để thu nước và xử lý nước hợp lý. Mất thời gian, kinh phí lớn Theo ông phạm Sĩ Liêm – Tổng hội Xây dựng VN: “Đầu tư cho xử lý nước thải tốn kém gấp 3 lần đầu tư cho cấp nước. Nhưng nếu không hành động ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ phải gánh hậu quả quá lớn về môi trường”. Chuyên gia Nhật Okazaki cũng đồng tình cho rằng, quy trình xử lý nước thải phức tạp, mất thời gian và đòi hỏi kinh phí rất lớn. Nhật Bản cũng từng kinh qua giai đoạn ô nhiễm nước thải nghiêm trọng và mất đến 50 năm để lắp đặt hệ thống xử lý nước thải hiệu quả. Theo ông Okazaki, muốn có một quy trình xử lý nước thải một cách hoàn thiện, Hà Nội cần khai thông hồ, mương và có những trạm xử lý nhỏ ngay tại nguồn. “Người dân Hà Nội chưa mặn mà tham gia xử lý nước thải tại nguồn, trong lúc đây là một khâu quan trọng. Mỗi hộ dân nên lắp đặt các bể tự hoại hợp vệ sinh để cải thiện ô nhiễm nước thải” – ông Okazaki cho hay. Ông phạm Văn Cường – Giám đốc Ban quản lý Dự án thoát nước Hà Nội, cho hay việc xây dựng các trạm xử lý nước thải đã khó, duy trì và vận hành chúng còn khó hơn do đòi hỏi kinh phí lớn. Chi phí bỏ ra để hai trạm xử lý Kim Liên và trúc Bạch hoạt động mỗi năm lên đến trên dưới 1 tỉ đồng. Ông Cường cho biết, ngoài hai dự án trạm xử lý tại Yên Xá và phú Đô, năm 2010 Hà Nội khởi công xây trạm ngầm xử lý nước thải gần công viên Thống Nhất, lọc nước cho hồ Bảy Mẫu, Thiền Quang. Công trình dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2011. Giải cứu sông hồ Hà Nội đã đưa ra đề án “Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn thành phố Hà Nội” nhằm giải cứu cho sông hồ tại thủ đô. Tuy nhiên hầu hết các phương án xử lý mới chỉ mang tính chất tạm thời chứ chưa giải quyết được tận gốc. Theo báo cáo môi trường quốc gia 2009 của Bộ Tài nguyên Môi trường, tính đến tháng 10/2009, toàn quốc đã có 223 khu công nghiệp được thành lập, trong đó 171 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích gần 57.300ha. Qua kiểm tra cho thấy chất lượng nước mặt tại các vùng chịu tác động của nguồn thải từ các khu công nghiệp đã suy thoái, đặc biệt lưu vực sông Đồng Nai, sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy. Đặc biệt, với kết quả khảo sát khách quan, báo cáo cho thấy, gần 70% trong số hơn 1 triệu mét khối nước thải mỗi ngày từ các khu công nghiệp được xả thẳng ra các nguồn tiếp nhận mà không qua xử lý đã gây ô nhiễm môi trường nước mặt. trong khi đó, tỉ lệ các khu công nghiệp đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm khoảng 43%. Lưu vực sông Cầu (đoạn qua thành phố Thái Nguyên) nhiều chỉ tiêu chất lượng nước không đạt giới hạn B. Lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy không đạt tiêu chuẩn B1 (không thể tưới tiêu cho nông nghiệp). |
Đầu tư xử lý nước thải tốn gấp 3 lần cấp nước
7