Trang chủ » Cuộc đua xây nhà chọc trời

Cuộc đua xây nhà chọc trời

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

trên thế giới, nhà chọc trời không phải là chuyện hiếm. Tòa nhà cao nhất thế giới hiện nay là Burj Khalifa ở Dubai cao tới 828m, tiếp sau đó Taipei 101 ở Đài Loan cao 508m, Shanghai World Financial Centre (trung Quốc) cao 492m. Khu vực Đông Nam Á có tháp đôi petronas của Malaysia cao 88 tầng… Các tòa tháp cao kỷ lục này đã góp phần tạo nên tên tuổi cho mỗi thành phố và mỗi đất nước.

Cho đến nay, ngành xây dựng Việt Nam chưa từng xây dựng tòa nhà siêu cao tầng lên tới 100 tầng. Hiện tại, tòa nhà cao nhất ở Việt Nam là Keangnam Tower 70 tầng.

Dự án Keangnam cao thứ 17 trên thế giới

Dự án Keangnam cao thứ 17 trên thế giới

Cuối tháng 7 vừa qua, hai tòa tháp căn hộ 48 tầng của dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower đã được cất nóc. Dự án được xây dựng trên khu đất có diện tích là 46.054m2, diện tích sàn xây dựng là 607.121m2. Dự kiến tòa tháp chung cư sẽ được hoàn thành vào tháng 1/ 2011 và tòa khách sạn sẽ vào tháng 8/ 2011. Theo đại diện chủ đầu tư công bố, Keangnam Tower khi hoàn tất sẽ là tòa tháp cao nhất Việt Nam và cao thứ 17 trên thế giới.

Vượt qua chiều cao của Keangnam, Tổng công ty Xây lắp Dầu khí pVC và Tập đoàn Đại Dương – OceanGroup đã thỏa thuận hợp tác đầu tư xây dựng tòa nhà pVN Tower cao tới 102 tầng. Với chiều cao dự kiến khoảng 528m, tổng mức đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD, tòa tháp Dầu khí tại Hà Nội sẽ tọa lạc trên khu đất 25 ha tại xã Mễ trì, huyện Từ Liêm. Đây sẽ là tòa nhà cao nhất Việt Nam và cao thứ nhì châu Á được sử dụng làm công trình hỗn hợp bao gồm thương mại, văn phòng và căn hộ.

Vừa qua, Tập đoàn Kinh Bắc vừa xin ý kiến của UBND Thành phố Hà Nội về việc thay đổi số tầng cao, công năng sử dụng của dự án khách sạn Lotus ở xã Mễ trì, huyện Từ Liêm. Theo phương án đề xuất, dự án cao khoảng 400 m, với 100 tầng. Khách sạn này có diện tích xây dựng hơn 19.000 m2, mật độ xây dựng khoảng 47,8%. Tổng diện tích sàn 640.000 m2, tầng hầm để xe rộng khoảng 240.000 m2.

Tại Tp Hồ Chí Minh, nói về tòa nhà cao tầng phải kể đến tên tuổi của một số dự án như Bitexco Financial Tower (68 tầng). Sau 5 năm xây dựng, đến nay, Bitexco Financial Tower hiện nay đã hoàn thành đến tầng thứ 56 và việc lắp đặt bãi đáp trực thăng với chiều dài 40m tại tầng 50 ở độ cao 192m sẽ sớm được tiến hành. Theo thiết kế được phê duyệt, khi hoàn thành, Bitexco Financial Tower sẽ đạt tới độ cao 270m với 68 tầng. Ngòai ra còn một số dự án khác như Saigon trade Center (33 tầng), Benthanh Tower (35 tầng)…

Nói về vấn đề kĩ thuật xây dựng, ông trịnh Xuân Thanh – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (pVC) – chủ đầu tư, đồng thời là nhà thầu xây khẳng định, địa chất Hà Nội có thể xây những toà nhà siêu cao tầng nếu như có kỹ thuật móng tốt. Để đảm bảo tính an toàn trong điều kiện nền đất yếu của Hà Nội, theo dự kiến, tháp Dầu khí sẽ có hệ thống cọc khoan nhồi sâu xuống lòng đất khoảng 70 – 80m (sát tầng đá hoa cương).

Một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực bất động sản chia sẻ, những công trình cao tầng góp phần tiết kiệm diện tích đất. Để xây dựng một công trình đòi hỏi nhiều yếu tố, vấn đề chính đó là công nghệ và trình độ kỹ thuật xây dựng. Ngòai ra nguồn vốn đầu tư cũng là yếu tố quan trọng.

Khi kinh tế và khoa học kĩ thuật phát triển, Việt Nam đang dần khẳng định mình trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản với những dự án có quy mô lớn và chiều cao. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần có cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phê duyệt.

Duy Khánh

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.