Quận Tây Hồ (Hà Nội): Khó khăn trong giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm





Trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội) có 26 dự án đang triển khai và phải thu hồi đất, với tổng diện tích lên tới 117,2ha. Trong đó, có 81,78ha đất nông nghiệp, 34,54ha đất ở, liên quan đến 2874 hộ dân. Đặc biệt, có rất nhiều dự án trọng điểm, hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội như: nâng cấp, mở rộng đường Lạc Long Quân, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây, đường Văn Cao – Hồ Tây, cầu Nhật Tân…


Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, việc giải phóng mặt bằng ( GPMB) gần như mới chỉ ở mốc bắt đầu và gặp phải rất nhiều khó khăn. Tổng diện tích đất thu hồi mới được 5,61ha, liên quan đến 367 hộ gia đình, phần lớn nằm ở các dự án thuộc Ban Quản lý dự án của quận làm chủ đầu tư.


Ông Lê Văn Phượng, phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết: Có rất nhiều nguyên nhân làm cho công tác GPMB bị ách lại, trong đó chủ yếu là chưa có được sự đồng thuận từ phía người dân. Dự án nào cũng gặp phải những tranh chấp kéo dài về quyền sử dụng đất, gây khó khăn, phức tạp khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, chi trả tiền và hiện chưa có phương án giải quyết. Sự chênh lệch lớn giữa giá đền bù và giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường cũng là một trong nguyên nhân chính khiến các hộ dân liên tục có đơn kiến nghị về giá bồi thường. Mặt khác, do quá trình quản lý và lưu trữ hồ sơ tại các phường không đầy đủ, thiếu các cơ sở để xác minh nguồn gốc đất cũng làm nảy sinh các thắc mắc, khiếu kiện của các hộ gia đình.


Theo Phó chủ tịch quận Lê Văn Phượng, việc GPMB các dự án trong điểm vẫn đang tắc lại ở khâu điều tra hiện trạng. Cụ thể: Dự án đường Văn Cao- Hồ Tây, việc GPMB được tiến hành từ năm 2007, liên quan đến 300 hộ dân và 4 cơ quan, song mới điều tra, xác minh hiện trạng đất được 88 hộ; các gia đình còn lại không cho vào điều tra với lý do giá bồi thường về đất thấp, chất lượng nhà tái định cư, quy hoạch của dự án không đúng. Với diện tích đất liên quan đến 4 cơ quan, mới có 3 cơ quan là Tổng công ty vận tải, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Công ty môi trường đô thị bàn giao đất. Riêng Công ty xây dựng Lũng Lô, quận đã phê duyệt tiền bồi thường phần tài sản trên đất, nhưng vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn của thành phố về số tiền bồi thường chi phí công ty này đã chi trả khi thực hiện giải thể công ty liên doanh Lữ Xá Hồ Tây. Ông Phượng cho biết, Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và tái định cư quận đang chỉ đạo quyết liệt tập trung cho việc xác minh hiện trạng đối với 212 hộ còn lại, phấn đấu đến hết qúy III/2009 thông tuyến phần đường chính.


Dự án đường Lạc Long Quân, công tác GPMB được coi là cơ bản hoàn thành, đặc biệt phần diện tích liên quan đến các di tích lịch sử đã được xếp hạng như Đình An Thái, chùa Thiên Nhiên, Vạn Niên. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 1 trường hợp phải tiến hành phúc tra lại toàn bộ diện tích nên đã gây chậm tiến độ thực hiện dự án. Còn tại phường Bưởi, một số trường hợp chưa được phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ do liên quan đến chính sách bồi thường.


Đối với dự án cầu Nhật Tân, các hộ gia đình đang sử dụng đất nông nghiệp thuộc hai phường Phú Thượng và Nhật Tân cũng đã kiên quyết chống đối không cho tổ công tác vào điều tra hiện trạng. Dự án đường vành đai II cũng như vậy với lý d sau ngập úng toàn bộ số lượng cây cối đã chết hết, người dân đề nghị quy cây cối về m2…Để giải quyết vấn đề này, quận đã họp với liên ngành thành phố để thống nhất về mặt chính sách báo cáo thành phố cho áp dụng.


Năm 2009, mặc dù có thêm rất nhiều dự án chuẩn bị đầu tư như trạm y tế phường Bưởi, tuyến đường Tô Ngọc Vân, trường THCS An Dương, đường trục Phú Thượng… liên quan đến thu hồi đất, song quận Tây Hồ vẫn quyết tâm triển khai quyết liệt các dự án trọng điểm, giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng nhằm tạo bước đột phá trong công tác GPMB./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *