Hà Nội: Tết bất an, có nhà mà như… lang thang!





 – Bôn ba, làm lụng quanh năm, ai cũng mong có cái Tết yên ổn, ấm cúng, xum vầy… Nhưng ngay giữa Thủ đô, có những hộ dân vài ngày trước Tết còn bị “dọa” cưỡng chế di dời, sống nơm nớp, coi như mất Tết – chỉ vì những dự án mà họ khẳng định còn quá nhiều bất công, không minh bạch và chưa ngã ngũ…








Hà Nội: Tết bất an, có nhà mà như... lang thang!

Suýt không được lễ ông Táo tại gia, rồi lại đang lo không biết cúng giao thừa ở đâu khi bị cưỡng chế vào 24 Tết? (Chụp tại I3 Thành Công ngày 18 Tết Kỷ Sửu – Ảnh: T.M)

Cưỡng chế không cho kịp “lễ ông Táo” tại nơi ăn chốn ở?


Phong tục Việt Nam, 23 tháng Chạp là ngày mọi gia đình cùng làm lễ cúng tiễn Táo quân – Thần Đất, Thần Nhà và Thần Bếp núc tại nơi ăn chốn ở của mình suốt “đầu năm chí giữa, nửa năm chí cuối” vừa qua, để tạ ơn cũng là để các vị hoan hỉ cưỡi cá chép lên giời báo cáo giúp gia chủ những điều tốt đẹp…


Song, bức xúc phản ánh với VietNamNet vào những ngày cận Tết, nhiều hộ dân đang sống tại một số khu tập thể ở Hà Nội phản ứng: Nếu nơi ở của họ bị kết luận là “nguy hiểm” thì cũng “nguy hiểm” khá lâu rồi (C7 Giảng Võ được Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng – Bộ XD báo cáo kết quả từ tháng 8/2007, cùng tháng này UBND TP có công văn chỉ đạo Quận Ba Đình phối hợp cùng nhiều đơn vị khác “thực hiện ngay việc di dời” nhằm tránh mùa mưa bão, đến nay đã 17 tháng trôi qua; I2 – I3 Thành Công UBND TP quyết định di dời từ tháng 11/2008, nay đã sang tháng thứ 3…) – nhưng không hiểu sao chính quyền sở tại lại “nhè” dịp sát Tết để cưỡng chế dân khỏi nơi ăn chốn ở?!


Đầu tháng 1/2009, UBND quận Đống Đa ra quyết định cưỡng chế di dời các hộ gia đình I2 – I3 Thành Công trong ba ngày từ 13 – 15/1/2009 (tức 18, 19 và 20 Tết Kỷ Sửu – chỉ vài ngày trước lễ ông Táo)! Điều đáng nói, dự án tại đây đã manh nha từ 10 năm trước, nhưng gần đây 2 khu này mới bị “liệt” vào dạng nguy hiểm và “độc đáo” hơn là một quyết định cưỡng chế dân ra khỏi nhà ngay trước Tết cổ truyền – thời khắc rất đỗi thiêng liêng với đông đảo người dân.


Cư dân 2 khu nhà này “méo mặt”: “Chúng tôi luôn trong tình trạng bị động, bị áp đặt, hiện vẫn chưa thống nhất, ngã ngũ nhiều vấn đề của dự án này, đang chờ được trả lời hàng loạt câu hỏi và nghi vấn – thì bỗng đùng một cái tuyên bố ép chúng tôi ra khỏi nhà trước ngày ông Công ông Táo, trong khi nhà tạm cư quá xa (cách 15km) chúng tôi không chấp nhận, nhà khác chưa thuê nhanh thế được… chúng tôi lễ ông Táo ở đâu? đón Tết ở đâu? Rõ có nhà hợp pháp mà cứ như dân lang thang“…


Ở I2 – I3, có chị một nách 2 con nhỏ, chồng đi xa… nay sát Tết bị bắt ra khỏi nhà; có cụ già ốm đau không biết về đâu khi trời thì rét, Tết sắp đến; có chị đang mang thai hỏi thuê nhà chỗ nào người ta cũng từ chối vì kiêng kỵ Tết nhất… Có nhiều người đã dự định Tết về thăm quê, không lẽ đành hủy kế hoạch? Chuyển nhà mà lại cấp tập vào mấy ngày sát giao thừa cũng đâu đơn giản: các hãng xe tải còn nhận hay không? giá chuyên chở cao ai “bù lỗ”?


Họ cùng than: “Đúng là chưa cái Tết nào khổ như Tết này, mà chúng tôi có gì sai trái, phi pháp đâu cơ chứ? Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương cải tạo chung cư cũ, nhưng kể cả “nguy hiểm” cũng không có nghĩa người dân không được tham gia bàn bạc về quyền lợi của mình, bị động chịu sự áp đặt hoặc thiệt thòi quá như thế, rồi chán chê chả cưỡng chế, đúng Tết lại ép uổng nhau…”!








Hà Nội: Tết bất an, có nhà mà như... lang thang!

Cuộc sống vẫn náo nhiệt trong và ngoài hàng rào cưỡng chế, và dân đang trong tư thế “đón Tết cùng hàng rào”!? (Chụp tại C7 Thành Công dịp cận Tết Kỷ Sửu – Ảnh: T.M)


Đến I2 – I3 vào ngày đầu tiên thực hiện “lệnh” cưỡng chế của Quận Đống Đa (18 Tết), ghi nhận một không khí buồn bã, thấp thỏm, hoảng hốt và vô vọng. Dĩ nhiên không mai mà cũng chẳng đào, nói chuyện “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” với dân nơi đây lúc này là lạc lõng, mà quanh đi quẩn lại chỉ có “cắt điện, nước, cưỡng chế, rào nhà…”!!!








TIN LIÊN QUAN


  • Hơn nửa hộ dân I1-I2-I3 Thành Công cùng ký tên phản đối!
  • Hàng loạt quyết định di dời dân I1-I2-I3 Thành Công bị “thiu”!
  • Chung cư nguy hiểm: Chúng ta sẽ bị động trước thảm họa?
  • Nếu nhà nguy hiểm sập, trách nhiệm cá nhân ai chịu?
  • Di dân khỏi nhà nguy hiểm: Khẩn cấp là vô thời hạn!?
Bài viết này không bàn chuyện dân tại nhà nguy hiểm nên hay không nên khẩn cấp di dời. Chuyện đáng nói ở đây – như nhiều hộ dân đang đồng quan điểm: Nếu thực sự chính quyền nhận thấy cần khẩn cấp di dân vì lý do “nguy hiểm” thì đúng ra phải họp bàn, giải quyết thỏa đáng mọi vấn đề liên quan đến các hộ dân – nhóm đối tượng đang trực tiếp tham gia dự án và đóng góp bằng chính “nơi ăn chốn ở” của mình (không phải chỉ là “nạn nhân cần được cứu giúp”) nhằm sớm đạt được sự đồng thuận di dời của họ… chứ không để các lệnh “thiu” đến vài tháng, vài năm như vậy, rồi lại cấp tập cưỡng chế dân khi chỉ còn vài ngày là Tết Nguyên đán!


Nếu các nhà quản lý có trách nhiệm, hiểu đúng tính chất “nhà nguy hiểm”, lo lắng cho dân và thực hiện đúng luật, việc cưỡng chế dân C7 Giảng Võ ra khỏi nhà nguy hiểm hoàn toàn có thể thực hiện ngay từ khoảng tháng 8, 9/2007; cưỡng chế dân I2 – I3 Thành Công ngay trong tháng 12/2008 để tránh thảm họa – thế nhưng chẳng hiểu tính toán thế nào mà lúc “ngày rộng tháng dài” chính quyền chẳng thực thi “nghiêm lệnh”, năm hết Tết đến người dân đang chuẩn bị bắc nồi bánh chưng, thắp hương ban thờ tổ tiên thì lại “cuống” lên khẩn cấp di dời?


Hơn nữa, tại sao cứ nhất thiết ép dân nơi đây di dời trước Tết trong khi so sánh ngay gần đó, khu B6 Giảng Võ bị kết luận là “nguy hiểm cấp D” từ tháng 11/2006, có “lệnh di dời” của UBND TP từ tháng 1/2007 (trước I2 – I3 Thành Công, C7 Giảng Võ rất nhiều), nhà tạm cư đầy đủ nhưng dân vẫn không chịu chuyển – đến nay qua 2 năm cũng đã vội cưỡng chế đâu?!


Cho “lễ ông Táo” xong cưỡng chế ngay?


Dân I2 – I3 Thành Công cho biết quá bức bách nên 17 Tết họ đã cử đại diện gặp và nói chuyện với lãnh đạo Quận Đống Đa – may sao được các lãnh đạo này “ưu ái” không cưỡng chế trước Tết ông Công ông Táo nữa mà lùi lại cưỡng chế ngay sau đó, tức 24 Tết!?









“Bất an quá, nay lắp hàng rào, mai dọa cưỡng chế – thôi thế là mất Tết, mà chúng tôi nào có sai trái, phi pháp gì? Chỉ đòi hỏi sự công minh, công bằng mà thôi!” (Chụp nhà bà Ngô Thị Hồng 101 C7 Giảng Võ ngày 18 Tết – Ảnh: T.M)


Đúng là đánh đố, Tết nhất thế này thuê nhà ở đâu, giá cả thế nào… Nếu bắt tôi ra khỏi nhà thì tôi cứ căng màn cạnh hàng rào dự án mà đón giao thừa với chồng con thôi chứ biết đi đâu, tá túc nhà ai ngày Tết được?” – chị Dung ở I3 lên tiếng.


Tại C7 Giảng Võ, khung cảnh “cưỡng chế dở dang” khiến người dân phải đón Tết trong hàng rào sắt chỗ lắp chỗ không còn nực cười hơn: ai dựng hàng rào để “lập thành tích” cứ dựng, còn dân bán hàng trong hàng rào cứ bán; chỗ có hàng rào dân không ra vào được thì lại đi ra đi vô ở chỗ không có hàng rào; thay cho các câu đối Tết dán tường là nhiều “thông điệp” được các chủ nhà dán ngoài cửa để bày tỏ thái độ…


C7 cũng là khu tập thể chủ đầu tư chưa đạt được sự đồng thuận với nhiều hộ dân, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có một lý do quan trọng – cũng giống như dân nhiều khu tập thể khác của Hà Nội, họ so sánh với dự án B6 Giảng Võ chỉ cách đó 100m, cũng “nguy hiểm cấp D” tại sao dân lại được hứa hẹn tái định cư gấp đôi diện tích sử dụng cũ không mất tiền mà nghe đâu còn được thêm mỗi hộ vài trăm triệu đến 1 tỉ đồng “tiền tươi”, đã thế lại vẫn “bình chân như vại” – chẳng bị ai cưỡng chế trước Tết?!


Bà Ngô Thị Hồng (101 C7) than thở: “Thế là Tết này mất Tết rồi! Chúng tôi bị đánh tiếng là 25 Tết sẽ phải dời khỏi nhà xong xuôi, bất luận thế nào điện, nước ngừng cung cấp! Bất an quá! Tết nhất, việc cúng lễ là quan trọng lắm nhưng tôi cũng chưa biết chuyển ban thờ đi đâu bây giờ“!














Ngày Tết, dán ý kiến lên tường nhà thay… câu đối? (Chụp tại C7 Giảng Võ dịp cận Tết Kỷ Sửu – Ảnh: T.M)


Nhiều người dân tại đây cho biết, Tết này họ chẳng thiết bánh chưng, đào quất, cầu truyền hình… gì sất: “Ở còn chả biết ở đâu nữa là…”!!!


Chúng tôi chấp nhận di dời nhưng phải công khai, minh bạch và đúng nguyên tắc. Nhà được kết luận nguy hiểm đã lâu, hàng năm không ai bàn bạc, thỏa thuận với chúng tôi, bỗng nhiên khẩn cấp di dời, chúng tôi chưa bàn giao nhà không phải là chống đối mà muốn đòi hỏi quyền lợi chính đáng. Năm cùng tháng tận lại yêu cầu chúng tôi dời khỏi nhà xong trước 25 Tết, chúng tôi thật không hiểu nổi” – chị Nguyễn Thị Minh Hà cùng ở C7 nói.


Không rõ cuối cùng,  những người dân (kể trên) có phải ra khỏi nhà họ vào dịp Tết Kỷ Sửu hay không, nhưng chắc rằng tâm trạng bất an, hoang mang và đầy bức xúc sẽ còn theo họ từ năm cũ sang năm mới…




  • Nhóm PV

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *