Chưa thể giám sát thi công “lô cốt” mới, hàng rào cũ





 – Đầu năm 2009, theo quy định của Sở GTVT TP.HCM, các công trình “lô cốt” trên địa bàn thành phố sẽ có rào chắn mới để người dân trực tiếp nhìn thấy bên trong, giám sát thi công. Thế nhưng cho đến thời điểm này, hàng loạt “lô cốt” đang “mọc trở lại” vẫn được rào bằng rào chắn cũ.  


Trong một cuộc họp gần đây, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết các “lô cốt” mới mọc trong năm 2009 sẽ được rào bằng rào chắn mới.


“Loại rào chắn mới bằng sắt, có lỗ hổng giúp người dân sống xung quanh “lô cốt” có thể nhìn thấy công trường bên trong và trực tiếp giám sát việc thi công các gói thầu của công ty, nhà thầu. Nếu thấy điều gì bức xúc, không bằng lòng, người dân có thể điện thoại đến đường dây nóng của Ban quản lý dự án được ghi trên bảng thông tin ở mỗi “lô cốt” – ông Phượng nói



 







Chưa thể giám sát thi công lô cốt mới, hàng rào cũ

“Lô cốt” trên đường Nguyễn Văn Trỗi vẫn chưa áp dụng rào chắn mới. Ảnh: Thái Phương




Thế nhưng dạo một vòng quanh các trục đường lớn có “lô cốt” án ngữ chiều ngày 5/2, hàng loạt “lô cốt” mới và cũ trên các tuyến đường Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi, Lê Văn Sỹ – Kỳ Đồng, dọc hai bên đường của bến Chương Dương, bến Vân Đồn… vẫn là rào chắn bằng tôn, kín mít. 


Với những “lô cốt” chưa tháo dỡ, tái lập mặt đường trong dịp Tết (56 vị trí “lô cốt” được phép tồn tại), việc để lại rào chắn bằng tôn sẽ đỡ gây tốn kém chi phí thay mới, công sức tháo dỡ. 

Nhưng những “lô cốt” vừa mọc lên sau Tết Kỷ Sửu vài ngày cũng chưa thấy áp dụng rào chắn mới theo quy định.  



 







Chưa thể giám sát thi công lô cốt mới, hàng rào cũ

Chen chúc quanh “lô cốt” trên đường Lê Văn Sỹ.  Ảnh: Thái Phương




Giải thích việc này, một công nhân công ty thi công gói thầu 11, 13 cho biết, các “lô cốt” dựng lên ở mỗi tuyến đường trong vài tháng, thi công đoạn đó xong thì rào chắn đó được dỡ đi nơi khác để dựng tiếp “lô cốt” mới. Nếu bây giờ bắt nhà thầu thay hàng loạt rào chắn cũ bằng rào chắn sắt có lỗ hổng quan sát thì rất tốn kém nên chẳng ai muốn làm. Trừ phi rào chắn cũ hư hỏng nặng, mục nát và không sử dụng được nữa. 


Không phải ngẫu nhiên Sở GTVT lại đưa ra quy định mới trong năm 2009 là thay thế loại rào chắn mới để người dân có thể giám sát hoạt động thi công. 

Năm 2008, những công trình “rùa”, thi công ì ạch hành dân, làm khổ dân, “lô cốt” biến thành nhà kho… xảy ra không ít. Tuy nhiên việc quy định chỉ mang tính chất khuyến khích chứ chưa bắt buộc phải thay thế nên hàng loạt “lô cốt” vẫn bít bùng trước nhà dân.  




  • Thái Phương  

     

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *