Không chỉ mang đậm dấu ấn lịch sử, mô hình nhà sàn Bác Hồ đã đi vào tiềm thức và trái tim của mọi người dân Việt Nam như một di sản văn hóa, tinh thần vô giá. Ngôi nhà sàn này được khởi công xây dựng vào ngày 15/4/1958, cách đây hơn 65 năm, và là biểu tượng trường tồn của một thời kỳ lịch sử hào hùng.
Sau khi quân đội ta tiếp quản thủ đô vào ngày 10/10/1954, đến cuối tháng 12 cùng năm, Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về thủ đô Hà Nội. Ban đầu, Bác được tổ chức bố trí ở và làm việc trong Phủ Toàn quyền Đông Dương (Phủ Chủ tịch) – một công thự lớn và bề thế tại Quảng trường Ba Đình. Nhưng với bản tính giản dị, muốn sống gần gũi với thiên nhiên, Bác không ở đó. Thay vào đó, Bác chỉ sử dụng Phủ Chủ tịch để tiếp khách và hội họp, còn Người chọn sống trong một ngôi nhà nhỏ trong khuôn viên Phủ Chủ tịch, nơi ở của người thợ điện làm việc trong phủ. Bác đã ở trong ngôi nhà này từ khi về Hà Nội đến tháng 5/1958.
Trong chuyến thăm hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên, trên đường về, Bác đề xuất với các đồng chí phục vụ về ý tưởng làm một căn nhà sàn bên bờ ao trong Phủ Chủ tịch để ở và làm việc cho thoáng mát. Nguyện vọng này không chỉ phản ánh tính cách giản dị, gần gũi thiên nhiên của Bác, mà còn là tình cảm sâu sắc của Người đối với người dân Việt Bắc, nơi Bác đã sống và chiến đấu trong suốt 9 năm kháng chiến. Bởi thế, khi hòa bình trở về Hà Nội, Người muốn giữ lại một phần nếp sống ấy, đồng thời duy trì tình cảm với đồng bào Việt Bắc.
Theo ý nguyện của Bác, mùa hè năm 1958, kế hoạch xây dựng ngôi nhà sàn được triển khai. Cục thiết kế cơ bản thuộc Tổng cục Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam được giao thi công công trình này. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, một trong những người Việt Nam học kiến trúc khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và cũng là người thiết kế lễ đài Ba Đình cho cuộc mít-tinh đón Bác Hồ cùng phái đoàn Trung ương Đảng và Chính phủ trở về thủ đô vào ngày 1/1/1955, đã nhận trọng trách thiết kế ngôi nhà sàn của Bác.
Trước khi bắt tay vào thiết kế, Bác trao đổi rất kỹ với kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh về nguyện vọng của mình. Bác muốn ngôi nhà sàn giống như những ngôi nhà của đồng bào Việt Bắc, với tầng 1 thoáng rộng, tầng 2 có hai phòng, giữa hai phòng có vách ngăn tận dụng làm giá sách và xung quanh có hành lang. Bác căn dặn sử dụng gỗ bình thường, không dùng gỗ tốt nhóm 1 để dành làm tà vẹt đường sắt và trường học. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh nhanh chóng triển khai thiết kế, và sau khi Bác góp ý, bản thiết kế được chỉnh sửa hoàn thiện và đưa vào thi công. Đội thi công 30 người là lính công binh đã khẩn trương xây dựng và hoàn thành vào ngày 1/5/1958. Vào dịp sinh nhật 19/5/1958, Bác Hồ đã chuyển sang ở ngôi nhà này cho tới ngày 17/8/1969 – khi Người trở bệnh nặng.
Ngôi nhà sàn có 2 tầng với ba phòng nhỏ. Phòng làm việc ở tầng một là nơi Bác thường làm việc với Bộ Chính trị, gặp cán bộ đầu ngành đến báo cáo công việc và tiếp một số đoàn khách trong nước và quốc tế. Tầng trên có hai phòng nhỏ, là nơi làm việc và nghỉ ngơi của Bác. Mỗi phòng rộng khoảng 10m², đủ để kê một chiếc giường, một bàn, ghế, tủ quần áo và giá sách với những đồ dùng giản dị như tấm chăn đơn, chiếc chiếu cói, cây quạt cọ và máy chữ. Trong phòng làm việc của Bác, nổi bật nhất là giá sách với hàng trăm cuốn sách thuộc các chủ đề chính trị, kinh tế, xã hội, lịch sử, văn học nghệ thuật bằng nhiều thứ tiếng, trong đó rất nhiều cuốn sách có bút tích của các tác giả kính tặng Bác.
Những đồ vật giản dị này đã được nhà thơ Tố Hữu khắc họa trong trường ca “Theo chân Bác”:
“Nhà gác đơn sơ một góc vườn
Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn
Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối
Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn…”
Ngôi nhà sàn của Bác không chỉ đơn thuần là nơi ở và làm việc, mà còn là biểu tượng sinh động cho phong cách sống giản dị, thanh tao của một vị lãnh tụ kính yêu. Việc Bác chọn sống trong ngôi nhà gỗ nhỏ bé, giản đơn khi đã là nguyên thủ quốc gia thể hiện rõ nét tính cách và tâm hồn của Người – một con người thanh tao, khiêm tốn, bình dị đạt đến độ mẫu mực và cảm hóa được tình cảm của mọi người.
Nhà sàn Bác Hồ là một di sản văn hóa, tinh thần lớn lao. Đây là nơi Bác sống lâu nhất và cũng là nơi Người dành những năm tháng cuối đời, gắn với nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Nhân dịp 80 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, và trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại, thì cái nhà nho nhỏ đó cũng luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn. Một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao.”
Nhà sàn là nơi Bác sống lâu nhất và cũng là nơi Người dành những năm tháng cuối đời, gắn với nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Nhân dịp 80 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, và trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại, thì cái nhà nho nhỏ đó cũng luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn. Một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao.”
Ngôi nhà sàn Bác Hồ còn thể hiện tư tưởng, đạo đức và phẩm chất cách mạng của một người luôn vì sự nghiệp cách mạng dân tộc, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân và tình hữu nghị, hòa bình của nhân loại. Như lời nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Bác để tình thương cho chúng con/Một đời thanh bạch chẳng vàng son/Mong manh áo vải hồn muôn trượng/Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.”
Di sản nhà sàn Bác Hồ mãi mãi là biểu tượng của tinh thần, phong cách và đạo đức Hồ Chí Minh, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam và là một phần không thể thiếu trong tâm hồn mỗi người dân Việt.