– 7 tháng sau ngày các cơ quan thừa nhận thất bại trong thí điểm phân làn đường tuyến Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân, ngành giao thông Hà Nội lại tổ chức “thí nghiệm” phân làn chính tuyến đường này.
“Chuyện cũ”!
3 ngày qua, có mặt tại tuyến đường này trong những giờ cao điểm và “thấp điểm”, phóng viên nhận thấy, việc người dân vi phạm quy định diễn ra khá phổ biến, nhất là tình trạng xe máy lấn sang làn đường dành cho ô tô, như câu chuyện bắt đầu cách nay 1 năm.
Mặc dù, cơ quan chức năng đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức như treo băng rôn khẩu hiệu, kẻ rõ vạch sơn… song dường như không thu hút được sự chú ý của người dân. Chiều 17/2, trao đổi nhanh với phóng viên, anh Trần Chiến Thắng (đội Thanh tra Giao thông cơ động) cho biết, từ hôm phân làn cho đến nay, ngày nào lực lượng thanh tra giao thông cũng được tăng cường đứng hướng dẫn người dân trên tuyến đường này và chứng kiến không biết bao nhiêu người dân vi phạm. Anh Thắng cũng cho biết thêm, trên đoạn đường này lực lượng CSGT dường như chỉ túc trực vào những giờ cao điểm nên nhiều khi vắng bóng họ là người dân lại “thích” đi đường nào thì đi.
Chuyên gia vẫn quyết tâm!
Ông Saito Takeshi, chuyên gia của Dự án Phát triển nguồn nhân lực an toàn giao thông tại Hà Nội (TRAHUD) nhận định, thực tế giao thông trên tuyến Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân có rất nhiều vấn đề.
Sau một năm thí điểm phân làn đã cải tạo được các xung đột tại nút giao thông, song số lượng lớn người tham gia giao thông không tuân thủ tổ chức giao thông và đến giờ tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.
Ông Saito Takeshi cho rằng, vấn đề quan trọng là tìm ra được nguyên nhân tại sao người tham gia giao thông không tuân thủ tổ chức giao thông.
“Nhưng thật sai lầm nếu chúng ta cho rằng các hoạt động cưỡng chế giao thông bao gồm các hoạt động giáo dục an toàn giao thông là cách duy nhất để cải thiện thực trạng giao thông. Điều quan trọng là chúng ta cần tiếp tục từng bước điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến và chương trình tín hiệu tại nút Đại Cồ Việt – Phố Huế – Lê Đại Hành, để có phương án tối ưu nhất, phù hợp với diễn biến giao thông trên tuyến. Cùng đó, cần tiếp tục triển khai các hoạt động tăng cường ý thức người tham gia giao thông (các hoạt động văn hoá an toàn giao thông, tuyên truyền – giáo dục, cưỡng chế)” – ông Saito Takeshi nhấn mạnh.
Hy vọng rằng, việc tái thí điểm phân làn này sẽ không rơi vào “lối mòn” và trong những hội nghị sơ kết, tổng kết của vài ba tháng tới, sẽ không có câu “thừa nhận thất bại” của những cơ quan chức năng như cách nay 7 tháng?!
|