Giải pháp nâng cao trình độ, tay nghề cho công nhân





Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mỗi năm cả nước có khoảng 1,5 – 1,6 triệu lao động mới có việc làm, trong đó có 24% lao động được đào tạo nghề, 35% đã qua đào tạo…




Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp thì hầu hết các lao động chưa đáp ứng được yêu cầu. Thực trạng phổ biến hiện nay là các doanh nghiệp sau khi tuyển dụng phải đào tạo lại làm cho khoảng cách giữa doanh nghiệp và người lao động ngày càng rộng. Ðây chính là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới quá trình CNH, HÐH đất nước.




Nhọc nhằn đường đến trường




Gặp Trần Thanh Nhã, công nhân Công ty liên doanh Tosok khi cô vừa tất tả đạp xe tới khu đào tạo tại chức Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Trời Sài Gòn về tối se se lạnh nhưng lưng áo cô ướt đẫm mồ hôi. Ðể có thể theo học tại khoa ngữ văn Anh của trường, hàng ngày sau khi tan ca cô phải đạp xe gần hai chục cây số từ quận 7 lên trung tâm TP để kịp vào lớp. Vừa gạt mồ hôi, Nhã vừa kể: “Sau khi học hết lớp 12, biết mình không đủ sức thi vào đại học nên đi học nghề, sau đó xin vào làm tại Công ty Tosok. Sau một thời gian đi làm, mình quyết tâm thi vào ÐH tại chức. Những ngày đầu đi làm cả ngày, tối lại phải đi học đến 9 giờ, người mệt lừ, nhiều lúc muốn bỏ nhưng nghĩ đến tương lai nên lại quyết tâm theo học”.




TP Hồ Chí Minh là nơi có số lượng công nhân (CN) làm việc tại các KCX – KCN chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước. Phần lớn CN đều xuất thân từ những vùng quê nghèo, gia đình khó khăn nên phải nghỉ học sớm. Họ đến các nhà máy làm việc với tay nghề hầu như là con số không, trình độ học vấn chưa đạt yêu cầu của các chủ doanh nghiệp.




Theo một điều tra gần đây, đa phần CN sau khi tốt nghiệp phổ thông đều muốn tiếp tục đi học nhưng do hoàn cảnh gia đình nên họ buộc phải đi làm sớm. Thế nhưng, hiện chỉ có khoảng 300 công nhân đăng ký đi học – một con số quá ít ỏi so với 230 nghìn công nhân đang làm việc tại các KCX – KCN của TP.




Ở các lớp bổ túc hầu hết CN không tha thiết với việc đi học, còn tại các lớp dạy tiếng Anh, Nhật, Hoa… CN đi học chủ yếu là những người có thời gian làm việc lâu năm và có chút ít chức vụ trong công ty hoặc chuẩn bị được thăng chức.




Ông Nguyễn Tuấn phụ trách mảng giáo dục của Trung tâm hoạt động CNV KCX Tân Thuận cho biết: “Những CN theo học ngoại ngữ ở đây đang làm tổ trưởng trong các công ty của nước ngoài. Họ học tiếng để giao tiếp với cấp trên cho thuận tiện trong công việc và mong có cơ hội được làm ở một chức cao hơn. Một số ít đi học để nâng cao trình độ do sắp được đề bạt, còn những CN đang làm việc theo thời vụ thì rất ít đi học do họ không làm cố định ở một công ty”.




Có một thực trạng là khá nhiều CN bỏ học giữa chừng. Theo ông Bùi Hữu Toàn, Hiệu trưởng trường Tôn Ðức Thắng, “để duy trì được lớp, đảm bảo cho CN làm ca nào cũng không bị gián đoạn chương trình, giáo viên phải dạy theo giờ của CN.




Tuy nhiên CN thường hay đảo ca, tăng ca thường xuyên nên CN không đi học đều. Một lớp ban đầu đăng ký học khoảng 40 học viên, nhưng khi kết thúc khóa học chỉ còn khoảng 20 CN”. Hầu hết CN làm việc tại các nhà máy đều đến từ các tỉnh lẻ, truyền thống làm nông nghiệp khiến họ có tác phong nghề nghiệp chưa nghiêm túc, làm việc không ổn định. CN làm việc được một, hai năm lại chuyển đến công ty khác nên việc thuyết phục CN đi học để nâng cao tay nghề là một điều rất khó.




Thêm nữa họ chủ yếu chỉ học hết phổ cập nên sau một thời gian dài không động tới sách vở khiến cho việc tiếp thu bài của CN rất chậm khiến họ có phần bị nản chí. Ngoài ra áp lực công việc, thời gian làm việc theo ca kíp quá căng thẳng, thu nhập thấp làm cho CN không còn quyết tâm theo học.




Vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay với các CN vừa học vừa làm là thời gian. Nhiều công ty bố trí đổi ca liên tục nên muốn theo học một trường nào cũng rất khó. Có CN được xếp làm hành chính nhưng thỉnh thoảng cũng phải tăng ca. Những lúc ấy thì phải chọn một trong hai: Ði làm thì bỏ học; nếu chọn đi học thì không làm. Ðó là chưa kể, nếu đi học sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc làm, tiền lương và các chế độ khác. Mức lương trung bình của một công nhân chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca thì được khoảng 1,3 triệu đến 1,4 triệu đồng/tháng. Nếu chọn đi học, công nhân phải bỏ tăng ca, trong khi hiện nay, tiền nhà, tiền điện, tiền nước đều tăng, nên không đủ để duy trì cuộc sống.




Anh Lê Tự Trọng đang làm CN tại KCX Tân Tạo cho biết : “Cái thiếu nhất đối với những CN vừa đi học vừa đi làm là thời gian và lòng quyết tâm. Hầu như trong những năm học ÐH công nhân không thể làm tăng ca được. Và cũng chính thời gian eo hẹp cộng thêm sự mệt mỏi sau một ngày làm việc nên rất nhiều CN không còn đủ sức để theo các lớp học vào buổi tối. Tuy nhiên những trường hợp bỏ học giữa chừng chủ yếu ở các lớp bổ túc còn ở ÐH thì rất ít xảy ra”.




Rất cần những sự tiếp sức




Hiện nay, các nhà máy, xí nghiệp đang thay đổi dần thiết bị hoạt động hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, vì vậy để CN tiếp cận và sử dụng được công nghệ cao thì nhất thiết phải nâng cao trình độ học vấn, tay nghề. Nắm bắt được tình hình đó, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đoàn, hội đang có những hoạt động thiết thực giúp CN nâng cao tay nghề cũng như trình độ văn hóa. Ngoài việc tuyên truyền cho CN tham gia các lớp dạy văn hóa vào buổi tối, các đơn vị cũng có những chính sách nhằm giúp CN yên tâm học như giảm học phí, cho vay tiền đi học.




Khu chế xuất Tân Thuận là nơi có tới hơn 60 nghìn CN làm việc đã thành lập Trung tâm Hoạt động Công nhân viên (CNV). Ðây là nơi tổ chức các lớp học cho CNV trong khu chế xuất và tiến hành các hoạt động khuyến khích CN đi học.




Hiện nay trung tâm đang mở 34 lớp học ngoại ngữ như Anh ngữ, Hoa ngữ, Nhật ngữ… và các lớp tin học cho CN. Trung tâm đang tiến hành phát phiếu điều tra nhu cầu học của CN để tiến hành mở lớp dạy văn hóa cho CN. Công ty Cơ khí Sơn Lâm từ bốn năm qua đã hỗ trợ, khuyến khích CN nâng cao trình độ học vấn, tay nghề.




Nhờ những biện pháp trên mà hiện nay tỷ lệ CN kỹ thuật của công ty từ 19% năm 2004 đến nay tăng lên 30%. Công ty Pouyuen cũng lo toàn bộ học phí cho CN đang theo học bổ túc văn hóa và lập Quỹ học bổng Pouyuen cho con của CN đạt danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc. CN Lê Trọng Hữu công tác tại Công ty Towa, KCX Tân Thuận do đang là sinh viên năm thứ ba Trường ÐH Sư phạm Kỹ thuật đã được công ty cho phép đổi ca để tiện cho việc học. Kim Hồng (Công ty Nissey), sinh viên năm thứ hai Trường ÐH Kinh tế TP, thì được công ty quan tâm, ưu tiên cho về sớm 1 giờ vào những ngày đi học. Những hỗ trợ như vậy của công ty dù nhỏ nhưng đã là động lực giúp đỡ họ rất nhiều. “Nhiều CN đang làm việc tại KCX Tân Thuận cũng tranh thủ vừa làm vừa học như tôi”- Hữu cho biết như vậy.




Những năm gần đây, việc hỗ trợ cho công nhân đi học là một trong những chương trình được nhiều tổ chức xã hội chú trọng. Thành phố hiện có khoảng 1,5 triệu CNVC, lao động đang làm việc tại các nhà máy, các KCX – KCN trong khi đó mới có hơn 70% CN mới ở trình độ tay nghề phổ thông. Mục tiêu đến năm 2010 toàn thành phố phải có 50% CN có trình độ tay nghề trung cấp.




Tuy nhiên với cường độ làm việc cao, thu nhập thấp nên việc học, nâng cao trình độ của CN vẫn rất khó khăn. Sau hơn một tháng công bố chương trình cấp học bổng và cho công nhân vay tiền đi học năm 2008, Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ CN TP, nơi nắm giữ nguồn vốn hơn 6,5 tỷ đồng để hỗ trợ CN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có nhu cầu học tập, nâng cao trình độ mới chỉ nhận được ba hồ sơ xin cấp học bổng. Riêng chương trình cho vay vẫn chưa có CN đăng ký tham gia. Tương tự, CLB Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã ký kết với Ban Quản lý các KCX – KCN TP hỗ trợ một tỷ đồng giúp đỡ CN có hoàn cảnh khó khăn phấn đấu nâng cao trình độ học vấn, tay nghề. Ðối với CN học bổ túc văn hóa từ lớp 10 đến lớp 12 sẽ được hỗ trợ 100% học phí; CN đang theo học ÐH, CÐ… được hỗ trợ 50% học phí. Dù vậy, theo Chủ tịch Công đoàn các KCX – KCN TP Nguyễn Văn Khải, đến nay chỉ có khoảng 300 người đăng ký đi học – một con số rất nhỏ so với 230 nghìn CN đang làm việc tại các KCX-KCN. Làm thế nào để nâng cao trình độ học thức cũng như tay nghề của CN để đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa đất nước là bài toán đang rất cần có lời giải.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *