Hà Nội phân làn trên tuyến đường thử nghiệm “đã thất bại”





 – 7 tháng sau ngày các cơ quan thừa nhận thất bại trong thí điểm phân làn đường tuyến Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân, ngành giao thông Hà Nội lại tổ chức “thí nghiệm” phân làn chính tuyến đường này.


 


“Chuyện cũ”!    


 








TIN LIÊN QUAN


  • Hà Nội: “Phát minh” phân làn đường – cái bẫy chết người
  • Phân làn đường: Cơ quan chức năng thừa nhận thất bại?
Ngày 15/2 vừa qua, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) lại phối hợp cùng CSGT, Thanh tra Giao thông Hà Nội tiếp tục thực hiện phân làn trên tuyến đường Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân. 

Song, trái với mong muốn nâng cao hơn nữa ý thức đi đúng làn đường để giảm ùn tắc cũng như tai nạn giao thông của các cơ quan chức năng, người dân tham gia lưu thông trên đoạn đường này vẫn cứ “phớt lờ” quy định, ngang nhiên vi phạm.


 


3 ngày qua, có mặt tại tuyến đường này trong những giờ cao điểm và “thấp điểm”, phóng viên nhận thấy, việc người dân vi phạm quy định diễn ra khá phổ biến, nhất là tình trạng xe máy lấn sang làn đường dành cho ô tô, như câu chuyện bắt đầu cách nay 1 năm.



Cùng đó là tình trạng
vạch sơn phân làn đường tại toàn tuyến nhiều đoạn đã bị mờ, bong tróc không còn rõ.


 








Xe máy vẫn đi vào đường ô tô! (Ảnh: C.Hiếu)



Mặc dù, cơ quan chức năng đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức như treo băng rôn khẩu hiệu, kẻ rõ vạch sơn… song dường như không thu hút được sự chú ý của người dân.


 


Chiều 17/2, trao đổi nhanh với phóng viên, anh Trần Chiến Thắng (đội Thanh tra Giao thông cơ động) cho biết, từ hôm phân làn cho đến nay, ngày nào lực lượng thanh tra giao thông cũng được tăng cường đứng hướng dẫn người dân trên tuyến đường này và chứng kiến không biết bao nhiêu người dân vi phạm. 

Tuy nhiên, vi phạm thì nhiều nhưng do thanh tra không có chức năng xử phạt nên người dân thường phớt lờ sự nhắc nhở. Có người cố tình đi sai làn, khi bị nhắc nhở còn tỏ ý bực tức, khó chịu. 
 



Anh Thắng cũng cho biết thêm, trên đoạn đường này lực lượng CSGT dường như chỉ túc trực vào những giờ cao điểm nên nhiều khi vắng bóng họ là người dân lại “thích” đi đường nào thì đi.



Đại diện Đội CSGT số 4, đơn vị chuyên kiểm tra xử lý các vi phạm ATGT trên tuyến thì cho biết, từ thực tế kiểm tra, xử lý tại tuyến đường một năm qua thì ô tô chấp hành đi đúng làn khá tốt, có chăng thì chỉ là ô tô ngoại tỉnh đi lấn làn mà thôi. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng xe máy đi lấn làn ô tô đã và đang diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là vào giờ cao điểm.


 


Chuyên gia vẫn quyết tâm!


 


Ông Saito Takeshi, chuyên gia của Dự án Phát triển nguồn nhân lực an toàn giao thông tại Hà Nội (TRAHUD) nhận định, thực tế giao thông trên tuyến Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân có rất nhiều vấn đề. 

Chẳng hạn như mặt cắt ngang đường hẹp, thành phần giao thông thì phức tạp và thay đổi theo thời gian nên khó bố trí số lượng làn xe cân bằng với tỷ lệ các loại phương tiện; khoảng cách giữa các nút giao ngắn, tỷ lệ phương tiện rẽ tại nút giao lớn; trên đường xuất hiện nhiều xung đột giữa các phương tiện vào đỗ tại dải đỗ xe dọc theo tuyến Trần Khát Chân với các phương tiện lưu hành trên đường…



 


Sau một năm thí điểm phân làn đã cải tạo được các xung đột tại nút giao thông, song số lượng lớn người tham gia giao thông không tuân thủ tổ chức giao thông và đến giờ tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.


 








CSGT có mặt thì dân mới chấp hành đi đúng làn đường, còn không có thì… (Ảnh: C.Hiếu) 



 


Ông Saito Takeshi cho rằng, vấn đề quan trọng là tìm ra được nguyên nhân tại sao người tham gia giao thông không tuân thủ tổ chức giao thông.



 


“Nhưng thật sai lầm nếu chúng ta cho rằng các hoạt động cưỡng chế giao thông bao gồm các hoạt động giáo dục an toàn giao thông là cách duy nhất để cải thiện thực trạng giao thông. Điều quan trọng là chúng ta cần tiếp tục từng bước điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến và chương trình tín hiệu tại nút Đại Cồ Việt – Phố Huế – Lê Đại Hành, để có phương án tối ưu nhất, phù hợp với diễn biến giao thông trên tuyến. Cùng đó, cần tiếp tục triển khai các hoạt động tăng cường ý thức người tham gia giao thông (các hoạt động văn hoá an toàn giao thông, tuyên truyền – giáo dục, cưỡng chế)” – ông Saito Takeshi nhấn mạnh.



 


Hy vọng rằng, việc tái thí điểm phân làn này sẽ không rơi vào “lối mòn” và trong những hội nghị sơ kết, tổng kết của vài ba tháng tới, sẽ không có câu “thừa nhận thất bại” của những cơ quan chức năng như cách nay 7 tháng?! 




  • Chí Hiếu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *