Khắc phục hạn chế trong GPMB taij Hải Phòng: Tái định cư – khâu then chốt





Tại cuộc làm việc của Bộ Tài nguyên-Môi trường với lãnh đạo thành phố Hải Phòng về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, nhiều ý kiến từ các góc độ khác nhau cho thấy cần làm rõ hơn trách nhiệm của chủ đầu tư trong bồi thường, bố trí tái định cư.


Dự án khu Tổ hợp nghỉ dưỡng Sông Giá



Tái định cư phải đi trước




Quy định về bố trí tái định cư chưa được cụ thể hoá, chưa chỉ rõ nguồn cũng như trách nhiệm bố trí tái định cư của chủ đầu tư, nhất là với những dự án không sử dụng ngân sách nhà nước.  Theo Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường Bùi Quang Sản đây là một trong những hạn chế của công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), bố trí tái định cư hiện nay. Tái định cư cần được công bố trước khi tiến hành thu hồi đất, giải toả. Bởi khi có tái định cư, người dân thấy được lợi thế so sánh và tạo điều kiện thuận lợi để kiểm kê, bồi thường. Nhưng hiện nay, nhiều dự án, quyết định bố trí, cấp đất tái định cư thường chậm, ban hành  sau quyết định thu hồi đất. Chẳng hạn, dự án xây dựng sân golf và khu nghỉ dưỡng tổng hợp tại xã Lưu Kiếm (Thuỷ Nguyên), tháng 4-2008, thành phố có quyết định thu hồi đất tại xã này giao Công ty TNHH Amco-Mibaek Vina thuê. Nhưng việc kiểm kê, lập phương án bồi thường, hỗ trợ chưa thể tiến hành ngay, vì chưa có quy hoạch và bản đồ địa chính khu tái định cư. Việc này dẫn đến khó khăn trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng và di dời các hộ có đất nằm trong chỉ giới thu hồi của dự án đến khu tái định cư; làm chậm tiến độ GPMB. Đây chỉ là một trong rất nhiều dự án triển khai trên địa thành phố, mà tái định cư đi sau quyết định thu hồi đất.




Ông Nguyễn Văn Trực, Thanh tra Bộ Tài nguyên-Môi trường cũng cho rằng, không sớm lập quy hoạch, bố trí tái định cư, rất khó đẩy nhanh tiến độ GPMB. Điều đáng quan tâm là quy định về tiến độ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư ngày càng có xu hướng rút ngắn, trong khi chưa  cân nhắc, xem xét một số vấn đề liên quan. Bởi được mặt này, dễ kéo theo nhiều hệ luỵ khác. Đơn cử, để kịp tiến độ, chính quyền nhiều địa phương không tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục về bồi thường, GPMB, dẫn đến phát sinh những thắc mắc, bức xúc liên quan đền bù, bố trí tái định cư. Cơ chế chính sách chưa phù hợp cũng là nguyên nhân gia tăng số lượng đơn thư khiếu kiện, song chậm được khắc phục. Trong khi đó, nếu bàn giao mặt bằng không đúng hạn định, chính quyền địa phương đứng trước nguy cơ bị chủ đầu tư phạt. Cưỡng chế những hộ chây ỳ không chịu di dời là giải pháp được hầu hết các địa phương lựa chọn để đẩy nhanh công tác GPMB. Mặt khác, tái định cư chậm được thực hiện cũng làm cho chủ đầu tư tốn thêm kinh phí chi trả tiền hỗ trợ tạm lánh cho các hộ dân.




Trách nhiệm của chủ đầu tư




Theo quy định hiện hành, trách nhiệm bố trí tái định cư cho hộ dân chủ yếu thuộc về UBND các cấp, từ xác định nguồn để cấp đất tái định cư, đến giải quyết kiến nghị, khiếu nại của công dân…Trong khi trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc bố trí đất tái định cư cho hộ dân di dời giải toả không đầy đủ.



Tại quyết định 1750/QĐ-UB ngày 8-8-2006 của UBND thành phố về trình tự, thủ tục thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trách nhiệm của chủ đầu tư được đề cập tại phần 3 điều 18 về xử lý vi phạm, cụ thể “tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất vi phạm quy định về trình tự, thủ tục thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư làm chậm tiến độ GPMB, phải chịu trách nhiệm về hậu quả do mình gây ra theo quy định pháp luật”.



Thực tế cho thấy, vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư nhiều hơn thế, nhất là khoản kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật tái định cư. Và đây là một trong những giải pháp mấu chốt để người dân trong diện di dời giải toả sớm ổn định cuộc sống.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *