|
Sau khi Quy hoạch chi tiết Công viên Hoà Bình (Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) tỉ lệ 1/500 chính thức được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội công bố ngày 11/2, giá đất ở đây ngay lập tức có thêm những “nấc thang” mới.
Hy vọng “lên đời”.
Phần diện tích xây dựng công viên Hoà Bình nằm phía tây Thủ đô, thuộc địa phận xã Xuân Đỉnh. Theo quy hoạch, công viên sẽ gắn kết với không gian khu trung tâm tây Hồ Tây và công viên Hữu Nghị ở phía nam khu đất, tạo nên tổng thể không gian kiến trúc đô thị hiện đại khu vực phía bắc TP. Xung quanh có các toà chung cư cao tầng và tiếp giáp với những con đường lớn (như đường Phạm Văn Đồng, đường đang xây dựng có mặt cắt tới 40m).
Tổng diện tích quy hoạch công viên là hơn 20,3 ha, trong đó phần đất để làm khu vui chơi thể thao giải trí là 6,3 ha; đất quy hoạch làm hồ điều hoà là 5,5 ha. Ngay khi công viên được hoàn thành, khu vực này sẽ trở thành một đô thị hiện đại, có không gian cây xanh, gần với trung tâm Metro Thăng Long. Công viên Hoà Bình là một trong những công trình trọng điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Trước những thông tin hấp dẫn như vậy, một loạt các thôn như Cáo Đỉnh, Đông, Trung, Nhang, Lộc thuộc địa bàn xã Xuân Đỉnh bỗng chốc “lên đời”. Trong đó, thôn Nhang, thôn Lộc trước kia vốn tít tận cuối xã thì nay thành trung tâm vì gần với khu vực quy hoạch công viên, khu Ngoại giao đoàn và gần với mặt đường mới mở nhất. Bà Đỗ Thị Hợp (thôn Nhang, xã Xuân Đỉnh) phấn khởi cho biết: “Nhà tôi trước kia là ở cuối thôn, xa xôi tít tắp, ai hỏi đến cũng ngại. Bây giờ mở đường lớn, lại xây công viên ngay bên kia đường nên khu nhà tôi giờ lại thành đầu thôn, trông ra mặt đường lớn vừa mở. Đất cát thì chưa biết thế nào, nhưng tôi đã mở ngay một quán nước tăng thu nhập cho gia đình”.
Rất nhiều gia đình khác như gia đình chị Nguyễn Hồng Hạnh, anh Nguyễn Văn Nghĩa… ở thôn Lộc, cũng có thêm nguồn thu từ việc mở hàng quán phục vụ dân cư khu chung cư mới và công nhân xây dựng. Chị Hạnh tính toán, khi công viên Hoà Bình hoàn thành, số người đến vui chơi giải trí sẽ rất đông, nguồn thu nhập của gia đình chị sẽ khá giả hơn.
Giá đất “nóng” từng ngày
Tuy nhiên, thông tin được nói đến nhiều nhất đó là giá đất. Đất đai ở Xuân Đỉnh, đặc biệt là thôn Lộc, thôn Nhang đang “nóng” lên từng ngày. Bà Đỗ Thị Sáng (thôn Nhang) chỉ vào những dãy nhà trông ra mặt đường lớn mà phía bên kia là công viên Hoà Bình bảo, khu vực này trước kia là cuối thôn, giá đất chỉ 5 đến 6 triệu đồng/m² thôi, nhưng bây giờ vọt lên tới 45 triệu đồng/m². Nếu vào sâu trong thôn giá “mềm” hơn, nhưng cũng tới 25 – 30 triệu đồng/m².
Chị Nguyễn Hồng Hạnh (thôn Lộc) cho biết, đất trong làng năm 2001 chỉ có 400.000 đồng/m², năm 2002 đột ngột tăng lên 6 triệu đồng/m², 2006 khoảng 10 triệu đồng/m², nhưng từ năm 2007 thì lên đến 15 – 17 triệu đồng/m². Đến thời điểm này, khi đường quy hoạch 40m hoàn thành, khu Ngoại giao đoàn khởi công, thông tin quy hoạch công viên chính thức được công bố… giá đất có vị trí đẹp ở đây được rao với mức 45 – 50 triệu đồng/m². “Gia đình tôi mua mảnh đất phía sâu trong thôn Lộc từ năm 2002, lúc đó chỉ có 6 triệu đồng/m². Hôm vừa rồi có người trả 30 triệu đồng/m²”, chị Hạnh kể.
Toàn bộ vạt đất nằm dọc trục đường lớn chạy song song với dự án công viên Hoà Bình thuộc thôn Nhang, thôn Lộc giờ thành “mảnh đất vàng”, phần lớn đã được bán khi chưa có dự án. Nhiều gia đình trước đây trồng hồng xiêm thấy “không bõ” công chăm sóc, tưới tắm nên ngay khi giá đất mới được hâm nóng, đã vội chặt hồng xiêm bán đất, giờ ngồi tiếc thì đã muộn.
Những người nông dân ở Xuân Đỉnh đang đổi đời. Tuy nhiên cái gì cũng có hai mặt. Nếu không biết tận dụng những đồng tiền từ đền bù đất, từ lợi nhuận do đất tăng giá… để tổ chức sản xuất, chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp thì rất có thể sự “đổi đời” lại rẽ sang một ngã khác, như đã từng thấy ở một số vùng vừa sáp nhập về thành phố.
Theo GĐ&XH