Từ thực tế đáng quan tâm Ông Phùng Đắc Lộc – Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết: Năm 2008 doanh thu bảo hiểm xây dựng lắp đặt đạt 962 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2007, doanh thu này chủ yếu từ những công trình năm trước tiếp tục thu, so với mức tăng chung của thị trường bảo hiểm (là 29%) thì bảo hiểm xây dựng có mức tăng chậm.
Chưa có cơ quan quản lý Nhà nước hay DN bảo hiểm nào thống kê được đầy đủ số công trình không mua bảo hiểm theo quy định, nhưng một thực tế hiện đang tồn tại là nhiều công trình chủ đầu tư, nhà thầu thi công không mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật và chỉ khi thanh tra, kiểm tra thì mới phát hiện ra. 11 dự án do Cảng Hải Phòng làm chủ đầu tư giai đoạn 2003 – 2008 đều không mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật là một ví dụ điển hình. “Chúng tôi là chủ đầu tư, có đủ năng lực thi công, nhiều dự án vừa đầu tư vừa thi công nên không mua bảo hiểm nhằm tiết kiệm chi phí. Nếu công trình nào đấu thầu, chủ đầu tư yêu cầu mua thì chúng tôi sẽ mua” – ông Nguyễn Thế Hùng, một nhà thầu kiêm chủ đầu tư ở Hà Nội cho biết. Còn một đại diện khác lại cho hay “theo tôi hiểu, trong Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm xây dựng, lắp đặt không thuộc danh mục bắt buộc mua theo quy định, vì vậy chúng tôi không nhất thiết phải mua. Thi công đúng thiết kế, đảm bảo đúng các tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật thì việc xảy ra rủi ro không thể nói là không, nhưng ít xảy ra”. Ông Phan Thanh Hà – Phó trưởng phòng Bảo hiểm Cháy – Kỹ thuật, TCty Bảo hiểm Bảo Việt (Tập đoàn Tài chính – Bảo hiểm Bảo Việt) cho biết: Theo kinh nghiệm, hầu hết các nhà thầu không tham gia mua bảo hiểm với mục đích cắt giảm chi phí, chỉ khi chủ đầu tư yêu cầu ràng buộc thì nhà thầu mới mua. Mục đích mua bảo hiểm xây dựng là chia sẻ rủi ro, giải quyết tổn thất trong trường hợp công trình, dự án xảy ra sự cố bất ngờ và không lường trước được, đơn vị thi công không gánh chịu được, nhưng xem ra nếu không có chế tài “ép” thì việc chủ đầu tư, nhà thầu thi công tự nguyện mua bảo hiểm là quá xa vời.
Đến những quy định không rõ ràng Theo ông Chu Văn Chung – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) thì tại Khoản 2 Điều 75 và Khoản 2 Điều 76 Luật Xây dựng có quy định: “Chủ đầu tư xây dựng công trình trong việc thi công xây dựng công trình có nghĩa vụ mua bảo hiểm công trình” và “nhà thầu thi công xây dựng công trình có nghĩa vụ mua các loại bảo hiểm theo quy định của pháp luật về bảo hiểm”. “Luật Xây dựng quy định về bảo hiểm như vậy, còn việc hướng dẫn cụ thể về vấn đề này Chính phủ giao cho Bộ Tài chính” – ông Chung cho biết. Ngày 9/12/2000, Luật Kinh doanh Bảo hiểm được ban hành, theo đó, bảo hiểm xây dựng không thuộc danh mục bảo hiểm bắt buộc. Một câu hỏi đặt ra là có hay không những quy định mâu thuẫn, không thống nhất giữa Luật Xây dựng và Luật Kinh doanh Bảo hiểm? Để giải đáp câu hỏi này, chúng tôi đã gặp ông Phạm Đình Trọng – Phó Cục trưởng Cục Bảo hiểm (Bộ Tài chính) được biết: Theo Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh BĐS và một số luật chuyên ngành khác có quy định đối tượng có nghĩa vụ phải mua bảo hiểm và đối tượng đó là ai thì phải theo Luật Kinh doanh Bảo hiểm. Trong Khoản 2, Điều 8, Chương I, Luật Kinh doanh bảo hiểm thì bảo hiểm xây dựng không thuộc danh mục bảo hiểm bắt buộc. Nhưng ở đây tôi xin lưu ý về từ ngữ: “Bảo hiểm bắt buộc là loại bảo hiểm do pháp luật quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu mà tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và DN bảo hiểm có nghĩa vụ thực hiện. Bảo hiểm bắt buộc chỉ áp dụng đối với một số loại bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn”. “Như vậy bảo hiểm xây dựng không thuộc danh mục bảo hiểm bắt buộc, tức là loại bảo hiểm mà DN được quyền quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm chứ cơ quan quản lý nhà nước không cần phải ban hành quy tắc biểu phí bảo hiểm xây dựng, lắp đặt. Điều đó có nghĩa là các đơn vị mua bảo hiểm vẫn phải mua theo Luật Xây dựng nhưng không cần cơ quan quản lý Nhà nước ban hành biểu mẫu, biểu phí” – ông Trọng phân tích. Ngày 19/11/2008, Bộ Tài chính có Công văn số 13994/BTC-BH về bảo hiểm trong hoạt động xây dựng. Theo đó, “việc mua bán bảo hiểm trong hoạt động xây dựng được thực hiện như đối với các loại hình bảo hiểm tự nguyện khác” và các đối tượng (tổ chức, cá nhân) có nghĩa vụ phải mua bảo hiểm trong hoạt động xây dựng phải tiến hành mua bảo hiểm tại các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam và được phép cung cấp loại sản phẩm bảo hiểm này. Các DN bảo hiểm phi nhân thọ nói trên có quyền chủ động xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm”. Rõ ràng cơ chế, chính sách quy định còn chung chung, thậm chí hết sức khó hiểu, gây hiểu lầm, hiểu sai. Vì vậy những quy định ấy còn nằm trên văn bản, chỗ thực hiện, chỗ không. Một đơn vị kinh doanh bảo hiểm cho biết: Sau khi Bộ Tài chính ban hành Công văn số 13994/BTC-BH đã có một số đơn vị ở các tỉnh gửi công văn yêu cầu chúng tôi cắt bảo hiểm vì giờ bảo hiểm xây dựng không còn bắt buộc. “Chính những quy định không rõ ràng đã khiến các đơn vị, tổ chức thực hiện gặp rất nhiều vướng mắc” – ông Phan Thanh Hà – Phó trưởng phòng Bảo hiểm Cháy – Kỹ thuật Bảo hiểm Bảo Việt chia sẻ. |